Án oan Hàn Đức Long công văn kêu cứu thứ 2

 

ĐOÀN LUẬT SƯ TỈNH NAM ĐỊNH

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

Số: 02/2013/CV-VPLS

V/v Bị cáo Hàn Đức Long có chứng cứ ngoại phạm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–o0o———

 

Nam Định, ngày 23  tháng  01  năm 2013

CÔNG VĂN THỨ 2

(Kêu cứu khẩn cấp vì bị cáo đang sắp bị thi hành án tử hình)

Kính gửi:

– CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG

– CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

– VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự kính gửi tới Quý ông lời chào trân trọng, kính mong được cứu giúp một việc như sau:

Ngày 16/1/2013 chúng tôi đã kính gửi tới Quý ông công văn số 02/2013/CV-VPLS kêu cứu khẩn cấp về vụ án Hàn Đức Long, nay chúng tôi có công văn thứ 2 bổ sung thông tin về vụ án, kính mong được quan tâm cứu giúp.

I/ CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM CỦA BỊ CÁO HÀN ĐỨC LONG

Diễn biến hôm xảy ra vụ án như sau:

Nhà anh Sơn, chị Liễu nằm ở rìa xóm giáp cánh đồng cũng là nơi ngã ba có lối đi nhiều ngả, gia đình có một quán tạp hóa nhỏ bán đồ lặt vặt. Chiều ngày 26/6/2005 vợ chồng anh chị nhổ lạc ngoài ruộng cách nhà khoảng 200m, cháu Yến con của anh chị được 5 tuổi chơi ở quán.

Khoảng 6 giờ chiều chị Liễu nghe tiếng chó sủa, sau đó thấy tiếng con gái gọi mẹ ơi về bán hàng, chị Liễu đi về bán cho ông Nguyễn Văn Giang sinh năm 1953 ở cùng thôn một chai coca. Khi ông Giang uống thì có anh Lục cùng thôn đến hỏi chị Liễu bán cho viên đá lạnh nhưng không có. Anh Lục mượn xe máy của ông Giang đi mua đá lạnh nơi khác, sau đó quay lại trả xe ông Giang rồi đi về nhà. Chị Liễu sau đó đem quang gánh và dây thừng ra ruộng. Khi ra ruộng được một lúc chị Liễu lại nghe tiếng chó sủa tại quán nhưng không về.

Khoảng 7 giờ 30 tối vợ chồng anh chị về nhà thì không thấy con đâu mới đi tìm, sáng hôm sau người đi làm đồng sớm phát hiện ra xác cháu tại mương nước ngoài cánh đồng.

Cũng chiều tối hôm đó, hoạt động của Hàn Đức Long như sau: Khoảng 4 giờ chiều ngày 26/6/2005 Hàn Đức Long (sinh năm 1959 trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) chở ngô thóc bằng xe cải tiến tới quán xay xát nhà anh Diêm Quảng Nam người cùng thôn. Do mất điện nên Long để thóc ngô tại đó đi về làm việc nhà. Khoảng 6 giờ 30 khi đó đã có điện, Long đi ra quán xát thì có bố con ông Đỗ Danh Soạn, Đỗ Danh Xuân đang chờ xát. Khi thấy chưa đến lượt mình Long đi bộ về nhà bảo con trai làm cơm tối, bắt vịt thịt. Lúc quay trở ra Long gặp ông Soạn, ông Soạn nói chú ra nhanh lên còn ít người lắm. Khi đến nơi Long vẫn phải chờ hai người nữa là chị Nguyễn Thị Yên, chị Đặng Thị Sổ xay xong. Trong lúc chờ đợi đến lượt mình Long ngồi uống nước chè, hút thuốc lào tại cửa ngách thông giữa gian xay xát và gian bán hàng tạp hóa nhỏ của gia đình anh Diêm Quảng Nam. Sau khi Long xát xong đi về, anh Nam tiếp tục xay xát cho vài người nữa. Thời điểm Long về đến nhà là 19 giờ 47 phút (các số liệu giờ giấc trên đây do cơ quan điều tra thu thập thể hiện trong hồ sơ vụ án).

Quán xay xát nhà anh Diêm Quảng Nam cách nhà cháu Yến khoảng 70m, nhà cháu Yến chếch một đầu ao còn quán xát thóc nhà anh Nam ở một đầu ao. Đoạn đường 70m giữa hai nhà là đường đất hai bên đường cây cỏ bụi rậm không có nhà ở. Buổi chiều hôm đó mất điện, đến chập tối mới có điện nên mọi người phải chờ đợi nhau xay xát thóc ngô. Cơ quan điều tra lấy lời khai anh Nam xem chấp tối ngày hôm cháu Yến bị nạn có thấy việc gì bất thường không thì anh Nam chỉ khai hôm đó tập trung xay thóc nên không biết gì. Cơ quan điều tra hỏi anh Nam xem có những ai xay thóc, anh Nam kể tên 7 người trong đó có Hàn Đức Long.

Tối hôm cháu Yến bị sát hại, Long có mặt tại quán xay thóc nhà anh Nam đây là thông tin chính xác, nhiều người cùng xay thóc xác nhận điều này, chính bản thân Long cũng thừa nhận mình có xay thóc, đây chính là bằng chứng ngoại phạm của bị cáo.

Cũng ngay sau ngày xảy ra vụ án, cơ quan điều tra khoanh vùng nghi phạm và tiến hành lấy mẫu lông tóc của 5 người đàn ông ở địa phương nhưng không gồm những người xát thóc nhà anh Diêm Quảng Nam. Như vậy có thể thấy cơ quan điều tra ban đầu cũng không xác định những người xát thóc nhà anh Nam là nghi phạm.

Sau 4 tháng kể từ ngày xảy ra vụ án, xuất phát từ lá đơn tố cáo bị hiếp dâm của hai mẹ con cụ Khuyến (sinh năm 1930), chị Năm (sinh năm 1960) cơ quan điều tra bắt Long, trong quá trình khai báo Long đã tự thú là thủ phạm trong vụ giết hiếp cháu Yến. Từ đó cơ quan điều tra lập hồ sơ mô tả trong lúc chờ đợi hai người là chị Sổ, chị Yên xay thóc Long đã đi sang nhà cháu Yến, khi thấy cháu ở nhà một mình đã nảy sinh ý định phạm tội, bị cáo bắt cháu đưa ra cánh đồng hiếp và giết. Sau khi gây án, bị cáo quay trở lại quán xay thóc nhà anh Nam coi như không có chuyện gì xảy ra.

Xét một cách khách quan, việc Long xay thóc ở nhà anh Nam chính là bằng chứng ngoại phạm chứng tỏ Long không phạm tội. Nhưng sau đó tình tiết này bị chuyển hóa thành chứng cứ phạm tội cho rằng trong lúc chờ đợi xay thóc Long đã phạm tội.

Thời điểm chết của cháu Yến cũng chính là bằng chứng ngoại phạm của bị cáo

Theo kết quả khám nghiệm tử thi và tại bản kết luận giám định pháp y số 363/PY ngày 04/7/2005 của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang xác định trong dạ dày nạn nhân Nguyễn Thị Yến có chưa ít thức ăn đã nhuyễn và xác định nạn nhân chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 4 đến 6 giờ đồng hồ.

Cơ quan điều tra lấy lời khai bố mẹ cháu Yến xác định cháu ăn bữa cuối cùng vào khoảng 12 giờ trưa cùng ngày. Từ đó xác định thời điểm cháu Yến bị giết là khoảng từ 4 đến 6 giờ chiều. Nhưng theo lời khai chị Liễu thì khoảng 6 giờ chiều cháu Yến gọi chị về bán hàng cho ông Giang, như vậy thời điểm cháu chết xê dịch đúng hơn là vào khoảng 6 giờ tối.

Về phía Hàn Đức Long thì hồ sơ ghi nhận là 6 giờ 30 Long mới đi ra quán xay xát, và khi đến nhà là 19 giờ 47 phút.

Nếu thông tin xác định thời điểm cháu Yến chết là dựa trên cơ sở phân tích khoa học, có thể tin cậy thì không thể quy kết Long phạm tội trong thời gian chờ đợi đến lượt mình xay xát. Bởi lẽ cháu Yến chết lúc khoảng 6 giờ mà đến lúc 6 giờ 30 Long mới đến quán xay thóc. (Các số liệu giờ giấc trên là do cơ quan điều tra thu thập thể hiện trong hồ sơ vụ án). Như vậy kết quả giám định thời điểm cháu Yến chết chính là bằng chứng ngoại phạm cho bị cáo Hàn Đức Long.

Cũng cần lưu ý thêm là lúc 6 giờ 30 Long đi ra quán xát thì còn chờ ông Soạn, anh Xuân xát xong, Long đi về nhà nói con trai bắt vịt thịt rồi mới quay trở lại chờ cho chị Sổ, chị Yên xát xong. Cơ quan điều tra xác định Long phạm tội trong lúc chờ đợi chị Sổ, chị Yên xay thóc tức là khoảng thời gian còn kéo dài về phía 7 giờ, càng sai số so với thời điểm cháu Yến chết.

Sau này cơ quan điều tra làm một việc gượng ép thiếu thuyết phục nữa là tiến hành thực nghiệm lại xác định lượng thóc và thời gian xay xát của chị Sổ, chị Yên và thực nghiệm lại hành vi phạm tội để xác định thời gian tiêu tốn cần thiết Long bắt bế cháu bé đưa ra cánh đồng và quan trở lại quán xát. Từ đó cho ra kết quả xác định thời gian xay thóc đủ lâu để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và trở về.

Đây là việc làm rất thiếu độ chính xác bởi lẽ khó đảm bảo chị Yên, chị Sổ nhớ chính xác hôm đó (hơn 4 tháng trước) mình xát bao nhiêu kg thóc. Chủ quán xay thóc khai rằng điện lưới hôm đó yếu nên hai động cơ xay thóc và chà gạo phải chạy lần lượt từng động cơ một và thời điểm thực nghiệm lại động cơ máy đã được anh Nam thay mới. Với những dữ kiện như thế việc thực nghiệm lại không thể cho kết quả khoảng thời gian chính xác như hôm xảy ra vụ án.

Cơ quan điều tra cho bị cáo thực hiện lại hành vi bế ôm cháu bé đưa ra cánh đồng và quay trở về, tổng đoạn đường đi lại là 1,7km cháu bé nặng 10kg. Nhưng việc cho thực nghiệm lại cũng không thể đưa ra giờ giấc chính xác bởi tốc độ di chuyển lúc thực nghiệm không thể đúng khớp với tốc độ di chuyển lúc phạm tội. Ngoài ra thực tế sẽ có những khoảng thời gian dừng bước nghe ngóng, nghỉ ngơi, thời gian hiếp… không thể nào đúng với khi tiến hành thực nghiệm, do đó không thể cho ra kết quả chính xác được.

Tóm lại việc cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm là việc làm gượng ép không hề đảm bảo cơ sở chính xác. Và toàn bộ việc thực nghiệm hoàn toàn không có ý nghĩa gì bởi lẽ kết quả giám định xác định cháu Yến chết lúc khoảng 6 giờ, trong khi đó thời điểm Long ra quán xay thóc là 6 giờ 30, như vậy không thể thực nghiệm lại thời gian xay thóc và quy kết Long phạm tội trong lúc chờ đợi chị Sổ, chị Yên xay thóc được.

II/ KÍNH MONG ĐƯỢC CỨU GIÚP

– Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Chúng tôi hiểu rằng trọng tâm của cải cách tư pháp là hoạt động điều tra, xét xử. Vụ việc oan sai này chính là một điển hình cho thấy trong điều tra còn hiện tượng bức cung nhục hình, trong hoạt động xét xử còn mang nặng yếu tố họp duyệt án từ trước, kết quả tuyên án chưa dựa vào kết quả tranh luận tại phiên tòa.

Đức phật dạy rằng cứu một mạng người phúc đẳng hà sa, Kính mong Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho bị cáo Hàn Đức Long, thời gian gấp gáp, có người đang mong cho bị cáo chết sớm để vụ việc được khép lại. Kính mong chủ tịch nước cứu giúp.

– Kính mong Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao căn cứ Điều 273 Bộ luật tố tụng hình sự, ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với hai lý do: 1. Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2.Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;

Trên đây là mấy nội dung kiến nghị, xin được quan tâm cứu giúp!

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin xin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định. Luật sư Ngô Ngọc Trai, điện thoại 0906117641

Tại Hà Nội: Liên hệ LS Ngô Ngọc Trai, Số 62 Thái Thịnh II, Hà Nội

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ

NGÔ NGỌC TRAI VÀ CỘNG SỰ

Đã ký

 

 

Luật sư NGÔ NGỌC TRAI