Sự tụt giảm vai trò vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế chắc chắn sẽ tạo ra cơn rung chấn kéo dài ảnh hưởng tới Việt Nam.
Việt Nam vừa bị ảnh hưởng kinh tế do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung giống với nhiều nước, ngoài ra còn bị khủng hoảng đường lối phát triển do mô hình dập khuôn theo kiểu Trung Quốc lâu nay.
Hoàn cảnh đó đặt ra đòi hỏi cấp bách về nhân sự lãnh đạo tài năng để chèo lái con thuyền đất nước, nhưng thực tế lại đang tồn tại nhiều khoảng trống về sự lãnh đạo.
Nặng về quản lý
Một điều nhận thấy là lâu nay việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo đất nước đều tập trung vào những người bên trong bộ máy, gồm bộ máy Đảng và bộ máy Nhà nước. Rất ít người ngoài xã hội được tham gia vào guồng máy lãnh đạo quốc gia.
Nhiều người trải qua cương vị từ cấp dưới rồi được bầu chọn lên cấp cao. Cách đó chỉ giúp tìm ra được người có năng lực quản lý chứ không tìm ra được năng lực lãnh đạo.
Bởi vì những kỹ năng đã giúp một người đảm đương công việc ở cấp thấp có thể sẽ giúp cho người đó xử lý công việc ở cấp cao. Nhưng tầm nhìn hạn hẹp đã ăn sâu bén rễ của người ngồi ở cấp thấp sẽ trở thành rào cản khi ở vị trí lãnh đạo quốc gia.
Hệ quả của lối tuyển lựa nhân sự như vậy dẫn đến năng lực bộ máy Đảng và Nhà nước lâu nay chỉ nặng về quản lý.
Phần công việc lãnh đạo là vạch đường chỉ lối, ít thực chất, được đẩy cho thuộc về tập thể, bằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Với đường lối cứng đã được ấn định là xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội đã khiến cho trong suốt nhiều năm đây là phần việc không có nhiều việc để làm.
Kết quả của công việc lãnh đạo chỉ là một số văn bản Nghị quyết đưa ra phương hướng phát triển đất nước, mà trong đó nhiều ý chính đã được sử dụng lặp lại xuyên suốt mấy chục năm. Công việc lãnh đạo trở thành công việc của một số ít chuyên gia, tiến sĩ và nhà nghiên cứu hàn lâm mà không phải là nhà chính trị.
Thực tế như thế cho nên bộ máy mặc dù nhân sự ban bệ đầy đủ nhưng phạm trù lãnh đạo lại bị bỏ nhiều khoảng trống không được lấp đầy, trong khi đất nước hiện nay đang bước vào giai đoạn biến động rất cần đến năng lực lãnh đạo.
Đứng trước biến động có ảnh hưởng lớn nhưng công chúng không thấy được các chính sách phát triển mạch lạc rõ ràng giúp có thể yên tâm. Người dân mong muốn được cảm thụ sự lãnh đạo mà không thấy.
Trong khi ở nước ngoài như tôi thấy, công việc lãnh đạo quốc gia luôn được khỏa lấp chiếm lĩnh thực hiện đầy đủ. Nhiều nước có nền chính trị tiến bộ họ chọn lựa nhân sự lãnh đạo là người đề xuất đường lối phát triển quốc gia. Người lãnh đạo được bầu chọn cũng chính là chuyên gia của cái vấn đề lĩnh vực đang chi phối phần lớn tâm trí xã hội.
Ví như ông Donald Trump rất giỏi về chính sách kinh tế thuế và vấn đề thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc cũng như vấn đề mất việc làm là cái người Mỹ quan tâm bậc nhất, cho nên ông Trump có ưu thế.
Hay như trước đó ông Obama là một luật sư nhân quyền và người hoạt động phát triển cộng đồng, thì thời điểm năm 2008, sau các cuộc chiến ở Afganistan và Irac, âm hưởng về sức mạnh cơ bắp của nước Mỹ làm thế giới e ngại. Vấn đề về quyền con người, quyền của người yếu thế hay quyền lợi các nhóm binh sĩ chiến đấu được dư luận quan tâm, cho nên ưu thế dành cho Obama.
Làm sao trau dồi?
Có một cách để tăng cường trau dồi năng lực lãnh đạo đó là thông qua các cuốn sách.
Người có năng lực lãnh đạo lớn sẽ có tầm nhìn xa, họ thấy được các vấn đề của tương lai mà đa phần dân chúng không thấy. Hoặc họ nhận ra được các xung động xã hội, các dòng chảy chủ lưu, dòng chảy chính giữa không gian vận động bề bộn các vấn đề đời sống xã hội.
Họ truyền tải vấn đề tới cộng đồng nhằm thiết lập vị thế lãnh đạo, người lãnh đạo phải thực hiện các phát biểu. Nhưng khi các vấn đề đủ lớn, đủ phức tạp ở tầm quốc gia thì họ sẽ phải thông qua các cuốn sách để truyền tải đầy đủ phương hướng tầm nhìn phát triển tới công chúng.
Cả ông Trump và ông Obama đều đã có những cuốn sách truyền tải tầm nhìn phát triển quốc gia của mình trước khi được bầu chọn làm tổng thống.
Đến khi thôi giữ cương vị, các nhà lãnh đạo lại xuất bản hồi ký kể lại quá trình dẫn dắt đưa đất nước vượt qua khó khăn phát triển đi lên, giúp những người lớp sau thấy được các giai đoạn phát triển thăng trầm.
Nhờ tiếp nhận tầm nhìn của người đi trước, phẩm chất lãnh đạo theo đó cũng được vun bồi. Khi càng hiểu nhiều về quá khứ nhà lãnh đạo sẽ thấy được sự hữu hạn của chính sách và chính phủ trong chiều dài lịch sử, từ đó khiêm nhường đưa ra chính sách có trách nhiệm hơn.
Nếu không đọc sách và hiểu biết ít về lịch sử thì một người dù đứng đầu lãnh thổ thì đó cũng chỉ là một thủ lĩnh hung hăng mới nắm quyền ở một vùng biến loạn mà thôi. Chứ đó không phải là một nhà lãnh đạo.
Cho nên các cuốn sách là rất quan trọng đối với tư duy tầm nhìn lãnh đạo. Bởi thế mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đều ý thức về tính quan trọng của việc đọc sách và viết sách để lại.
Từ Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia, Lý Quang Diệu của Singapore, các tổng thống Bush, Clinton, Obama của Mỹ, Thủ tướng Thatcher, Tony Blair của Anh .v.v. đều có hồi ký kể lại.
Tìm bên ngoài?
Bộ phim Avatar của đạo diễn James Cameron là một thiên sử thi về năng lực lãnh đạo và phẩm chất anh hùng.
Trong phim có câu chuyện, để tìm hiểu về người Navi trên hành tinh Pandora, người trái đất đã cho nhân vật chính dưới hình dạng người Navi tham gia vào đời sống của họ để nắm bắt lối sống suy nghĩ của người Navi, từ đó tác động người Navi di dời đi chỗ khác để người trái đất chiếm chỗ khai thác quặng khoáng sản quý.
Nhân vật chính sau thời gian chung sống thì thay đổi quan điểm và dành tình yêu cho người Navi thông qua tình yêu với người con gái tộc trưởng, anh cảnh báo về mối nguy hiểm do chính đồng bào trái đất của anh đang đưa đến.
Người Navi hết sức tức giận, dưới sự lãnh đạo của tộc trưởng đã bắt trói nhân vật chính đưa ra trước trận tiền nơi người trái đất với vũ khí hiện đại sắp sửa tấn công.
Những loạt bom khói và bom nổ từ những đội hình máy bay chiến đấu đã làm cho người Navi kinh khủng hoảng loạn, những trai tráng dũng cảm nhất cũng không thể dùng cung tên để bắn hạ những máy bay, họ tháo chạy và kêu khóc. Tộc trưởng của người Navi bị một cành cây vụn vỡ bay trúng người gục xuống tử vong.
Lúc này, vợ tộc trưởng, người nắm giữ phần hồn của dân tộc Navi, thay vì tháo chạy như những người khác bà cầm một con dao sắc tiến tới nhân vật chính đang bị trói, tưởng chừng như bà sắp kết liễu kẻ đã đang tâm tiếp tay đem đến tai họa cho đồng bào mình.
Nhưng không, bà đã không giết, thay vào đó bà dùng con dao để cắt dây trói và khóc bảo rằng nếu anh còn yêu thương người Navi thì hãy cứu giúp chúng tôi.
Đây là một đoạn cảnh nói lên phẩm chất lãnh đạo anh hùng. Người phụ nữ kia, bằng cảm nhận của một người mẹ, chịu trách nhiệm gánh vác sinh mệnh của bộ tộc, với sự hiểu biết và từng trải, bà đã cảm nhận nhìn ra được đâu là người có thể giúp đỡ.
Và bà đã không nhầm, nhân vật chính đã vượt qua mọi khó khăn, vượt qua sự đơn độc bị ruồng bỏ từ cả hai phía, đã giúp đỡ người Navi giữ lại được đất đai dân tộc mình.
Câu chuyện có ý nghĩa hôm nay, người có khả năng giúp đỡ có khi lại không nằm trong tổ chức.
Một tổ chức khi gặp phải khủng hoảng đối diện với sự tồn vong như dân tộc Navi, có khi cũng cần ý thức ra vấn đề, là chỉ có những phẩm chất cách nghĩ mới đến từ bên ngoài, với những kỹ năng hoàn toàn mới thì mới có thể giúp được.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Việt Nam tồn tại nhiều khoảng trống lãnh đạo?’