Hôm 12/10, luật sư Ngô Ngọc Trai, giám đốc công ty luật Công Chính, cho BBC biết ông và một số đồng nghiệp đã cùng ký vào ‘đơn trình báo’ gửi Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Giám đốc Công an Hà Nội.
Trước mắt, đơn của các luật sư đề nghị tạm đình chỉ công tác với thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ, người đã ký quyết định tạm giữ và tạm giam Đỗ Đăng Dư “để phục vụ cho việc điều tra xác minh và xử lý sai phạm” và sau đó “tiến tới chấp nhận các đề xuất cải cách tư pháp”.
Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khởi tố và tạm giam khoảng hai tháng về hành vi được mô tả là bị “bắt quả tang” trộm cắp tài sản với số tiền chưa rõ là 1,5 triệu hay hơn 2 triệu đồng.
Trong lúc bị giam tại trại tạm giam số 3, Dư đã bị đánh dẫn đến tử vong hôm 10/10.
“Nền tư pháp hình sự của Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết mà vụ Đỗ Đăng Dư chỉ là hệ quả. Vụ án gây bức xúc phẫn nộ, một lần nữa khiến công luận mổ xẻ những vấn đề của nền tư pháp, từ đó thúc giục trách nhiệm sửa đổi cải cách từ phía chính quyền mà lâu nay vốn ì trệ không chịu chấp nhận”, luật sư Trai nói.
Ông cho biết thêm: “Nếu đúng Dư bị các đối tượng giam giữ cùng phòng đánh dẫn đến tử vong như báo trong nước tường thuật thì cũng không thể loại trừ trách nhiệm của công an và cơ quan điều tra. Do vậy, chúng tôi làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mang tính khách quan về vụ việc, không thể để phía công an, điều tra tự báo cáo, kiểm điểm như một cách trấn an dư luận.
Trong trường hợp kết luận có sai phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong vụ này thì đã có cơ chế xử lý, như quyết định khởi tố điều tra về hành vi ra quyết định trái pháp luật theo Điều 296 Bộ Luật Hình sự”.
Ông cũng xác nhận vụ việc có dấu hiệu mà ông gọi là “vi phạm luật quốc tế về nhân quyền”.
‘Không thể sớm thay đổi’
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Trai bày tỏ hy vọng “cơ quan chức năng sẽ nắm bắt và xử lý vụ việc kịp thời”.
Tuy vậy, luật sư cũng nói thêm: “Vụ việc không thể giúp thay đổi lề lối làm việc và nâng cao ý thức đạo đức công vụ của cả một hệ thống trong một sớm một chiều”.
Trước đó, trong bài phân tích vụ Đỗ Đăng Dư dưới góc độ pháp lý trên Facebook, ông bình luận rằng: “Việc bắt giam Dư thiếu cơ sở xác đáng và đặt tính mạng sức khỏe của thiếu niên này vào môi trường giam giữ không an toàn cho thấy nền tư pháp hình sự Việt Nam hiện tại vô cùng nặng nề, nghiệt ngã và bạo quyền.
Nếu không xử lý rốt ráo vụ việc này thì tội ác do cán bộ công quyền gây ra, dù vô tình hay cố ý cho con người sẽ vẫn còn tiếp diễn”.
Hôm 11/20, VnExpress tường thuật Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo các phòng điều tra để kết luận khách quan toàn bộ quá trình công tác quản lý tạm giam của cán bộ chiến sỹ có liên quan đến vụ việc. Đồng thời làm rõ, kết luận và xử lý nghiêm hành vi cố ý gây thương tích của bị can Vũ Văn Bình, người bị giam cùng buồng với Dư”.
Cách đây không lâu, báo Thanh Niên dẫn lời trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết: “Trong giai đoạn từ tháng 10/2011 – 9/2014, đã xảy ra 226 trường hợp phạm nhân chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát”.
Bài trên BBCVietnamese tại đây: Google search: ‘Vụ Đỗ Đăng Dư: Thư gửi Bộ trưởng công an’