Báo chí Việt Nam đang đưa nhiều tin bài về nghi án đưa hối lộ xảy ra tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam từ tiền ODA của Nhật Bản nhưng giải quyết vụ này thế nào sẽ còn là một vấn đề vì hai nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp.
Nhật Bản là quốc gia đứng đầu trong số các nước đầu tư vốn ODA cho Việt Nam, hai nước có nhiều mối quan hệ giao thương và đã ký nhiều Hiệp định về kinh tế như:
Hiệp định về tự do, xúc tiến và bảo hộ đầu tư năm 2003, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản năm 2008, Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn lậu thuế năm 1995, Hiệp định hợp tác phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân và nhiều thỏa ước kinh tế dân sự khác.
Còn nhiều nước chưa ký
Riêng hiệp định tương trợ tư pháp Nhật Bản – Việt Nam lại chưa ký.
Hiệp định tương trợ tư pháp nếu có sẽ giúp phối hợp giải quyết các vướng mắc pháp lý về dân sự, hình sự giữa công dân hai nước.
Mấy chục năm qua Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam, công dân hai nước đã có nhiều hoạt động di trú làm ăn, nguy cơ phát sinh các vướng mắc về pháp luật là có, tiền lệ xấu đã xảy ra vậy tại sao hai bên không ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp?
Phải chăng giới chức phía Nhật không thiện chí hợp tác trong việc này?
Mở rộng tìm hiểu thì thấy, cho tới hiện tại Việt Nam mới ký Hiệp định tương trợ tư pháp với một số nước.
Các nước đã ký gồm: CHDC Đức (đã hết hiệu lực), Liên Xô (ký năm 1981), Tiệp Khắc (ký năm 1982), Cu Ba (ký năm 1984), Hung-ga-ri (ký năm 1985), Bulgary (ký năm 1986), Ba Lan (ký năm 1993), CHDCND Lào (ký năm 1998), Liên bang Nga (ký năm 1998), Ukraine (ký năm 2000), Mông Cổ (ký năm 2000), Belarus (ký năm 2000), CHDCND Triều Tiên (ký năm 2000).
Nhưng với Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia có quan hệ đầu tư làm ăn với Việt Nam, nhiều công dân Việt Nam cư trú ở đó nhưng lại chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp.
Hội nghị La Hay
Nếu không ký Hiệp định song phương thì Việt Nam có thể gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
Đây là hội nghị được thành lập từ năm 1893 và tới nay đã có hàng trăm nước, gồm cả Nhật Bản tham gia. Hội nghị này cho ra đời nhiều công ước khác nhau giúp cho việc giải quyết xung đột pháp luật giữa các quốc gia thành viên, tạo hành lang pháp lý thông suốt xử lý các vấn đề tư pháp dân sự, hình sự giữa các nước.
Từ năm 2011 ở Việt Nam đã diễn ra các hoạt động hội thảo nghiên cứu tìm hiểu về Hội nghị La Hay, nhưng không hiểu sao tới nay chính phủ vẫn chưa quyết định ký kết tham gia?
Nếu Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, thì hành vi sai phạm của công dân Nhật Bản (hoặc công dân của một quốc gia thành viên khác) trên đất nước Việt Nam sẽ dễ dàng được hai bên phối hợp xử lý.
Các hoạt động tương trợ tư pháp như triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; truy cứu trách nhiệm hình sự; sẽ là trách nhiệm của giới chức hai bên.
Vậy nếu Việt Nam chưa gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và cũng chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Nhật Bản thì việc tìm kiếm thông tin chứng cứ được thực hiện như thế nào?
Năm 2007 Quốc Hội Việt Nam ban hành Luật tương trợ tư pháp, theo đó hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt nam và các nước được thực hiện theo điều ước quốc tế, nếu giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện dựa trên nguyên tắc có đi có lại.
Như thế việc xử lý thông tin báo chí Nhật đưa ra về nghi án đưa hối lộ tại Việt Nam sẽ được thực hiện theo hình thức tương trợ tư pháp đơn lẻ theo vụ việc, trên nguyên tắc trợ giúp có đi có lại.
Đình chỉ công tác đã đủ căn cứ?
Báo chí đưa tin có mấy quan chức ngành đường sắt bị tạm đình chỉ công tác gồm hai Phó tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng công ty đường sắt, Giám đốc ban quản lý dự án đường sắt thuộc Cục đường sắt Việt Nam.
Việc làm này đã cho thấy trách tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo ngành chức năng, công chúng cũng thấy hợp lý đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên bình tĩnh xem xét thì thấy việc tạm đình chỉ công tác chưa chắc đã đảm bảo căn cứ.
Theo Nghị định số 59/2013/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng thì việc quyết định tạm đình chỉ công tác chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và đồng thời người đó có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.
Nghị định cũng hướng dẫn thêm, được coi là có dấu hiệu gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý khi người đó có một trong các hành vi:
Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật; Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng; Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ.
Trong trường hợp này mấy người bị tạm đình chỉ công tác đã có những hành vi nêu trên chưa? Theo báo chí đưa tin thì họ mới chỉ vừa bị yêu cầu giải trình về sự việc?
Nêu ra vấn đề này để người dân giám sát việc am hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Ngoài ra cũng cho thấy nghị định của chính phủ hướng dẫn khắt khe hơn so với luật phòng, chống tham nhũng khi bổ sung thêm những điều kiện ràng buộc trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ.
Vai trò của Viện kiểm sát
Có thông tin Thứ trưởng Bộ giao thông sẽ lên đường sang Nhật để thu thập thông tin về sự việc.
Theo Luật tương trợ tư pháp thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan đầu mối cho tất cả các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, cơ quan điều tra các cấp khi muốn thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp, tìm kiếm thu thập tài liệu chứng cứ ở nước ngoài thì đều phải lập hồ sơ gửi đến Viện Kiểm sát tối cao, cơ quan này sẽ thực hiện bước tiếp theo liên hệ với cơ quan tư pháp nước ngoài.
Cụ thể Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm: tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về hình sự; xem xét, quyết định việc thực hiện và yêu cầu cơ quan điều tra có thẩm quyền thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự; từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự theo thẩm quyền.
Thẩm quyền toàn diện như vậy nhưng cho tới nay Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chưa thấy có ý kiến gì, trong khi đó thứ trưởng bộ giao thông tự ý đi sang Nhật mà không thông qua Viện kiểm sát nhân dân tối cao, không biết việc làm của thứ trưởng có căn cứ vào Luật tương trợ tư pháp hay không, hay áp dụng theo luật nào khác?
Hoạt động xác minh điều tra xử lý tội phạm là hoạt động thuộc khối cơ quan tư pháp nhưng chính phủ là cơ quan hành pháp lại chỉ đạo, và cán bộ chính phủ lại trực tiếp làm việc này, liệu có ổn không?
Việc chỉ đạo cho thấy lãnh đạo chính phủ có trách nhiệm cao nhưng cũng là điều không bình thường vì hành pháp can thiệp vào tư pháp.
Khác với các nước, ở Việt Nam cơ quan điều tra lại nằm trong hệ thống công an, cho nên không rạch ròi giữa hành pháp và tư pháp, mà đúng ra phải tách bạch hai hệ thống này.
Tóm lại, về tổng thể Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đúng ra phải là cơ quan có động thái xử lý thông tin đầu tiên và có tiếng nói quyết định việc thực hiện hoạt động thu thập thông tin chứng cứ từ cơ quan chức năng bên Nhật Bản, thế mà cơ quan này lại hoàn toàn im ắng.
Bài đã đăng trên BBC Vietnamese tại đây: Google search: ‘Về nghi án Nhật hối lộ đường sắt VN’