Anh Quốc và bài học cai trị của Singapore

Nước Cộng hòa Singapore hiện đại giành được độc lập từ thân phận là một vùng thuộc địa của thực dân Anh.

Người có công lớn trong việc đó là ông Lý Quang Diệu và mặc dù đối chọi với người Anh nhưng con người ông Diệu mang đậm nền giá trị văn hóa giáo dục Anh Quốc.

Sản phẩm của người Anh

Ngay từ khi còn bé văn hoá Anh đã ảnh hưởng đậm nét ở ông Lý Quang Diệu, một phần là do ông nội của ông đã cho các con trai của mình hấp thụ nền giáo dục của Anh.

Cũng chính ông nội đã cho cậu bé Lý tên Harry để thêm vào tên Quang Diệu mà người cha đặt cho con mình.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai từ năm 1946 ông Lý Quang Diệu đến Anh theo học luật tại Đại học Cambridge và Trường Kinh tế Luân Đôn. Năm 1949 ông trở về Singapore và hành nghề luật sư.

Chính những kiến thức giá trị của người Anh mà ông Lý hấp thụ đã giúp định hình nên niềm tin giá trị cho ông quản trị lãnh đạo đất nước.

Mặt khác vì là sản phẩm của văn hóa giáo dục Anh Quốc, một dạng con đẻ trong nhận thức và tinh thần, cho nên ông đã gặp ít hơn những lực cản từ chính quyền Anh ở quãng thời gian đòi giành độc lập.

Chúng ta hiểu rằng thời gian đó ông Lý Quang Diệu chưa phải là người có danh tiếng và uy tín như sau này và thực dân Anh không phải là dễ dàng khoanh tay đứng nhìn.

Ngược lại chính quyền Anh là lực lượng mạnh có thể cản trở hoặc dập tắt yêu cầu đòi độc lập của ông Lý Quang Diệu và các chính trị gia thuộc Liên bang Malaysia khi đó.

Song đứng trước xu thế của thời đại, nhận ra chủ nghĩa thực dân mất chỗ đứng, người Anh có nhãn quan nhìn xa nên đã tính cách trao trả độc lập hòng đảm bảo quyền lợi cho chính họ sau chuyển đổi.

Và một Lý Quang Diệu có nhiều điểm chung về nhận thức giá trị cho nên là một lựa chọn dễ chịu.

Trong việc trao nhận và nắm quyền cũng là mối quan hệ mất được khi đó, sự thù địch được giảm đi tối thiểu.

Đó là với Lý Quang Diệu và Singapore đất nước vài triệu dân.

Và đó cũng là điều đã xảy ra với Ấn Độ đất nước có vài trăm triệu người ở thời điểm giành độc lập từ thực dân Anh và hiện đã hơn một tỷ dân.

Người đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ giành được độc lập là ông Mahatma Gandhi (1869 -1948).

Ông sinh ra trong một gia đình khá giả có bố làm việc trong chính quyền thuộc địa Anh, ở tuổi 19 Gandhi du học luật tại trường Đại học London, sau sang Nam Phi hành nghề luật sư và rồi trở về Ấn Độ.

Cũng là người tiếp thu văn hóa giáo dục Anh đó hẳn là một lợi thế to lớn giúp ông Gandhi đương đầu chống chịu được với chính quyền thực dân khi đòi giành độc lập.

Lợi thế ở đây không phải là giúp hiểu được điểm yếu của đối phương để đánh gục, mà thực chất là thấu hiểu vấn đề và suy nghĩ của nhau.

Trước sự thay đổi của thời cuộc người ta nhận ra giải pháp duy lý đúng đắn chỉ có một, cho nên không còn cách nào khác là buông bỏ và trao nhận để có được kết cục tốt nhất cho tất cả.

Đó cũng là cách của những cuộc chuyển giao êm thấm trong trật tự, không xáo trộn đổ máu.

Trí tuệ của người Anh

Một điểm chung giữa Singapore và Ấn Độ đó đều là thuộc địa của Anh.

Và trong sự thành công sau này của hai nước, không phải chỉ nhờ mỗi cá nhân hai ông Lý Quang Diệu và Gandhi mà còn do dân chúng hai nước sau hàng trăm năm sống dưới sự cai trị của người Anh đã phần nào tiếp thu được những nguyên lý tổ chức và hoạt động của chính quyền dân sự.

Ở đây cần nói đến một vấn đề rộng lớn hơn đó là ở châu Âu sau hàng nghìn năm sống dưới triều đại vua chúa nghiệt ngã, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội đã có những bước phát triển lớn.

Theo thời gian những bộ óc lớn của châu Âu đã suy tư tìm hiểu về vai trò và mục đích chân chính của một chính quyền cũng như mối tương quan giữa chính quyền và người dân.

Đặc biệt ở Anh từ năm 1689 có một người là ông John Locke đã viết hai cuốn sách khảo luận về chính quyền, trong đó cuốn thứ hai khảo luận về chính quyền dân sự mới được dịch xuất bản ở Việt Nam.

Theo đó ông John Locke chỉ ra rằng một chính quyền chân chính là phải chính quyền dân sự có nghĩa vụ chăm lo cho dân và nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ.

Quan điểm này khi đó hoàn toàn khác với nhận thức chung thời bấy giờ cho rằng chính quyền thuộc về ông vua, dân là công cụ để ông ta sai khiến và chống lại vua là điều sai trái.

Đến năm 1861 một người Anh khác là ông John Stuart Mills đã nghiên cứu viết ra cuốn khảo luận về Chính thể đại diện hiện nay cũng mới được xuất bản ở Việt Nam.

Theo ông John Stuart Mills thì chính quyền đúng là thuộc về nhân dân, nhưng cách tổ chức chính quyền ra sao cho khả thi cái việc dân được quyền làm chủ thì phải thông qua hệ thống đại diện, tức là cái tổ chức bây giờ được gọi là Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Những điều trên đây nhằm ý nói rằng ở Châu Âu từ lâu người ta đã suy tư về các quyền của người dân trong tương quan với chính quyền nên đã hình thành lên học thuyết giúp hiểu về mô thức thành lập các chính quyền chính đáng để quyền con người, quyền công dân được bảo vệ.

Chủ nghĩa thực dân

Trong khoảng 400, 500 năm các nước Châu Âu đi xâm chiếm các vùng thuộc địa trên khắp thế giới, trong đó thực dân Anh đã chiếm được một hệ thống thuộc địa rộng khắp. Chẳng thế mà có câu nói ‘Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh’.

Nhưng không phải toàn bộ quá trình xâm chiếm chỉ là hành động bạo ngược vô nghĩa mà các nước thực dân cũng đã kịp hình thành lên những luận thuyết chứng minh cho tính chính đáng cho hành động xâm lược và cai trị của mình.

Đi xâm chiếm và cai trị nước khác liệu thì có chỗ nào là chính đáng?

Có thể hình dung là khi người Anh đem quân xâm lược Ấn Độ khoảng những năm 1850 họ đã chứng kiến đời sống nghèo khó cơ cực của người dân Ấn và sự tàn bạo của vương triều Ấn Độ.

Điều đó hoàn toàn khác biệt với nước Anh nơi mà vương triều bị hạn chế vương quyền và dân Anh có một mức độ quyền tự do lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Cho nên lúc đó hẳn là có một sự thôi thúc về luân lý đạo đức trước tình cảnh của dân Ấn và người Anh biết nguồn cơn từ đâu.

Mối quan hệ bất cân xứng giữa chính quyền và người dân cái mà bên Anh họ đã hiểu ra và thay đổi từ lâu là nguyên nhân khiến người dân cơ cực.

Nó giống như chính quyền Taliban hay IS hiện nay và cách mà họ cai trị xã hội.

Ở bối cảnh như vậy việc xâm chiếm và đô hộ lại có được lý do chính đáng.

Khi người Anh thay thế vương triều Ấn Độ cai trị dân Ấn thì người Anh đã sao chép các thiết chế cai quản bên chính quốc ở một mức độ nguyên bản nào đấy cho phù hợp với tình trạng của dân bản địa.

Điều này vừa giúp người Anh cai trị, vừa giúp dân Ấn được khai sáng. Việc làm của người Anh chính là nhen nhóm và lên men cho những suy tư mới trong dân chúng về tính cách chính đáng của chính quyền trong tương quan với dân chúng.

Và khi họ ra đi thì giá trị của những thiết chế vẫn còn, nó đã thấm vào suy nghĩ của người dân và từ đó họ biết đòi hỏi về cách hành xử dân chủ của chính quyền mới.

Ở đây cũng phải hiểu một điều là việc người Anh cai trị các thuộc địa như thế nào đều được luận bàn mổ xẻ trách nhiệm ở Nghị Viện bên Anh Quốc.

Và ngay cả vấn đề giao trả độc lập cho các thuộc địa cũng là cái đã được bàn đến cả trăm năm trước khi điều đó xảy ra, trong sự luận bàn tính toán đó có cả tính thiện lương và khoa học.

Ông John Stuart Mills trong cuốn Chính thể đại diện viết năm 1861 đã phân tích nêu ra những nước mà Anh Quốc cần trả độc lập tự do vì tình trạng dân chúng nơi đó đã chín muồi cho việc thiết lập chính thể đại diện, đó là thuộc địa tại châu Mỹ và châu Úc.

Ông cũng phê phán những suy nghĩ cai trị thiếu trách nhiệm hay thói quen thích áp chế người khác. Ông viết:

“Nước Anh giống như một người anh lớn tuổi hơn mà kém giáo dục, cứ ngoan cố áp chế những người em ít tuổi hơn chỉ đơn thuần theo thói quen, cho đến lúc một trong những người em ấy, bằng một cuộc kháng cự đầy anh dũng, dù với sức mạnh kém hơn, đã khiến cho người anh nhận ra phải chừa đi.”

Về việc trả tự do cho thuộc địa ông viết:

“Nước Anh không có các thuộc địa vẫn hoàn toàn có thể tự vận hành được. Và tuy dựa trên mọi nguyên tắc của đạo lý và công bằng thì nước Anh nên tán thành tách ra khỏi các thuộc địa, thời điểm đó có lúc rồi sẽ phải đến.”

“Sau khi đã thử đầy đủ hình thức liên minh tốt đẹp nhất và các nước thuộc địa đã cân nhắc kỹ lưỡng việc mong muốn được chia cắt – thì vẫn có những lý do mạnh mẽ để duy trì mối liên kết mong manh trong chừng mực nó còn chưa gây khó chịu cho cảm nhận của bất cứ bên nào.”

“Đó là bước đi hướng đến hòa bình thế giới và hợp tác hữu nghị chung giữa các quốc gia.”

Bài học từ người Anh

Nhiều người đã chỉ ra rồi rằng người Pháp ngoan cố giữ quyền cai trị thuộc địa nên đã gây chiến tranh ở Việt Nam, điều này cho thấy người Pháp thiếu tầm nhìn so với người Anh.

Cho nên số phận Việt Nam đã rất khác so với Singapore và Ấn Độ.

Nhưng chuyện cũ không thay đổi gì được, song liệu chuyện cũ có giúp ích gì được bài học cho hiện tại không?

Hiện có ý kiến nói đa đảng là xu thế tất yếu và điều này sớm muộn cũng xảy ra.

Không biết chính quyền có thừa nhận điều đó không, hay là bác bỏ?

Người Pháp đã để lại bài học về sự ngoan cố không chịu thừa nhận cái tất yếu.

Trong khi người Anh cho bài học về tầm nhìn xa, thay vì chống lại cái không cưỡng được thì có lộ trình phương án B cho việc chuyển giao hòng đảm bảo quyền lợi về sau.

Tùy vào cách hành xử của chính quyền sẽ cho thấy bài học nào từ quá khứ được lặp lại.

Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Anh Quốc và bài học cai trị của Singapore’