Nếu cần mô tả quá trình phát triển xây dựng đất nước kể từ khi đổi mới đến nay chỉ trong một câu, thì câu tôi chọn sẽ là khao khát phát triển kinh tế nhưng chưa coi trọng thực hành công lý.
Kém ưu tiên
Khi nhìn lại mấy chục năm qua, kể từ năm 1986 đến nay, từ góc độ kiểm tra lại số lượng văn bản được ban hành, từ góc độ đánh giá về các ưu tiên nhân sự, hay mục đích của các hiệp định thương mại tự do và nhiều vấn đề khác, đều sẽ thấy là mục đích tìm kiếm tăng trưởng phát triển kinh tế được đề cao còn những chính sách về nền công lý kém được ưu tiên.
Cho tới hôm nay, sau 15 năm hành nghề luật sư tôi chỉ biết hai văn bản lớn về nền tư pháp đó là Nghị quyết số 08 năm 2002 và Nghị quyết số 49 năm 2005 đều của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, tầm nhìn đến năm 2020.
Trong khi cùng quãng thời gian đó, có thể hình dung là đã có rất nhiều chính sách dành cho mục tiêu phát triển kinh tế được ban hành.
Thực tế đó dẫn đến là tới nay khi nền kinh tế đã đạt được những thành tựu nhất định, đời sống người dân được cải thiện, thì hiện tại còn đang tồn tại một bất cập là nhu cầu thiếu thốn về cảm thức công lý của dân chúng.
Nhiều hệ lụy
Khi thiếu vắng cảm thức công lý, chưa thấy được pháp luật nghiêm minh, chưa thấy được sự bảo hộ an toàn, con người ta sẽ có xu hướng tìm kiếm sự bảo hộ bằng quyền lực và tiền bạc, nạn chạy chức chạy quyền tham ô hối lộ gia tăng.
Từ đó khiến cho nền đạo đức công vụ và đạo đức xã hội bị xuống cấp, ảnh hưởng tới việc duy trì trật tự xã hội và quản trị quốc gia.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng khi nền tư pháp không giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, khi các quan hệ tranh chấp bị đeo bám dai dẳng chậm được giải quyết kết thúc.
Nhiều khối tài sản tranh chấp chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu để có thể đem vào lưu thông tạo ra hiệu quả kinh tế.
Con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, cuộc đời đáng sống hơn, nếu họ được cảm thụ giá trị công lý qua những vụ án vụ việc xảy ra trong đời sống xã hội, đặc biệt là những vụ án được dư luận xã hội quan tâm.
Còn khi qua những vụ việc như vậy mà họ không cảm nhận được công lý sẽ khiến họ lo lắng tiêu cực.
Tăng trưởng kinh tế bấy lâu đã tạo ra một số lượng người giàu sở hữu nhiều tài sản, một tầng lớp trung lưu ngày càng tăng về số lượng; điều họ cần là một nền pháp quyền có thể bảo hộ tài sản và các quyền công dân một cách hữu hiệu vững chắc.
Nếu thiếu điều đó tiền bạc sẽ chảy ra nước ngoài làm vơi bớt đi nguồn vốn có thể dành cho đầu tư trong nước.
Thực tế hiện nay nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, giới doanh nhân, hoặc các cán bộ nhà nước cấp cao, đều mong muốn có được một nền pháp quyền chuẩn mực, một nền công lý khoa học, giúp bảo hộ công dân.
Bởi thiếu điều đó thì không ai có thể được an toàn, mọi người đều có thể bị rủi ro bởi những nhầm lẫn sai lệch trong cơ chế đoán định tư pháp.
Trong hoàn cảnh như vậy, chỉ có cỗ máy là ở yên đó vô lo nghĩ, còn từng con người trong cỗ máy đó và người dân ngoài xã hội đều gánh chịu nguy cơ rủi ro.
Xung động tư pháp
Thực tế lâu nay trong đời sống chính trị xã hội quốc gia, để ý sẽ thấy cứ cách một quãng thời gian lại có một vụ việc tư pháp nào đấy nổi bật lên thu hút được sự quan tâm chú ý rất lớn của dư luận xã hội.
Ví dụ qua thời gian như các vụ Hồ Duy Hải, vụ Đồng Tâm, vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên, vụ bị cáo ở Bình Phước nhảy lầu tự vẫn sau khi bị kết án, vụ bí thư xã bị cáo buộc giết người đốt xác trên xe ô tô ở Đăk Nông, và nhiều vụ việc khác.
Do điều kiện kinh tế đời sống xã hội, phần lớn quần chúng còn thuộc giới bình dân, cho nên những vụ trọng án như cướp giết hiếp lại hay nhận được sự quan tâm.
Ở các nước phát triển họ cũng hay có các dòng báo lá cải chuyên đưa tin các vụ án để bán báo cho tầng lớp người lao động, bên cạnh dòng báo chính luận phân tích chính sách kén người xem.
Nếu diễn đàn Quốc hội có nhiều đại biểu hiểu được một cách rõ ràng công tác xử lý giải quyết các vụ án, khi đó sẽ là điều kiện thuận lợi để Quốc hội bám sát vào đời sống của quảng đại quần chúng.
Đại biểu có thể đưa ra được nhiều những luận bàn có tính hướng dẫn khuyến dụ tới dân chúng, giúp ổn cố trật tự lương tâm xã hội, cũng như chỉ ra cho thấy công lý đúng đắn nên được thực thi như thế nào trong các vụ án, sẽ giúp ích cho sự gia tăng nhận thức pháp lý của dân chúng.
Đại biểu có nhiều kiến thức tư duy tư pháp sẽ giúp Quốc hội luận bàn các sự vụ đi vào chiều sâu các vụ việc.
Khi đó đánh giá một sự việc sẽ không dừng lại ở việc bề mặt như có tội phạm hay không mà có thể đi sâu vào những vấn đề đằng sau hay xung quanh vụ án, tìm cơ chế tháo gỡ để cải thiện đi môi trường đã làm sinh ra các tội phạm.
Hay các đại biểu cũng có thể bàn luận có chiều sâu xem hành vi đã đến mức phải chịu án tử hình chưa, liệu có đến mức bị cáo không còn có thể cải hóa giáo dục được cần phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, án tử hình có mâu thuẫn với tinh thần nhân đạo tôn trọng bảo vệ quyền con người?
Quốc hội có thể không dành một cuộc họp toàn thể để bàn riêng về một vụ án mà dành quyền cho cơ quan tư pháp xử lý vụ việc, nhưng việc tôn trọng thẩm quyền theo chức năng không bác đi quyền của các đại biểu bàn luận trao đổi với nhau về vụ việc đang được dư luận xã hội quan tâm.
Các đại biểu có thể nói chuyện ngoài hành lang, ở cuộc họp tại tổ, hay trả lời báo chí. Hoặc đại biểu có kiến thức có thể tư vấn cho lãnh đạo ngành phát biểu về vụ việc.
Một khi mặt bằng trình độ hiểu biết của tập thể đại biểu về nền công lý được nâng cao, điều dó cũng sẽ đòi hỏi công tác chuyên môn của các cơ quan xử lý vụ việc cũng cần được nâng tầm tương xứng.
Và nên lưu ý là số lượng những vụ việc tư pháp được quần chúng quan tâm là tương đối thường xuyên, khi đó cử tri cũng muốn biết ý kiến của đại biểu hoặc cần được sự hướng dẫn nhận thức đánh giá về vụ việc, tạo sự gần gũi giữa đời sống nghị trường và đời sống xã hội.
Mặc dù đời sống chính trị quốc gia còn rất nhiều phạm trù khác như ngoại giao, quốc phòng, kinh tế mà trong đó việc chăm lo quan tâm tới nền công lý quốc gia chỉ là một phần công việc và lâu nay cũng đã có sự quan tâm.
Nhưng vấn đề ở chỗ những xung động tư pháp đang ngày một lớn dần, đang lẩn khuất tiềm tàng dưới lớp bề mặt đời sống xã hội, đòi hỏi một sự coi trọng công tác tương xứng.
Quản trị quốc gia
Mấy năm trước một báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết có 6 vụ kiện do nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện chính phủ đang được xử lý, có vụ thành công, có vụ đang giải quyết.
Tới nay Việt Nam lại đã ký thêm các hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP, khi đó sẽ gia tăng khả năng chính phủ hay chính quyền các địa phương có thể bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện.
Khi đó nếu Quốc hội có nhiều đại biểu là nhân sự của nền công lý thì sẽ giúp ích cho việc luận bàn trao đổi để hiểu được các vụ án, cũng như luận bàn làm sao để giảm tránh những sự vụ tương tự.
Do cơ chế chính trị đặc thù ở Việt Nam nên thực tế chưa dành sự coi trọng đúng mức cần có cho nhân sự nền công lý, còn khi đã hội nhập sâu với thế giới, đi ra nước ngoài làm ăn hợp tác nhiều sẽ thấy cần khác đi.
Những cơ chế như trao đổi đàm phán thỏa thuận, hòa giải trọng tài hay khởi kiện là rất phổ biến và quan trọng trong xử lý thực hiện các công việc, những điều đó đều đòi hỏi kiến thức kỹ năng hiểu biết của những người như luật sư.
Một vấn đề lớn như công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẽ không loại trừ khả năng phải khởi kiện, và để thực hiện công việc lớn này của quốc gia, hoặc chỉ là để dự trù thực hiện và bàn xem có nên kiện hay không, thì nhân sự Quốc hội cần có những người am hiểu về cơ chế thực thi công lý cũng là điều quan trọng.
Mới đây, tại báo cáo tổng kết công tác gửi Quốc hội của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã có những đánh giá về công tác tư pháp, theo đó đã ghi nhận việc cải cách tư pháp còn chậm.
Tới đây sẽ tiến hành tổng kết việc thi hành Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp tầm nhìn đến năm 2020, sau đó sẽ ban hành chính sách mới về xây dựng nền pháp quyền và nền tư pháp đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Hy vọng từ đó nền công lý sẽ có được động lực mới thúc đẩy cho những cải cách mới, nền pháp quyền sẽ được xây dựng củng cố tốt hơn, làm bệ đỡ bảo hộ cho công dân.
Nhưng để làm được điều đó, tôi cho rằng trước mắt trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 tới đây, nên dành ưu tiên cho nhân sự nền công lý.
Con số cơ cấu từ 25 đến 50 ghế dành cho người tự ứng cử nên dành ưu tiên cho các luật sư, những người bấy lâu đã cho thấy tiếng nói thiết tha tâm huyết thúc đẩy cho một nền công lý pháp quyền chuẩn mực.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Bầu cử Quốc hội nên dành ưu tiên cho nền công lý?’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;