Báo chí trong nước mới cho biết Sở lao động thương binh và xã hội thuộc tỉnh Hải Dương có tới 44 ghế lãnh đạo trong khi chỉ có 2 nhân viên.
Đây thực sự là một sự tha hóa của bộ máy công quyền.
Nếu không ngăn chặn thì tình trạng tha hóa sẽ đi đến thối nát.
Khi bị chất vấn trách nhiệm, vị quan chức nguyên là Giám đốc sở này phát biểu ‘Do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân’.
Những lời ngụy biện đã được đưa ra để bao biện cho việc làm sai trái.
Điều này không lạ, vì lớp cán bộ quản lý lâu nay luôn ngụy biện để lấp liếm sai trái yếu kém. Đạo đức công vụ yếu kém, dân biết hết nhưng không làm gì được.
Ở Việt Nam người ta không còn lạ gì việc phải chạy tiền mới được vào công chức nhà nước.
Và người ta cũng chẳng lạ gì việc phải hối lộ để được thăng chức cán bộ.
Vậy việc một sở mà có tới 44 ghế lãnh đạo, liệu có việc mua quan bán chức không? Có tham nhũng không? Việc này phải khởi tố hình sự để điều tra làm rõ vì nó có dấu hiệu của tội phạm về chức vụ.
Nhưng khả năng là người ta sẽ chẳng điều tra, vì lâu nay pháp luật vốn không nghiêm.
Đây là sự việc ở tỉnh Hải Dương, song nhiều người nghi ngờ tình trạng này còn tồn tại ở nhiều nơi khác.
Vì bộ máy công quyền được thiết lập vận hành giống nhau ở mọi nơi cho nên ‘tật bệnh lây nhiễm’ của các nơi này khó tránh khỏi là như nhau.
Vậy làm sao để phanh phui ngăn chặn?
Một lần nữa lại phải đặt câu hỏi về năng lực hoạt động của các thiết chế giám sát là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương.
Đây là thiết chế đại diện cho dân, được cho là nắm quyền lực, có chức năng giám sát bộ máy hành pháp tức Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Vậy các đại biểu Quốc hội của tỉnh Hải Dương ở đâu, làm việc thế nào?
Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã làm ăn ra sao mà để tồn tại một Sở có tới 44 ghế lãnh đạo và chỉ 02 nhân viên?
Nói từng Đại biểu hội đồng nhân dân nơi này, là những kẻ ăn hại đái nát thì có gì oan ức không?
Dẫn đến cơ sự này, có khi chính ông Giám đốc Sở lại là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tình trạng kiêm nhiệm giữa người giám sát và người bị giám sát như thế, chính là nguyên nhân dẫn đến sự mất tác dụng của thiết chế giám sát. Tạo ra khoảng không gian u tối khiến cho những tha hóa của công quyền có môi trường dung dưỡng tồn tại.
Sự kiêm nhiệm vô lý, trái ngược với những nguyên tắc của khoa học chính trị xã hội, trái ngược với nhận thức duy lý nơi con người.
Vì tất cả chúng ta đều tuân theo mẫu số chung là chủ nghĩa duy lý, tính duy lý là phần mềm định sẵn cho mọi hành động của tổ chức, cá nhân. Cho nên những điều phi lý trái lẽ đều được nhận ra và phải bị bác bỏ.
Tuy vậy sự vô lý vẫn tồn tại đầy rẫy trong đời sống xã hội Việt Nam.
Sự kiêm nhiệm giữa người giám sát và người bị giám sát là một sự vô lý.
Một cơ quan mà có tới 44 ghế lãnh đạo trong khi chỉ có 2 nhân viên là vô lý.
Mất hàng 700 tỷ đồng một năm để cắt cây tỉa cỏ là vô lý.
Có tiền cắt cây tỉa cỏ nhưng không có tiền làm việc cấp thiết hơn là cung cấp hệ thống nước sạch cho dân là vô lý.
Một tỉnh miền núi xin tiền xây dựng tượng đài hàng nghìn tỷ, trong khi trường lớp cho học sinh xập xệ, bệnh viện đường xá không xây, không chăm lo đầu tư phát triển kinh tế địa phương, đó là vô lý.
Mấy chục tỉnh năm nào cũng phải xin trợ cấp ngân sách từ trung ương, thu không đủ chi nhưng vẫn lập ra đủ ban bệ hội đoàn nào là Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, hội này ban nọ ở đủ mọi cấp ngành, làm tiêu ngốn ngân sách khiến cho bộ máy công quyền nặng nề đè nặng lên cơ thể xã hội, đó là điều vô lý.
Để cho cơ quan gây ra vụ án kêu oan, được quyền giải quyết xem có oan hay không là điều vô lý. Tử tù kêu oan 11 năm, nhưng nay không được gặp luật sư riêng để trao đổi, luật sư không được sao chụp hồ sơ vụ án để nghiên cứu, đó là một sự thách thức chà đạp lên pháp luật.
Phản ánh những tệ trạng xã hội, những tha hóa thối nát nhưng lại bị quy chụp ám hại là trái đạo lý.
Quản lý yếu kém, khiến mọi mặt đời sống xã hội đều có vấn đề, nhưng chỉ muốn khen, không muốn chê, đó là trái đạo lý.
Còn nhiều điều vô lý trái đạo nữa, ai cũng biết nhưng không làm gì được, vì một nguyên nhân bản chất đó là quyền lực không thuộc về nhân dân.
Quyền lực không thuộc nhân dân
Phải thừa nhận rằng lâu nay báo chí cũng đã phản ánh được nhiều sai phạm tiêu cực, nhiều vị lãnh đạo cũng cố công làm sạch bộ máy, nhưng những sai trái bất công vẫn tồn tại, và ngày càng thấy bộc lộ nhiều hơn.
Lý do là mặc dù bị phanh phui, nhưng khâu xử lý trách nhiệm lại quá yếu kém nên không có tác dụng răn đe.
Hình phạt nghiêm khắc có tác dụng răn đe.
Khi xảy ra sai phạm, thay vì thu thập tài liệu bằng chứng để xử lý thì người ta lại yêu cầu cấp dưới báo cáo.
Vì lối xử lý trách nhiệm nặng về báo cáo như vậy cho nên người ta luôn tìm cách ngụy biện cho bất cứ sai phạm nào.
Thay vì xử lý nghiêm làm gương người ta lại dây dưa kéo dài cái thời hạn giải quyết để nhân dân quên đi, và rồi ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’.
Vì thế mà sai phạm không bị răn đe phòng ngừa, lại còn nảy nòi ra ở nhiều nơi khác.
Ở các nước theo thể chế đa đảng, các đảng phái đối lập cung cấp một nguồn lực giám sát mạnh đối với công quyền. Ngoài ra là giám sát từ xã hội dân sự, đó là những hội đoàn nhỏ của người dân, những bậc trí thức, những doanh nhân có uy tín, khi họ lên tiếng phản ánh vấn đề của công quyền thì đều có tính chất giám sát.
Ở Việt Nam chỉ có một đảng nên mức độ tính chất giám sát vốn đã ít, nhưng ngay các thiết chế bộ máy nhà nước có chức năng giám sát lại cũng yếu kém mất tác dụng, trong khi xã hội dân sự chưa phát triển.
Tựu chung lại những điều đó đã tạo ra môi trường màu mỡ cho lạm quyền, lộng quyền.
Và tồn tại điều đó là do bởi quyền lực đã không thuộc về nhân dân.
Google search: ‘Vì quyền lợi không thuộc về nhân dân’