Chiến lược phát triển nghề luật sư còn thiếu sót

Theo Chiến lược phát triển nghề luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng chính phủ, mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Việt Nam sẽ có từ 18.000 đến 20.000 luật sư. Tại thời điểm Thủ tướng ban hành quyết định, tổng số luật sư Việt Nam là 6.250 luật sư, phân bổ không đồng đều chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Hà Nội có 1630 luật sư, Thành phố Hồ Chí Minh có 2.880 luật sư. Trong khi đó, một số địa phương lại có rất ít luật sư như Hà Giang, Bắc Kạn, Kon Tum (05 luật sư), Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị (06 luật sư), Hậu Giang (07 luật sư), Cao Bằng (09 luật sư) … Thậm chí, có địa phương không có đủ 03 luật sư để thành lập Đoàn luật sư như tỉnh Lai Châu. Tại các địa phương này, số lượng luật sư không đủ để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân và ngay cả trong việc thực hiện bào chữa trong các vụ án bắt buộc có sự tham gia của luật sư.

Mục tiêu phát triển số lượng luật sư đã dành được sự quan tâm

Trong Chiến lược phát triển nghề luật sư, mục tiêu phát triển số lượng đã dành được sự quan tâm của chính phủ và các cấp ban ngành. Một trong những đường hướng giải quyết là để các giảng viên luật được hành nghề luật sư. Tôi ủng hộ quan điểm này.

Có người lo ngại rằng các giảng viên sẽ bỏ bê công việc giảng dạy để chạy theo nghề luật sư. Đây có lẽ là nhận định do chưa thực sự hiểu về nghề luật sư. Thật tâm mà xét, khi làm việc theo đúng lương tâm đạo đức trách nhiệm thì luật sư là một nghề gian nan vất vả. Luật sư ở ta chưa có được vị thế như luật sư nước ngoài, khi pháp luật chưa được tôn trọng thì đồng nghĩa nghề luật sư chưa được coi trọng.

Tuy nhiên, muốn xã hội coi trọng luật sư thì chính các luật sư cần phải nỗ lực tâm huyết để được xã hội coi trọng. Là người trong nghề, tôi thấy rằng nhiều luật sư giải quyết công việc theo sự khôn ngoan cá nhân thay vì theo pháp luật.

Chức năng xã hội của nghề luật sư là góp phần xây dựng quốc gia pháp quyền, sự tham gia của đội ngũ giảng viên luật sẽ chung vai chia sẻ gánh nặng trách nhiệm trong việc xây dựng hoàn thiện hệ thống tư pháp Việt Nam.

Số lượng luật sư phân bổ không đồng đều giữa các vùng lãnh thổ chưa dành được sự quan tâm cần thiết

Trong chiến lược phát triển nghề luật sư, vấn đề phân bổ số lượng luật sư chưa nhận được sự quan tâm cần thiết, trong khi đây là vấn đề quan trọng không kém gì mục tiêu phát triển số lượng. Theo các số liệu thì chỉ riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm tới 72,16% tổng số luật sư trong tổng số 63 tỉnh thành. Đây rõ ràng là sự mất cân xứng quá lớn trong việc phân bổ luật sư theo địa bàn lãnh thổ. Nếu vấn đề này không được quan tâm và có đường hướng giải quyết thì tới năm 2020 dù cho đạt được mục tiêu phát triển số lượng lên 20.000 luật sư thì nghề luật sư vẫn chưa có bước phát triển bền vững, không đáp ứng được yêu cầu xã hội. Đây rõ ràng là thiếu sót trong chiến lược phát triển nghề luật sư.

Nguyên nhân dẫn đến việc luật sư chỉ tập trung ở các thành phố lớn bởi vì đó cũng đồng thời là trung tâm kinh tế, các luật sư dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm khách hàng. Mặt khác, quy định bất cập của luật luật sư năm 2006 đã góp phần vào nguyên nhân gây ra tình trạng bất cân xứng trong phân bổ số lượng luật sư theo địa bàn lãnh thổ.

Luật luật sư 2006 quy định“Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên”

Quy định như trên là rất bất hợp lý. Tại sao lại cản trở không cho luật sư Đoàn này tự đứng ra thành lập tổ chức hành nghề ở một địa bàn Đoàn khác? Tại sao lại “bế quan tỏa cảng” phân biệt đối xử như vậy? Tổ chức hành nghề luật sư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, ở đâu cũng tuân thủ pháp luật, ở đâu cũng đều thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam, vậy tại sao lại phân biệt cản trở?

Điều 21 Luật luật sư năm 2006 quy định luật sư được quyền hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam và hành nghề ở nước ngoài. Quyền hành nghề luật sư bao gồm trong đó cả quyền thành lập tổ chức hành nghề luật sư. Một mặt quy định luật sư được hành nghề trên toàn lãnh thổ, mặt khác lại cản trở luật sư tự đứng ra thành lập tổ chức hành nghề trên địa bàn đoàn luật sư khác, như vậy có mâu thuẫn không? Quy định như trên thì tính sao với trường hợp luật sư muốn hành nghề ở nước ngoài? Luật sư không được thành lập tổ chức hành nghề ở nước ngoài hay sao?

Điều đáng tiếc là nội dung này vẫn được giữ nguyên tại dự thảo luật luật sư đang được xem xét sửa đổi.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các luật sư tập trung đông ở các thành phố lớn và thiếu hụt ở các tỉnh. Một thực tế lâu nay, nhiều luật sư từ các tỉnh muốn thành lập tổ chức hành nghề tại Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh thì đành từ bỏ đoàn luật sư nơi cũ để gia nhập vào đoàn luật sư Hà Nội hoặc đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó tại các tỉnh vốn đã ít luật sư lại càng bị mất dần nguồn nhân lực.

Cần bãi bỏ quy định bất cập trên, khi đó các luật sư thuộc đoàn này được tự đứng ra thành lập tổ chức hành nghề thuộc địa bàn đoàn khác. Đoàn luật sư các tỉnh sẽ bớt đi một nguyên nhân là căn nguyên của tình trạng bị mất nguồn nhân sự. Các luật sư tuy làm việc ở nơi khác nhưng vẫn có trách nhiệm với đoàn luật sư nơi mình là thành viên, trong đó có trách nhiệm tham gia các vụ án chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Khi đó sẽ giúp giảm bớt tình trạng các vụ án không có luật sư trong khi pháp luật quy định phải có luật sư.

Trên đây là một vài ý kiến chia sẻ rất mong các cấp ban ngành quan tâm để phát triển nghề luật sư Việt Nam.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 

Bài đã đăng trên trang web của Liên đoàn luật sư Việt Nam tại đây: Google search: ‘Chiến lược phát triển nghề luật sư còn thiếu sót’