Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang thụ lý năm thứ 10 của bản án 16 năm tù giam về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trong khi hành vi của ông Thức chỉ đơn thuần là nêu chính kiến của mình về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.
Từ lâu nay gia đình ông Thức đã gửi đơn đi nhiều cơ quan nhà nước và vận động ngoại giao quốc tế để ông Thức được trả tự do, nhưng tới nay vẫn chưa đạt được kết quả.
Trong một diễn biến khác, mới đây Bộ Chính trị ĐCS Việt Nam ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Nghị quyết do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành mặc dù có nội dung về phát huy các nguồn lực cho nền kinh tế nhưng lại có hai lần sử dụng đến từ “dân chủ”.
Vậy dân chủ có liên quan gì đến phát huy nguồn lực cho nền kinh tế? Và phải chăng đã đến lúc Bộ Chính trị nhận ra dân chủ là yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế?
Dân chủ hóa đời sống kinh tế – xã hội
Xem Nghị quyết số 39 thì thấy, trong đoạn nói về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu có nêu:
“Nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng và dân chủ hóa đời sống kinh tế – xã hội. Kiểm soát tốt quyền lực, đề cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ.”
Như vậy là Bộ Chính trị đã coi vấn đề “dân chủ hóa đời sống kinh tế – xã hội” là một trong những yếu tố thuộc về giải pháp phát huy các nguồn lực cho nền kinh tế.
Theo nghĩa rộng thì điều này hoàn toàn đúng đắn, từ lâu nay nhận thức phổ quát của thế giới tiến bộ đã coi dân chủ nhân quyền là yếu tố khai phóng tiềm năng sáng tạo trong dân chúng, đó là nền tảng để tạo ra những sáng chế phát minh hay những đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.
Dân chủ, nhân quyền ngoài ý nghĩa là những ‘giá trị’ thuộc về con người, nó còn có ý nghĩa như một mô hình hệ thống thể chế, giúp bảo vệ quyền công dân, bảo vệ sở hữu, cái sẽ thúc đẩy gia tăng lượng của cải vật chất được làm ra trong xã hội.
Tuy vậy, ở Việt Nam lâu nay dân chủ lại là vấn đề nhạy cảm, bị trấn áp.
Và nhiều người mang tư duy cũ kỹ độc đoán cho rằng vẫn có thể phát triển kinh tế mà không cần quan tâm đến dân chủ.
Điều này có thể đúng trong một giới hạn phạm vi nào đó khi mà nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa còn nhiều tiềm năng phát triển.
Nhưng khi đất nước đã hội nhập sâu, dư địa cho phát triển đã hết thì lúc này không còn cách nào khác là chính quyền phải tôn trọng các giá trị nhân quyền phổ quát, đưa đất nước trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng các quốc gia, để tìm kiếm các nguồn lực đầu tư vào Việt Nam.
Nguồn lực từ EU
Dân chủ hóa đúng là sẽ giúp gia tăng nguồn lực cho nền kinh tế, soi chiếu điều này vào việc ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì sẽ thấy rất đúng đắn.
Từ nhiều năm nay Việt Nam muốn khơi thông nguồn lực đầu tư và thị trường xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu cho nên đã đàm phán để ký kết EVFTA.
Sau nhiều năm thương thảo, EVFTA đã được Ủy ban Châu Âu và phía Việt Nam thông qua trong năm 2018, nhưng hiện tại Hội đồng Châu Âu còn đang xem xét và chưa thể trình Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn.
Sự chậm trễ này được cho là do lịch trình nghị sự bận rộn của Hội đồng Châu Âu, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một phần do vấn đề nhân quyền yếu kém của Việt Nam chậm được cải thiện theo như những đòi hỏi từ phía EU.
Theo quan điểm từ phía những nhà đàm phán thương mại Châu Âu thì vấn đề nhân quyền luôn là một nội dung quan trọng trong các thỏa thuận thương mại, bởi họ cho rằng thương mại tự do chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở con người tự do, không thể nào có thương mại tự do khi các quyền con người còn đang bị ngăn chặn cấm đoán.
Trước khi ký kết EVFTA các đoàn đàm phán Châu Âu cũng đã gặp gỡ và lắng nghe giới hoạt động nhân quyền Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự độc lập, để tiếp nhận thêm những kênh ý kiến nhằm nắm bắt được các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Nếu nay chính quyền Việt Nam có những động thái cụ thể, tiến bộ thực chất, chấp nhận phần nào những đề nghị từ phía EU về nhân quyền, thì điều đó sẽ gỡ bỏ mọi vướng mắc còn sót lại, không còn rào cản gì nữa sẽ giúp cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại tự do.
Chính quyền cần trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nổi bật được quốc tế quan tâm như ông Trần Huỳnh Duy Thức. Khi đó Việt Nam sẽ hưởng lợi từ đầu tư và xuất khẩu hàng hóa vào EU, mục tiêu của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát huy các nguồn lực cho nền kinh tế sẽ đạt được, phản ánh tầm nhìn đúng đắn từ chính sách đến cuộc sống.
Nhân sự phải dân chủ hóa
Chính sách phương hướng đúng đắn đã có và thật ra là rất rõ ràng dễ hiểu, nhưng những điều đúng đắn vẫn không được thực hiện để đem lại thịnh vượng cho đất nước. Nguyên nhân nằm ở nhận thức của một bộ phận nhân viên nhà nước.
Lâu nay chính sách về an ninh quốc gia luôn coi những người đòi hỏi dân chủ là đối tượng thù địch, và từ quan điểm nhận thức như vậy người ta đã không ngừng bắt bớ bỏ tù những ai lên tiếng bày tỏ chính kiến của mình mà trái với đường lối chung.
Một bộ phận nhân viên nhà nước do trình độ nhận thức thấp và kém lòng khoan dung cho nên luôn giữ cái nhìn lệch lạc, thiên kiến đối với dân chủ, trong khi chính họ lại lạm quyền coi thường pháp luật.
Bằng chứng là nhiều vị cán bộ cấp cao trong ngành công an đang đối diện với xét xử tù tội về các sai phạm, trong khi họ là thành phần chính trong việc xây dựng lên các chính sách về an ninh quốc gia.
Những nhận thức hẹp hòi về chính trị cường quyền đã tạo ra môi trường không gian sinh hoạt chính trị kém dân chủ, không tương thích với tinh thần khoan dung của thương mại tự do.
Có lẽ do đã nhận ra được vấn đề nội tại của bộ máy nhân sự của mình như vậy không có lợi cho phát triển kinh tế, cho nên trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có nội dung về giải pháp chủ yếu đối với nguồn nhân lực là giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế.
Vậy nay, nếu chính quyền trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức thì sẽ đạt được lợi đơn lợi kép, vừa giúp phát huy các nguồn lực cho phát triển kinh tế, vừa là một động thái giúp giáo dục đào tạo cho khối nhân viên nhà nước về các giá trị dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Vụ Trần Huỳnh Duy Thức và sự thiên kiến với tù nhân lương tâm’