Chuyện buồn dưới chân Núi Đót – Bài 2 Ngắc ngoải… những thế hệ

Ngược “miền Quan họ”, chúng tôi tìm lên tổ ấm một thời của gia đình tử tù Hàn Đức Long. Muốn vào ngôi nhà này, phải đi qua nhà bé Yến cùng cái chết tức tưởi của 9 năm về trước do bị hiếp và giết. Con đường quanh co, hai xe máy phải khéo lái mới tránh được nhau. Thôn Yên Lý nghèo và nghèo, nhưng buồn nhất vẫn là ngôi nhà của tử từ Hàn Đức Long.
Ông Hàn Đức Minh, anh của tử tù Hàn Đức Long
Một nhà “vang tiếng ruồi xanh”
Ngôi nhà ông Long cùng gia đình ở bên mé sườn đồi. Nơi đây, nếu không vướng mấy bụi tre, tinh mắt nhìn sẽ thấy ngôi mộ của bé Yến nằm đen nhức giữa cánh đồng. Hiện tại, con gái đầu của Hàn Đức Long đã lấy chồng, vì điều tiếng nên rất ít về quê. Đứa con trai thì cũng đã phiêu bạt ra phố, xuống tận Bắc Ninh để làm thuê kiếm sống bằng nghề mộc.
Ngôi nhà của một gia đình 4 người, 2 thế hệ này trước đông người ra vào thì nay hiu hắt, ẩm mốc, dột nát và hoang hoải. Người ta chỉ nhận thấy ngôi nhà này “còn sống” ấy là có con chó gầy xích ngoài cửa, mấy con gà thơ thẩn nhặt sỏi trước sân. Từ ngày Hàn Đức Long dính lao lý, ngôi nhà này chỉ ngày 2 lần mở đôi cánh cửa tre. Người hay qua nhất đó là bà Hàn Thị Thanh, chị gái đầu của Hàn Đức Long. Bà Thanh qua như một cái cớ cho ngôi nhà có hơi người và tiện thì băm ít cám bã để nuôi đôi lợn mà đứa cháu đã cho Nguyễn Thị Mai, vợ tử tù Hàn Đức Long để đến tết nếu cậu nó chưa bị hành quyết thì có cái bán để vào trại thăm.
Gặp, qua vài câu hỏi, bà Thanh đã nấc lên. Bà bảo, lâu lắm rồi chả ai coi chúng tôi là người, chả có ai hỏi han như các anh. Nhục nhã lắm, tan nát hết, con cháu phiêu bạt, chả ai muốn sống ở cái làng này nữa chỉ vì hai chữ: Nhục nhã!
Từ ngày ông Hàn Đức Cảnh lên đây đã cho ra đời ở đây một họ Hàn duy nhất cùng 3 người con và 8 đứa cháu mang danh họ Hàn. Ấy thế mà nay, nhiều đứa trong đó đã phải bỏ làng. Bỏ vì điều tiếng, bỏ vì sự khinh ghét. Trong những đứa cháu của họ Hàn này, khổ nhất là hai đứa con của tử tù Hàn Đức Long. Hàn Thị Ninh, đứa con gái lớn, có cá tính nhất, năm bố bị bắt vì án hiếp dâm và giết người, Ninh mới tròn 17 tuổi. Mới đầu, em cũng khẳng khái vươn lên để sống, để hòa nhập với xóm làng. Nhưng không thắng nổi điều tiếng, chấp nhận tủi nhục em đã phải dời quê, tìm đến các khu công nghiệp để kiếm sống và cũng là để mai danh ẩn tích.
Vốn là cô gái ưa nhìn, em đã đựợc một người để ý và họ đã nên duyên chồng vợ. Trước đó, biết gia phận của em, bên nhà chồng đã không mấy ưng thuận. Ai lại làm thông gia với một gia đình mà cha vốn là kẻ hiếp dâm trẻ em và giết người là những áy náy mà bất kì ai cũng nghĩ đến. Nhưng rất may cho Ninh, bên nhà chồng, vốn có ông bác họ làm luật sư, ông ta đã tác động rất nhiều và cho rằng ai làm đấy chịu. Hơn nữa, ông ấy bảo, ông ấy cũng đã đọc hồ sơ. Theo hiểu biết và nghiệp vụ của ông ấy thì vụ việc này còn rất nhiều uẩn khúc cần được làm rõ. Thế rồi vượt qua, họ đã đến được với nhau.
Nhớ đến đám cưới đứa con gái đầu đầy cơ cực của tử tù Hàn Đức Long, ông Hàn Đức Minh, bác của Ninh nấc lên: Tội con cháu chúng tôi, tội cái Ninh lắm anh ạ. Vượt qua tất cả điều tiếng, lúc sắp sửa bước lên xe hoa về làm dâu họ vẫn còn gây sự. Đám cưới nó, vì biết thân phận mình nên chúng tôi chẳng dám mời ai. Chỉ làm mấy mâm đơn giản, có cớ để họ hàng đãi nhau và có cớ để đãi nhà trai lúc xuống đón dâu mà thôi. Ấy thế mà trước tối đón dâu, chẳng biết ai kích động mà một đám thanh niên đã kéo đến. Chúng định phá đám cưới. Vì cháu, vì hạnh phúc của cháu, gia đình tôi xin xỏ mãi họ mới tha. Thôi, thế cũng đã là cái phúc còn lại của họ Hàn chúng tôi ở xóm núi này rồi.
Gia quyến họ Hàn ngày còn ấm êm 
Xa quê tránh tiếng
Ông Hàn Đức Minh lại khóc khi kể tiếp về số phận những đứa cháu của mình. Tội nghiệp cho cái Ninh về đường tình duyên chưa qua thì lại đến cái tội cho thằng con trai của chú nó. Thằng Hàn Đức Trọng cũng là đứa cao ráo lắm. Nhưng sau vụ bố nó, điều tiếng quá cũng phải bỏ học. Mới đầu nó cũng tin bố nó không gây ra tội ác. Nhưng sau 2 lần tuyên án ban đầu thì niềm tin đó chẳng còn. Nó đã suy sụp hẳn, bỏ học lúc bước vào lớp 9.
Một thời gian sau, đứa con gái nó yêu thương nhất xóm cũng từ bỏ nó vì lý do bố hiếp dâm. Nó gần như phát khùng và mất hẳn phương hướng trong đời. Rồi như biết được cái phận của nó có chỗ dùng được nên bọn buôn bán hêrôin dưới Việt Yên mò lên rủ rê. Gia đình biết, sợ nó hư hỏng nên đã nhờ con ông bác họ đưa nó vào tận Tây Nguyên lánh nạn bằng việc làm thuê rẫy cà phê. Vài năm nó đi, thu nhập ít quá lại về. Lại nằm một chỗ và im lặng đến khó hiểu. Sợ nó nghĩ quẩn, sẽ có những việc làm không tốt nên mấy người anh nó lại đưa nó đi làm thuê bằng nghề xây dựng, rồi lại đi học mộc. Nay nó đã có nghề mộc trong tay nhưng cũng rất ít về làng. Về là gặp cảnh đìu hiu của nhà cửa, về là gặp điều tiếng nên nó đã không dám về nữa. 
-Từ ngày chú nó gây án, ngoài điều tiếng, gia đình tôi còn gặp bao nhiêu điều khó dễ. Ông Hàn Đức Minh ngậm ngùi kể. Đám cưới con mình chả dám mời người làng và đám cưới người làng cũng ít khi họ mời chúng tôi. Mà chúng tôi có tội tình gì đâu. Dòng họ chúng tôi, con cháu chúng tôi chỉ may mắn, chỉ thuận được về đường tình duyên trước ngày chú nó bị bắt khi gây án, chứ những đứa sau này vật vã lắm. Toàn phải kiếm tình duyên nơi khác thôi. Ngay như đứa con gái duy nhất tên Hàn Thị Hoàn của tôi cũng vậy thôi. Nó đã phải bỏ vào tận miền Nam để làm công nhân bánh kẹo kiếm tiền sinh sống. Sau này, nó lại dạt ra Hà Nội. May mắn, phúc nhà tôi vẫn còn, nó đã gặp chồng nó bây giờ quê ở Phú Thọ. Thằng chồng nó cũng là người có bản lĩnh, thông cảm và thương yêu nó thật. Ơn giời, giờ chúng nó đã thành vợ chồng của nhau.
Nghe chuyện ông Hàn Đức Minh, anh trai tử tù Hàn Đức Long kể về quãng thời gian 8 năm dài và nặng trịch mà họ Hàn dưới chân Núi Đót nơi đây, chúng tôi không khỏi mủi lòng. Cơn gió tràn từ núi xuống, mây xám ùn ùn dâng lên, ông Minh thở dài: Chả biết bao giờ mới có điều kiện và thời gian để sửa lại cho chú nó cái nhà. Cái nhà ấy, làm đã lâu, lại thi thoảng bị người ta đáp đá lên mái nên đã dột lắm rồi!
ĐƠN THƯƠNG
Theo Daidoanket.vn