Chống dịch nhưng cần dành không gian cho các thực thể dân sự và định chế thị trường

Theo thông tin từ Bộ y tế, kể từ khi có dịch tính đến ngày 31/8, tại Việt Nam có tổng cộng 462.096 người nhiễm covid-19, trong đó chỉ nguyên số người nhiễm trong nước từ đợt bùng phát dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4/2021 là 457.882 người.

Tổng số người được điều trị khỏi bệnh là 238.860 người, có 11.064 người tử vong.

Nhiều nơi áp dụng những chính sách giãn cách xã hội yêu cầu người dân ở yên trong nhà, các chương trình chính sách chống dịch theo đó nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội.

Những nơi chưa có ca nhiễm được đặt biển báo an toàn Vùng Xanh

Mấy hôm nay đang có nhiều ý kiến về các biện pháp ngăn dịch bệnh như hoạt động đi chợ hộ hay tính hợp lý của việc dừng hoạt động shipper.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng các hội nhóm thiện nguyện không được cấp giấy đi đường trong khi chưa có sự tính toán thống kê hiệu quả của hoạt động này bấy lâu là không thỏa đáng hợp lý.

Hoặc như nhiều địa phương đưa ra điều kiện với xe vận tải làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông hàng hóa cũng là bất hợp lý.

Trong bối cảnh như vậy tôi cung cấp một góc nhìn cho rằng các hoạt động chống dịch cần vận dụng tinh thần điểm mới của Đại hội 13, để từ đó thấy được các giải pháp nên được làm như thế nào.

Nhưng trước hết tôi trích dẫn lại nội dung ý kiến của TS Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Vietnamnet.

Quản trị quốc gia

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng cho biết, một trong những điểm mới của văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 là sự xuất hiện của khái niệm ‘quản trị quốc gia’.

Từ lâu nay mọi người đã quen với các khái niệm quản trị doanh nghiệp, quản trị đô thị, quản trị rủi ro, quản trị toàn cầu… Tuy nhiên theo tiến sĩ Đáng có lẽ đây là lần đầu tiên văn kiện Đảng sử dụng đến khái niệm ‘quản trị’.

Đâu là những đặc điểm chính của nền quản trị quốc gia?

Thứ nhất là đặc điểm đa chủ thể. Hệ thống quản trị sẽ không chỉ bao gồm chính quyền, luật pháp, nguyên tắc và quy định hành chính và các cơ quan nhà nước, mà còn bao gồm các chủ thể tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận, cũng như vai trò ngày càng tích cực và chủ động của mỗi công dân.

Cũng bởi thế lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho các quyết định quản trị. Trong khung khổ quan hệ đa chủ thể, các mong đợi lợi ích của các chủ thể khác nhau đều phải được tôn trọng.

Do đó các chính sách hay quyết định quản lý có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi các lợi ích đa dạng chứ không phải chỉ lợi ích công.

Thứ hai, giảm bớt khoảng cách và thu hẹp ranh giới công – tư. Hệ thống quản trị tích hợp các hệ thống hành chính với các cơ chế thị trường và phi lợi nhuận, qua đó thu hẹp và làm mờ đi ranh giới giữa nhà nước và xã hội.

Thứ ba, quan hệ hợp tác giữa các đối tác sẽ dần thay thế quan hệ áp đặt theo trật tự thứ bậc như trong mô hình chính quyền truyền thống.

Do sự tham gia của các chủ thể đa dạng vào các quan hệ quản trị nên hình thức của các quan hệ đó sẽ chuyển dần sang dạng thức quan hệ theo chiều ngang, mang tính chất đối tác, hợp tác, và bình đẳng hơn.

Tham gia một phiên tòa tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh

Vậy đâu là điểm khác biệt căn bản nhất giữa ‘quản lý nhà nước’ và ‘quản trị quốc gia’?

Quản lý, dù ở cấp độ tổ chức, địa phương, hay quốc gia, đều luôn tồn tại một chủ thể có vai trò kiểm soát các mối quan hệ và việc ra quyết định (chính quyền, ban giám đốc, ban giám hiệu…).

Tuy nhiên khi nói đến quản trị thì sẽ không tồn tại một chủ thể trung tâm như vậy.

Do đó sự khác biệt căn bản nhất của quản trị so với các hệ thống quản lý là sẽ không tồn tại một chủ thể có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình ra quyết định tập thể trong các mối quan hệ quản trị đa chủ thể.

Vai trò của chính quyền sẽ như thế nào trong hệ thống quản trị quốc gia?

Các hệ thống quản trị đòi hỏi chính quyền phải dần thích ứng được với vai trò điều phối sự khác biệt về mong đợi và lợi ích của các chủ thể quản trị.

Cũng có nghĩa chính quyền không thể dễ dàng áp đặt ý chí của mình cho các bên liên quan như trong mô hình quản lý nhà nước truyền thống.

Thực tế cũng cho thấy những giới hạn về khả năng và nguồn lực của nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

Bởi thế thực tế cũng đang chứng kiến sự tham gia ngày càng tích cực của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và cá nhân công dân, sát cánh cùng chính quyền để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể.

Thêm những nghiên cứu

Những ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng đã giúp mọi người thấy được ý nghĩa của mục tiêu Quản trị quốc gia.

Bản thân tôi là một luật sư xuất phát từ thực tiễn hành nghề từ lâu cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề này.

Ví như năm 2019 trong một bài phân tích chỉ ra cho thấy ‘nền tư pháp đóng góp ít cho quản trị quốc gia’, tôi cho rằng cần thúc đẩy kiến tạo công lý để giúp ích cho quản trị quốc gia.

Tức là nếu nền tư pháp không khiến cho người dân cảm thụ được công lý qua những sự vụ được dư luận xã hội quan tâm sẽ ảnh hưởng xấu tới hành xử của dân chúng.

Người dân sẽ sử dụng quyền lực tiền bạc và các các mối quan hệ để xử lý công việc thay cho pháp luật, đồng nghĩa với đó là sự suy đồi của đạo đức cá nhân và đạo đức công vụ.

Từ đó tạo ra sự hỗn loạn nhất định trong trật tự xã hội và tạo ra các xung động xấu trong sự vận động đời sống xã hội, tác động xấu tới quản trị quốc gia.

Năm 2020 tôi in một cuốn sách về ‘Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế và lợi ích sát sườn cho doanh nhân’, nội dung bao gồm những luận điểm đề xuất về cải cách thể chế và thiết lập khung khổ mới trong thực thi pháp luật để nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Chống dịch hiện nay

Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng cộng sản diễn ra hồi tháng 2 năm 2021 trong bối cảnh dịch dã đã có trước đó cả năm, cho nên điểm mới của văn kiện đại hội hẳn phải nằm trong hoàn cảnh thực tiễn.

Nhưng thực tế như tôi thấy thì hoạt động chống dịch dường như không ai để ý đến định hướng điểm mới này.

Vậy nếu áp dụng vào trong chống dịch hiện nay thì sẽ thực hiện như thế nào?

Theo tôi thì các hoạt động chống dịch cần mềm hơn, tăng cường những thuộc tính khoa học và nhân văn, tăng cường sự hợp tác công tư, tôn trọng dành phần không gian cho các thực thể dân sự và các định chế thị trường.

Theo đó cần để cho các hoạt động shipper hay các hội nhóm thiện nguyện được hoạt động, thay vì lo ngại hoạt động đó làm lây lan dịch thì cần có sự phối hợp cùng hợp tác để trang bị các đồ bảo hộ cũng như tiêm vacxin để đưa nguồn lực đó vào chống dịch.

Ngoài ra là cần bỏ đi việc cản trở lưu thông vận tải hàng hóa của các luồng xe tải, xe container mà đây đó các địa phương đang đặt ra, để tôn trọng lợi ích của các chủ thể liên quan.

Thực tế mới đây cũng cho thấy sau khi dư luận phản ánh nhiều về sự bất cập trong việc dừng các hoạt động shipper và để lực lượng chức năng đi chợ hộ người dân, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi chính sách cho phép các hoạt động shipper hoạt động trở lại.

Dẫu vậy công tác chống dịch cần tôn trọng dành phần không gian rộng lớn hơn cho các thực thể dân sự và định chế thị trường.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Covid-19: Không gian cho thực thể dân sự và các định chế thị trường?’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;