Việt Nam nên tham khảo Trung Quốc về thiết bị bay không người lái

 

Nhớ lại từ gần hai chục năm trước tôi đọc được trong sách nào đó, có thể là cuốn Thế Giới Phẳng của Thomas Fredman, trong đó đã nói đến việc quân đội Mỹ nghiên cứu thiết kế ra những thiết bị bay giống như những con côn trùng có thể bay vào hang ổ của những kẻ khủng bố ở Afganistan để theo dõi nắm bắt thông tin. 

Cách đây vài năm một lần tôi xem được một bộ phim của nước Anh sản xuất nói về hoạt động chống khủng bố, trong đó có nội dung cơ quan đặc nhiệm của Anh lần theo dấu vết một nhóm khủng bố ở một quốc gia châu Phi, họ đã giao cho một nhân viên người bản xứ ngồi chơi game trên điện thoại giữa một khu chợ đông người nhưng thực chất anh ta đang điều khiển một thiết bị bay không người lái có hình dáng một chú chim sâu đậu ngay trên hiên một ngôi nhà gần đó nơi những kẻ khủng bố tụ tập.

Dữ liệu hình ảnh được chuyển về căn cứ để từ đó các chỉ huy đưa ra những mệnh lệnh. Đến khi nhóm khủng bố di chuyển vào trong một căn phòng kín để họp bàn thì nhân viên đặc nhiệm sử dụng một thiết bị bay khác có hình dáng giống một con bọ cánh cứng bay vào bậu trên cửa chớp căn phòng, dữ liệu hình ảnh cũng được chuyển về căn cứ, từ đó chỉ huy lệnh cho máy bay không người lái có mang tên lửa phóng vào mục tiêu. 

Bộ phim có tiêu đề Eye in the Sky, dịch ra là Mắt trên bầu trời. Dù là một bộ phim điện ảnh nhưng có thể hình dung đó chính là công nghệ thực tế có thật mà các nước đang sử dụng. Gần đây báo chí cũng đưa tin Trung Quốc đã sản xuất được thiết bị bay giống như những con chim để thực hiện các hoạt động.

Thực tế nhiều năm qua những chiến sự trên thế giới đã cho thấy tính năng và mức độ ảnh hưởng của các thiết bị bay không người lái. Những năm trước trong những cuộc chiến chống khủng bố quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công mục tiêu mà cả thế giới đều đã biết, gần đây nhất qua cuộc chiến ở Ucraina bắt đầu từ ngày 24/2/2023 các bên cũng đều sử dụng phổ biến thiết bị bay không người lái. 

Các thiết bị bay không chỉ tấn công các mục tiêu dưới đất mà vì vai trò quan trọng của nó trong tác chiến cho nên các bên còn dùng máy bay không người lái để vô hiệu hoá thiết bị bay không người lái của bên kia. Cùng với đó là những phi vụ đòi hỏi sự kết hợp của nhiều thiết bị bay không người lái, đội ngũ những người kỹ thuật điều khiển trở thành mục tiêu quan trọng được ưu tiên tìm kiếm bởi đối phương.

Trên cơ sở thực tế khi theo dõi diễn biến các cuộc chiến tranh xung đột trên thế giới sẽ không khó nhận ra vai trò sức mạnh ảnh hưởng đến chiến cuộc của các thiết bị bay không người lái.

Bởi lý do như vậy cho nên việc lo ngại nguy cơ và đặt ra vấn đề hành lang pháp lý điều chỉnh là điều hợp lý trong công tác xây dựng pháp luật. 

Nhưng cũng chính những minh chứng về sức mạnh hữu hiệu của công cụ vũ khí mới này tôi cho rằng Việt Nam cần tính đến việc phát triển và làm chủ công nghệ cũng như kỹ năng sử dụng, hoặc ít nhất thì không nên tự làm mình yếu đi trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh các cuộc xung đột người ta thường sử dụng vũ khí công nghệ mới, trong khi nước ta là một quốc gia nhỏ chịu nhiều bất lợi về quân số vũ khí thì thiết nghĩ hãy làm sao để biến Việt Nam thành đất nước của công nghệ, đất nước của sự phổ biến của những thiết bị bay không người lái. 

Từ việc sử dụng phổ biến sẽ đưa đến những phát triển ứng dụng và kỹ năng sử dụng, từ những hoạt động dân sự có thể được sử dụng cho quốc gia khi hữu sự.

Đây là điều hợp lý phát triển từ nhận thức tới hành động, cũng là điều mà các nước khác đã nhận ra và có chính sách phát triển. Hôm 13/8/2024 trên báo Tuổi trẻ có bài “Trung Quốc thử nghiệm drone giao hàng nặng 2 tấn, đẩy mạnh kinh tế tầm thấp” cho biết về việc ứng dụng thiết bị bay không người lái với những thông tin rất đáng tham khảo. 

“Trong một báo cáo năm nay, lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc xác định nền kinh tế tầm thấp là động lực tăng trưởng mới, là “lực lượng sản xuất mới” trong các lĩnh vực như vận chuyển hành khách và hàng hóa. 

Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc dự đoán nền kinh tế này sẽ tăng trưởng gấp bốn lần so với năm 2023, đạt mốc 2.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 279 tỉ USD) vào năm 2030. Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất máy bay không người lái. Các nhà sản xuất đang tiếp tục thử nghiệm với lượng tải trọng lớn hơn”.

Bởi vậy, đối với dự luật phòng không nhân dân hiện nay cần xác định chính xác mối nguy cơ và quy định quản lý chỉ cần như thế nào là phù hợp. Nếu không thì như đã nêu ở trên đối với những thiết bị bay giống như những chú chim hay như những con côn trùng mà nước ngoài họ sử dụng thì luật của ta không phát hiện ngăn chặn được mà không chừng luật lại hạn chế đa số những thanh niên đang yêu thích sử dụng thứ đồ chơi công nghệ mới là những chiếc máy fly cam.

Để ý lại thì từ nhiều năm qua ở nước ta tôi không thấy thông tin sự vụ tiêu cực nào về những thiết bị bay không người lái ví như fly cam, chỉ cho tới vài tháng gần đây thì thấy một chuyện ở tỉnh Bắc Ninh là một nhóm nào đó đã sử dụng fly cam để mua bán ma túy. Những người sử dụng fly cam thường dùng để quay phim chụp ảnh hoặc là ứng dụng có tính công nghệ như phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng, với tính cách yêu nghệ thuật hoặc ham thích công nghệ thường ít có xu hướng tội phạm.

Bởi những lý do như vậy hành lang pháp lý nên theo hướng thông thoáng tạo điều kiện rộng rãi cho việc ứng dụng các thiết bị bay không người lái trong đời sống dân sự, điều này sẽ giúp củng cố sức mạnh phòng thủ quốc gia và phù hợp với những quan điểm về phát triển công nghệ 4.0 vẫn được chủ trương nói tới lâu nay.

Luật sư Ngô Ngọc Trai