Tòa án Việt Nam đang đưa ra xét xử mấy vụ đại án, nhiều ý kiến phê phán rằng các vụ án này đều đã được chỉ đạo rồi, cùng với đó là sự lên tiếng đòi hỏi cho sự độc lập của tư pháp.
Vậy việc chỉ đạo giải quyết các vụ án có hẳn chỉ là xấu? Và nên hiểu vấn đề này trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay như thế nào?
Đầu tiên xin thưa thế này.
Chúng ta biết rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định tình trạng tham nhũng nghiêm trọng tới mức ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, tức là mức độ tham nhũng đã nghiêm trọng quá rồi không còn gì quan trọng hơn chế độ để có thể đem ra ví được nữa.
Bộ máy tư pháp là một phần của bộ máy nhà nước đó, cho nên cần hiểu rằng trong bộ máy tư pháp cũng xảy ra tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, mà cùng với các lĩnh vực khác nó gây ra nguy cơ tồn vong chế độ.
Vậy thì với cỗ máy tư pháp chất chứa trong nó tình trạng tham nhũng như vậy thì tính chất công lý mà nó đảm bảo sẽ thế nào? Mọi người hãy hình dung xem?
Chắc chắn là cùng với tình trạng tham nhũng thì công lý cũng đội nón ra đi.
Bản thân tôi đã có hơn mười năm hành nghề luật sư, thời gian đủ dài để tôi thụ cảm được mức độ công lý mà tòa án đưa đến.
Là một luật sư chưa bao giờ chạy án, bản thân tôi dành nhiều thời gian để suy nghĩ cho việc làm sao có thể mình thắng kiện mà không chạy chọt.
Và cái mà tôi cần đó là sự giám sát, can thiệp từ bên ngoài vào quy trình giải quyết, để làm sao giảm tránh đi sự tiêu cực của tòa án khiến công lý bị bẻ cong. Khi đó cái mà tôi cần là một sự chỉ đạo án thay vì tư pháp độc lập.
Vụ án Hàn Đức Long mà tôi đã thành công trong việc minh oan là một ví dụ. Tử tù Hàn Đức Long với 11 năm đi tù oan và 4 bản án tử hình, tôi có 6 năm trời ròng rã theo đuổi minh oan mà không hề có kinh phí thù lao.
Nếu như để các cơ quan tư pháp tỉnh Bắc Giang tự nguyện độc lập xem xét tính chất pháp lý của vụ án và đưa ra phán quyết thì không bao giờ họ chấp nhận là oan.
Vụ án này chỉ có thể được minh oan vì tôi đã đấu tranh kêu cầu tới các ban ngành tư pháp Trung ương, kêu tới mọi cấp lãnh đạo của bộ máy nhà nước, kêu tới dư luận quần chúng bên ngoài. Tất cả là để mong có một sự chỉ đạo, một áp lực bên ngoài để có được một phán xét công tâm, công bằng, khách quan và khoa học.
Và rồi cuối cùng quyết định minh oan được đưa ra, chắc chắn là đã được ban ra từ những cuộc họp của các ban ngành tư pháp trung ương, các lãnh đạo cao cấp, để rồi Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang chỉ làm cái việc thừa hành là đình chỉ vụ án đối với tử tù.
Đó là một ví dụ, còn nhiều vụ việc khác mà khi tôi giải quyết đều kêu cầu đến sự can thiệp từ bên ngoài, ngõ hầu đảm bảo công lý cho thân chủ.
Hiện tôi đang kêu cho một doanh nhân trong một vụ kiện tranh chấp dân sự với một doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc, hồ sơ vụ án cho thấy các thẩm phán xử trước đây đã lợi dụng kinh nghiệm chuyên môn của họ, bóp méo bản chất pháp lý vụ việc.
Một vụ tranh chấp tài sản kéo dài hơn 10 năm giữa những doanh nghiệp và doanh nhân, nền tư pháp yếu kém đã làm mất đi những cơ hội đầu tư kinh doanh từ khối tài sản tranh chấp. Đây là một vụ án điển hình cho việc tư pháp yếu kém ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ, tôi đã đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban nội chính tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc xem xét hồ sơ, giám sát đưa ra ý kiến và cử cán bộ tham dự phiên tòa.
Một vụ án khác ở huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang, một Đảng viên cộng sản là một thanh niên đầy sức thanh xuân, bị tai nạn bởi một chiếc xe ô tô tải đâm nát một đùi phải cắt bỏ và chịu tổn thất đến 70% sức khỏe.
Tòa án Lục Ngạn khi giải quyết đã đổ hết tội trạng lên đầu bị cáo mà bỏ qua trách nhiệm của chủ sở hữu chiếc xe, người đã cẩu thả trong việc bảo quản trông giữ nguồn nguy hiểm cao độ, không khóa cửa xe, không rút chìa khóa xe, khiến cho chiếc xe bị chiếm dụng gây tai nạn.
Theo quy định pháp luật thì rõ ràng chủ sở hữu xe có lỗi và phải bồi thường, nhưng đương sự đã gửi đơn đi khắp nơi, kêu cầu một sự can thiệp chỉ đạo án để việc giải quyết có được công lý nhưng đã không được.
Đó là một sự thật chua chát về nền tư pháp hiện nay, ngõ hầu để có được công lý người ta không thể trông mong vào sự độc lập của tòa án mà cần đến sự can thiệp.
Thực tế có rất nhiều vụ việc đương sự cần đến sự chỉ đạo, như các vụ tử tù kêu oan mong chờ trung ương can thiệp, các vụ án đương sự nhờ báo chí phản ánh gây áp lực, các vụ khiếu kiện ở địa phương nhưng đương sự luôn gửi đơn vượt cấp lên cả Chính phủ và các ban ngành trung ương.
Cho nên, xin thưa với những ai chưa hiểu hết về nền tư pháp Việt Nam rằng, sự chỉ đạo án không phải hoàn toàn là xấu.
Nếu không có chỉ đạo, nhiều tội phạm với quyền và tiền của sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Khi đó một mặt thì bộ máy Nhà nước tiếp tục mục ruỗng, mặt khác là nhân dân cơ cực nhọc nhằn.
Tất nhiên ngược lại, có nhiều trường hợp chỉ đạo án là xấu và chúng ta có lý do chính đáng để đòi hỏi cho tư pháp độc lập, đó là sự chỉ đạo trong các vụ án đối với những tù nhân lương tâm, những người vì lương tâm lên tiếng mà bị bức hại, rất nhiều người trong số họ chỉ đơn thuần là lên tiếng cho các vấn đề xã hội, đòi hỏi các quyền chính đáng của mình.
Cho nên tóm lại, cần minh định một điều rằng, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, sự chỉ đạo án không hoàn toàn là xấu.
Vậy chúng ta nên mong muốn điều gì?
Chẳng phải lâu nay chuẩn mực tư pháp vẫn là độc lập cho tư pháp hay sao?
Đúng là như vậy, nhưng nên nhớ rằng tư pháp độc lập là một nguyên tắc đồng bộ trong bộ máy nhà nước được tổ chức theo mô hình tam quyền phân lập với đa nguyên đa đảng.
Đòi hỏi cho tư pháp độc lập mà vẫn dưới chế độ một đảng toàn trị thì cũng chẳng nghĩa lý gì.
Và đòi hỏi là một chuyện, còn ở VN hiện nay mô hình nhà nước kiểu khác, người dân thì vẫn phải sống đã, vẫn phải cần có công lý đã, chứ không thể chờ cho đến khi có cái kia. Và như vậy thì hãy cứ phải chung sống với những chỉ đạo án.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Việt Nam chỉ đạo án không hẳn là xấu’