Cơ chế kết tội hiện nay lỏng lẻo dễ dãi

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định Hội đồng xét xử khi nghị án thì biểu quyết theo đa số về từng vấn đề, người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại chỉ lấy ý kiến đa số mà không đòi hỏi tất cả các thành viên hội đồng xét xử gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đều phải nhất trí 100% về từng vấn đề có tội hay không.

Phải chăng đây chính là sự lỏng lẻo thiếu chặt chẽ trong việc kết tội là nguyên nhân dẫn đến án oan?

Vì hãy thử hỏi, vì sao sau khi đã bàn luận cái người thiểu số lại vẫn không đồng ý kết tội như đồng sự? Chắc chắn là phải có điều gì đó khiến người ta nghi ngờ bị cáo bị oan, và đấy chính là mấu chốt của vấn đề.

Chúng ta biết rằng, bình thường khi một vụ án đã được chuyển sang giai đoạn tòa án thì về cơ bản là người ta đã có những cơ sở để kết tội rồi và được trưng ra dễ nhận thấy. Nhưng cái điểm nghi là vô tội thì lại ẩn dấu kín đáo trong hồ sơ, mà phải có sự sắc bén về chuyên môn hoặc nhãn quan thông thoáng không bị những thành kiến nghề nghiệp che lấp mất mới nhận ra được.

Cho nên khi đó cái ý kiến của thiểu số mới lại là cái đáng quan tâm chú ý. Và do vậy đòi hỏi cần làm rõ được nghi vấn của người thiểu số, phải giải đáp hết những điểm mù mờ chưa rõ ràng trong vụ án, và chỉ cho phép kết luận có tội khi 100% thành viên Hội đồng xét xử cùng nhất trí bị cáo có tội.

Đó là cách xét xử đặt ra những đòi hỏi khắt khe cho việc kết tội, bằng cách đó giảm tránh đi oan sai.

Và theo như tôi tìm hiểu thì dường như đó là lối xét xử theo mô hình Bồi thẩm đoàn của hệ thống Tòa án Mỹ. Với 12 thành viên của Bồi thẩm đoàn được chọn từ những người dân thường, khi biểu quyết phải đủ 12 thành viên đồng ý có tội thì Thẩm phán mới tuyên bị cáo có tội. Chỉ một người không đồng ý kết tội thì sẽ không được tuyên bị cáo có tội.

(Không rõ nội dung tôi tìm hiểu trên có chính xác 100% hay không, hay là có bang nào ở Mỹ họ không áp dụng, có ai biết xin mời chia sẻ)

Ở Việt Nam lâu nay việc kết tội lấy theo ý kiến đa số cho nên để ngỏ những vấn đề chưa được làm rõ. Trên thực tế Hội đồng xét xử thường có quan điểm rằng mặc dù còn tồn tại vấn đề này kia nhưng căn cứ vào các tài liệu khác có trong hồ sơ thì có đủ cơ sở để kết tội này nọ.

Những tình tiết chưa được làm rõ trở thành căn cứ kêu oan, và với sự hợp lý của nó dẫn đến các bản án hay bị hủy bỏ yêu cầu điều tra lại gây ra những vụ án kéo dài.

Vai trò Hội thẩm

Sự dễ dãi trong điều kiện kết tội còn thể hiện ở quy định số lượng ít các thành viên Hội đồng xét xử, mà qua đó giảm bớt đi những ý kiến tranh luận bàn cãi nếu có, cái mà nó sẽ có ở số đông và có ích trong việc làm sáng tỏ các vấn đề vụ án.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì Hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân, vụ việc phức tạp thì 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân.

Trong khi ở Nhật Bản, nước áp dụng mô hình xét xử thẩm vấn gần gũi với Việt Nam thì Hội đồng xét xử của họ có tới 3 thẩm phán và 6 hội thẩm nhân dân, tổng cộng là 9 người.

Số lượng đông của Hội đồng xét xử sẽ là một rào cản cho hành vi hối lộ mua chuộc. Và để giữ được tính độc lập của người hội thẩm, các nước họ lựa chọn người bất kỳ trong dân chúng có tính chất luân phiên.

Trong khi ở Việt Nam các Hội thẩm được Hội đồng nhân dân bầu ra với nhiệm kỳ bằng với nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân. Và những người được bầu ra với số lượng giới hạn sẽ tham gia thường xuyên vào các vụ án cho tới hết nhiệm kỳ. Điều này khiến cho các hội thẩm mất đi sự độc lập mà hay bị phụ thuộc chi phối.

Trong khi bản chất của hoạt động xét xử là phán đoán, mà người ta đã tính toán rằng một người thì có thể phán đoán sai, nhưng nếu kết hợp kết quả phán đoán của nhiều người thì sẽ cho ra kết quả chính xác gần đúng.

Do vậy cái quan trọng là phải giữ được sự độc lập trong ý chí nhận thức của những người phán đoán. Như hiện nay, yếu tố phụ thuộc làm mất đi vai trò tác dụng của Hội thẩm và số lượng ít làm giảm đi chất lượng của những phán đoán phán quyết.

Tựu chung lại mô hình xét xử hiện nay tạo ra sự dễ dàng cho những phán quyết mà rồi từ đó nguy cơ gây ra oan sai.