Hôm 5/10 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng mua nhà, trong dự án bất động sản của doanh nghiệp mà bà Nga là chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tại phần xét hỏi bà Nga muốn khai ra số tiền mấy chục tỷ đồng chạy Đại biểu Quốc hội nhưng Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ngắt không cho bà Nga khai báo với lý do vấn đề này đã được tách ra làm một vụ án khác để điều tra.
Việc không cho khai báo đã gây phẫn nộ trong dư luận vì người dân rất muốn biết số tiền bà Nga chạy Đại biểu Quốc hội đã đưa cho ai, ai đã cầm số tiền này để giúp bà Nga trúng cử Đại biểu Quốc hội?
Cũng theo thông tin báo chí thì quá trình điều tra trước đó người được khai ra đã phủ nhận việc nhận tiền, và khi cho hai bên đối chất thì hai bên giữ nguyên quan điểm mâu thuẫn trái ngược nhau.
Vậy làm thế nào để xử lý hành vi tham nhũng trong trường hợp này?
Bài học từ Singapore
Trong cuốn hồi ký của ông Lý Quang Diệu có tiêu đề ‘Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất’, ông Diệu đã tường thuật lại công cuộc chống tham nhũng của đất nước Singapore do ông khởi xướng, điều đã giúp cho đất nước ông xếp vào hàng ngũ các quốc gia ít tham nhũng nhất khu vực Châu Á vào năm 1997, trên cả Hồng Kong và Nhật Bản, xếp thứ 7 trên toàn thế giới cho thành tích vắng mặt tham nhũng vào năm 1998.
Từ năm 1960 vấn đề tham nhũng tại Singapore được ông nêu ra không khác gì tình trạng tham nhũng trong mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam ngày nay. Tham nhũng trong bộ máy hành chính quan liêu từ nhỏ đến lớn trong các phạm vi như thủ tục hải quan, cảnh sát giao thông, chăm sóc bệnh viện, xây nhà trái phép .v.v..
Đối với những đối tượng nhỏ ông Lý Quang Diệu đã đơn giản hóa thủ tục hành chính, hủy bỏ việc cấp giấy phép hoặc phê chuẩn trong những việc ít quan trọng.
Để đấu tranh đối với đối tượng cao cấp ông Lý Quang Diệu đã thực hiện một chương trình sắt đá, đó là tiến hành sửa luật nâng cao khả năng diệt trừ tham nhũng. Trong đó ông cho biết ‘Luật hiện hành quy định chứng cứ do kẻ đồng phạm khai ra không có giá trị tin cậy trừ khi được chứng minh. Chúng tôi đã thay đổi, cho phép các quan tòa chấp nhận lời khai của kẻ đồng phạm là chứng cứ’.
Là một luật sư trước khi tham gia hoạt động chính trị, ông Lý Quang Diệu đã rất biết vận dụng các yếu tố pháp lý trong việc làm sạch bộ máy.
Trong đó thay đổi hiệu quả nhất mà ông thừa nhận đó là vào năm 1960 luật pháp cho phép quan tòa xem những chứng cứ cho thấy kẻ bị tố cáo đang sống ở mức sống vượt quá khả năng kinh tế của anh ta hoặc có những tài sản mà thu nhập của anh ta không thể giải thích được, đó là bằng chứng xác thực chứng minh rằng người bị tố cáo đã nhận hối lộ.
Ông cũng kể lại một loạt các nhân sự cao cấp trong đó có những người là đồng chí thân thiết công tác với ông nhiều năm bị cáo buộc tham nhũng, họ đã nhận những khoản tiền của doanh nghiệp để có những chính sách làm lợi cho doanh nghiệp. Những người này đều bị xử lý nghiêm khắc, người thì đi tù, người thì tìm đến cái chết để tránh nỗi đau đớn quá mất mặt do bị khai trừ xử lý.
Việt Nam thì sao?
Thật đáng ngạc nhiên là từ lâu nay pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định lời khai của bị can hay kẻ đồng phạm đều đã là chứng cứ.
Tức là cái quy định được sửa đổi có tính chất sắt đá mang hơi hướng quân phiệt độc tài của ông Lý Quang Diệu thì lại là cái đã có từ lâu ở Việt Nam.
Lời khai cũng là chứng cứ, luật Việt Nam đã quy định vậy, nhưng việc vận dụng thì lại có nhiều ‘uyển chuyển linh động’ theo kiểu đối với dân thường thì không cho nó thoát, nhưng đối với quan chức ví như trong vụ bà Châu Thị Thu Nga thì lại đòi hỏi phải thêm những bằng chứng rõ ràng hơn.
Đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng hơn là một điều đáng hoan nghênh, nhưng nếu không thể có thêm những bằng chứng rõ ràng hơn thì sao? Sẽ thế nào nếu Tòa án không tuyên là có tội trong khi dân chúng đều tin là có tội? Việc làm của tòa án có thể đi ngược lại với nhận thức duy lý của con người?
Đòi hỏi những bằng chứng rõ ràng để kết án, đó là một cách làm tốt, nhưng nếu chỉ phụ thuộc vào việc phải có bằng chứng rõ ràng mới có thể kết án thì đó lại là một cách làm sai, bộc lộ nhận thức giản đơn về những vấn đề vốn dĩ phức tạp của khoa học tư pháp vốn đòi hỏi phải vận dụng đến những đặc tính lý trí con người.
Việc xử án cứ phải có chứng cứ rõ ràng là cách làm không tôn trọng tính phức tạp của thực tiễn, theo lẽ rằng không phải vụ án nào cũng có chứng cứ rõ ràng, không phải khi nào chân lý cũng biểu lộ rõ rệt về sự đúng sai, mà nhiều khi thực tế chỉ cung cấp bày ra trước mắt những sự thiếu hụt không đầy đủ, đòi hỏi tư duy lý trí con người phải vận động bù đắp vào để thấy được chân lý.
Bổ trợ cho điều đó con người đã xây dựng quy trình thủ tục tư pháp gồm Hội đồng xét xử nhiều người và quy trình xét xử theo hai cấp, để nhằm đạt đến sự đúng đắn chính xác trong phán đoán ngõ hầu đạt đến chân lý khách quan. Còn nếu cứ phải có chứng cứ rõ ràng thì chỉ cần một người xét xử là được và cũng chẳng cần phải xét xử qua hai cấp.
Xử lý tham nhũng cần sắt đá
Ông Lý Quang Diệu đã xây dựng một xu hướng quan điểm xem tham nhũng trong các cơ quan chính quyền là sự đe dọa đối với xã hội. Ông đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức cao và xây dựng những nguyên tắc chính trị pháp lý khoa học chặt chẽ.
Ở VN lâu nay quyết tâm phần nhiều mới chỉ ở lời nói, còn thì các nguyên tắc hoạt động chính trị và pháp lý thì lại lỏng lẻo thiếu chiều sâu, thiếu chặt chẽ, thiếu khoa học.
Nhiều ban ngành cấp cao không muốn bị trói buộc vào những quy chế pháp lý có tính chế tài, muốn làm sai mà không bị xử lý, đây cũng là thuộc tính của độc tài. Trong khi ông Lý Quang Diệu xây dựng một khung khổ thể chế để ràng buộc quan chức nhà nước thì ở VN pháp luật chỉ để xử lý người dân.
Trong vụ việc chạy Đại biểu quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga đây là vấn đề tham nhũng mà thế giới họ đã gặp phải từ lâu và họ đã xử lý được rồi, vấn đề của VN là có đủ sự quyết tâm sắt đá hay không mà thôi.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘ Xử án tham nhũng sắt đá như Singapore?’