Từ thay đổi trong bóng đá nghĩ đến phát triển nền tư pháp

 

Trong kỳ đại hội bóng đá World Cup đang diễn ra có một điểm thay đổi rất lớn là việc áp dụng các kỹ thuật công nghệ vào giám sát trận đấu.

Trong đó bao gồm các camera được lắp đặt dưới mái che sân vận động để xác định lỗi việt vị của cầu thủ và những trái bóng thi đấu trên sân được gắn thiết bị cảm biến thu thập dữ liệu định vị không gian theo thời gian thực.

Luật sư Ngô Ngọc Trai tham gia bào chữa tại một phiên tòa

Thay đổi trong bóng đá

Trong trận đấu bảng vòng loại giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha hôm mùng 2 tháng 12, trong một pha cứu bóng khỏi đi hết đường biên ngang, cầu thủ Mitoma của Nhật đã cứu bóng ngay trên vạch vôi rồi thực hiện đường chuyền để cầu thủ Tanaka đệm bóng thành bàn thắng.

Bàn thắng có tính chất quyết định giúp đội tuyển Nhật Bản giành chiến thắng 2-1 trước Tây Ban Nha và giành quyền đi tiếp vào vòng trong, bàn thắng quan trọng cũng khiến đội tuyển Đức cùng bảng bị loại ngay ở vòng loại.

Rất nhiều người cho rằng trong pha cứu bóng của Mitoma bóng đã đi hết đường biên ngang, nhiều góc quay camera đã cho thấy rõ điều đó, bởi vậy nhiều người phản đối trọng tài công nhận bàn thắng của tuyển Nhật Bản.

Trong khi đó theo luật của FiFA thì bóng được cho là đã đi hết đường biên khi toàn bộ thể tích trái bóng đã vượt ra ngoài vạch vôi, nhưng trong pha cứu bóng của Mitoma một phần rất mỏng mảnh của trái bóng vẫn nằm trên vạch trắng, điều chỉ có thể thấy được từ áp dụng công nghệ theo góc nhìn Camera thẳng đứng từ trên cao.

Nhờ áp dụng công nghệ VAR nên trọng tài chính đã nghe theo quyết định của trọng tài VAR công nhận bàn thắng cho Nhật Bản.

Từ chuyện này có thể thấy, nếu không áp dụng công nghệ thì bằng mắt thường dù là trọng tài siêu sao cỡ Pierluigi Collina thì cũng rất có khả năng sẽ cho rằng bóng đã đi hết đường biên, với góc nhìn nghiêng từ mọi vị trí đứng của trọng tài trên sân cỏ đều sẽ cho thấy điều đó.

Khi đó khó ai có thể trách cứ trọng tài đưa ra một phán quyết như vậy dù rằng đó là quyết định sai.

Bởi vậy mọi người có thể thấy là năng lực của con người là rất giới hạn khi có cơ sở soi chiếu qua kỹ thuật công nghệ. Nhiều người cho rằng việc áp dụng công nghệ khiến bóng đá mất đi sự thú vị và cho rằng cứ nên để trọng tài bắt bằng mắt thường như trước đây.

Nhưng hiện nay công nghệ là rất sẵn có, nếu ban tổ chức không áp dụng thì công nghệ vẫn có ở đó và sẽ được khán giả sử dụng, nhiều người sẽ phát hiện ra lỗi của trọng tài trong trận đấu sẽ gây thất vọng, cứ thế môn thể thao bóng đá sẽ tàn lụi.

Bởi vậy không có lựa chọn tốt hơn nên ban tổ chức đã quyết định chấp nhận áp dụng những tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật cao hơn và cũng bởi sự công bằng là điều mà mọi người cùng hướng đến.

Là một luật sư, từ câu chuyện này tôi thấy.

Để cải thiện năng lực phán đoán trong bóng đá, để đảm bảo các quyết định của trọng tài là chính xác nên Fifa đã áp dụng công nghệ VAR, xem lại các diễn biến trận đấu để xác định lỗi cầu thủ, từ đó giảm tránh sai lầm của trọng tài đảm bảo trận đấu công bằng.

Vậy thì hãy hình dung là trước kia khi chưa có công nghệ VAR mọi thứ phụ thuộc vào sự tinh tường trong con mắt của trọng tài, trong phần lớn các trận đấu thì vẫn ổn, nhưng trong một số tình huống khó thì đã không thể tránh được những sai lầm khiến có những đội bóng bị chịu bàn thua oan uổng.

Pháp luật hình sự cần tiến tới bãi bỏ hình phạt tử hình

Phát triển nền tư pháp

Là một luật sư điều tôi cũng thấy được là sự giống nhau giữa bóng đá và hoạt động xét xử của tòa án, trong đó hoạt động của thẩm phán xét xử cũng giống hoạt động của trọng tài bắt bóng.

Cả hai đều là người đứng giữa phân xử lỗi lầm các bên và đều đòi hỏi những đánh giá phán đoán tinh tường để đưa ra những quyết định chính xác.

Xét về bản chất thì việc xét xử cũng chỉ là phán đoán.

Các thẩm phán không phải là người tận mắt chứng kiến tội phạm xảy ra, nếu là người chứng kiến thì sẽ phải tham gia trong tư cách là nhân chứng chứ không được ở vai trò xét xử, bởi vậy tất cả những gì thẩm phán có thể dựa vào là hồ sơ chứng cứ được thu thập để phán quyết một người có tội hay không.

Có rất nhiều lý do có thể đưa đến một phán quyết là sai lầm, ví như việc thu thập chứng cứ có sai sót, nhân chứng nhầm lẫn hoặc khai không trung thực, do thiếu những trang thiết bị máy móc hiện đại khiến cho việc giám định tư pháp thiếu hiệu quả chất lượng.

Khi đó giống như bóng đá, dù thẩm phán có là người có năng lực như Collina thì trong một số tình huống pháp lý phức tạp cũng khó tránh khỏi sẽ bị sai lầm.

Cho nên giống như trong bóng đá cần nhìn ra năng lực có giới hạn của con người, bởi vậy nên cần phải thận trọng trong những phán đoán nhất là trong việc tước đi tính mạng con người trong án tử hình.

Để rõ hơn vấn đề thì lấy ví dụ từ vụ án Hồ Duy Hải, nhiều người có thể vẫn cho rằng vụ Hồ Duy Hải không oan, thì đó là theo cách nhìn nhận thông thường xưa nay mà thôi, chứ nếu soi chiếu qua con mắt công nghệ cao, tức là áp dụng theo những tiêu chuẩn pháp lý cao hơn thì sẽ thấy là vụ án còn nhiều vấn đề.

Ví như việc kết tội phụ thuộc nhiều vào lời khai thay vì chứng cứ vật chất, trọng cung thay vì trọng chứng.

Hoặc suốt mười mấy năm kêu oan tử tù không được gặp mặt luật sư, luật sư cũng không được tiếp cận với hồ sơ vụ án, thì đó là điều hạn chế mà ví như ở các nước có nền pháp lý tiến bộ thì họ không hạn chế việc tử tù kêu oan gặp gỡ luật sư, cũng như không hạn chế luật sư tiếp cận với hồ sơ vụ án kêu oan.

Cuối năm 2021 tôi đã xuất bản cuốn sách Người Bắc Cầu Ô Thước luận giải nhiều vấn đề pháp lý và đưa ra một tầm nhìn phát triển về nền tư pháp, đó có lẽ là cuốn sách đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này ở Việt Nam nhắc đến vụ án của tử tội Hồ Duy Hải.

Trong sách tôi đã cho rằng phán quyết Hồ Duy Hải có tội là không sai so với những gì đã là truyền thống xưa nay, khi vụ án có các lời khai nhận tội và lời khai này phù hợp với các tài liệu bằng chứng khác trong hồ sơ.

Nhưng trong sách tôi cũng cho rằng nếu áp dụng những tiêu chuẩn pháp lý cao hơn theo hướng bảo hộ quyền con người và phòng ngừa oan sai, giống như việc áp dụng những tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật cao hơn trong bóng đá, thì có thể nhìn ra khả năng minh oan cho Hồ Duy Hải.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các ban ngành nhà nước vẫn sẽ duy trì những tiêu chuẩn pháp lý cũ hay là chấp nhận áp dụng những tiêu chuẩn cao hơn như cách mà người ta đã làm trong bóng đá.

Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Từ thay đổi trong bóng đá nghĩ đến phát triển nền tư pháp’

Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:

  • Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
  • Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
  • Và các dịch vụ pháp lý khác;