Báo Tuổi trẻ mới có bài cho biết ngày 29/7 Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đã có kết luận chỉ đạo Viện KSND TP.HCM kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với vụ án ‘cướp bánh mì’ xảy ra tại TP.HCM.
Trước đó cũng báo Tuổi trẻ ở một bài khác cho biết, trong buổi làm việc với lãnh đạo TAND TP.HCM ngày 25/7, ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao cho rằng cần phải xem xét lại vụ án cướp bánh mỳ một cách toàn diện.
Như vậy là cả hai lãnh đạo cao nhất của ngành tư pháp Việt Nam đều đã có ý kiến chỉ đạo về một vụ án xảy ra tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Thường khi lãnh đạo ngành đã lên tiếng như thế thì nhiều khả năng vụ án sẽ được đánh giá giải quyết lại theo hướng đúng với ý kiến chỉ đạo.
Ví như vài tháng trước cũng ở thành phố Hồ Chí Minh xảy ra vụ quán café Xin chào, sau khi báo chí phản ánh những sai trái trong việc giải quyết vụ án của các cơ quan tư pháp quận Bình Chánh, nhiều lãnh đạo cao cấp đã lên tiếng chỉ đạo như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Viện trưởng viện kiểm sát tối cao Lê Minh Trí.
Vụ án sau đó được giải quyết lại ngược hoàn toàn với chiều hướng ban đầu.
Cộng đồng mừng cho người bị hàm oan, song để ánh sáng công lý soi dọi đến được mọi vụ án thay vì chỉ một thiểu số may mắn thì cần chỉ ra được những góc khuất của nền tư pháp.
Những góc khuất
Có mấy đặc điểm chung trong hai vụ án Cướp bánh mỳ và vụ quán café Xin chào đó là cùng xảy ra ở thành phố lớn, cùng được báo chí quan tâm đưa tin và cùng được các lãnh đạo ngành lên tiếng chỉ đạo.
Câu hỏi đặt ra là thế những tỉnh thành nhỏ trên cả nước liệu có tồn tại những vụ án bị giải quyết sai tương tự như hai vụ kia hay không? Và đó là những vụ án chưa xử lý đúng người đúng tội, thế còn những vụ án mặc dù đã xử lý đúng người đúng tội rồi thì liệu đã có công lý hay chưa?
Qua theo dõi thì thấy, có những tỉnh thành phố cả năm trời không thấy có sự kiện pháp lý nào được báo chí phản ánh, ví như các tỉnh Bắc Cạn, Lai Châu, Điện Biên, Đồng Tháp, Sóc Trăng và nhiều nơi khác.
Mặc dù vậy có thể nhận định ở các nơi đó cũng tồn tại đầy các vấn đề tư pháp, việc giải quyết các vụ án hẳn cũng còn nhiều sai trái chẳng khác gì những vụ như cướp bánh mỳ hay quán Xin chào ở Tp Hồ Chí Minh.
Vấn đề là ở những nơi đó các định chế dân chủ như báo chí, luật sư, các hội đoàn dân sự mỏng thiếu nên các vấn đề dân quyền ít có cơ hội được bênh vực bảo vệ. Do vậy nếu có một người bị hàm oan thì cũng khó có cơ hội được báo chí phản ánh, cộng đồng quan tâm, lãnh đạo lên tiếng như hai vụ án kia.
Cho nên có thể coi ở những nơi đó tồn tại những góc khuất mà ánh sáng công lý còn chưa soi dọi đến.
Đúng người, đúng tội nhưng có công lý?
Một góc khuất khác của nền tư pháp tồn tại ngay trong các vụ án dù đã xử lý đúng người đúng tội.
Đó là tình trạng lạm quyền, sách nhiễu và làm tiền đương sự, gây mất niềm tin của người dân vào nền tư pháp công chính.
Có tình trạng các cán bộ tư pháp nhìn vào mỗi vụ án như một cơ hội để kiếm lợi. Người ta đánh giá xem án này thế nào, phân án cho ai và liệu có thể kiếm được gì không.
Mặc dù là cơ quan công quyền nhưng dường như người ta không muốn làm không công cho ai bao giờ.
Có những vụ án ít nghiêm trọng nhưng bị can bị bắt, để rồi sau đó được thả ra, nhưng không phải tự nhiên mà được thả.
Có những vụ án khung hình phạt thì rộng mà xử mức nào cũng đúng, khi đó thật khó xác định xem mức xử nào thì có công lý, mà muốn được mức án nhẹ thì phải làm sao?
Rồi tình trạng cưỡng bức khi lấy lời khai, không vụ nào không lấy lời khai, có những vụ lấy rất nhiều lời khai, nhiều biên bản ghi lời khai chẳng khác gì nhau chỉ khiến hồ sơ dầy thêm. Mà để lấy được lời khai thì người ta phải bẻ gãy ý chí phản kháng chống đối của bị can mà thực chất là đày đọa hạ nhục nhân cách con người.
Đó là những góc khuất của nền tư pháp mà ánh sáng công lý còn chưa soi dọi đến, khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng cứ xử lý đúng người đúng tội là đã đảm bảo có công lý rồi.
Giải pháp nào?
Các lãnh đạo ngành tư pháp không thể trăm tay nghìn mắt đưa ra ý kiến chỉ đạo đối với mọi vụ án có vấn đề sai trái, thay vào đó hãy đưa ra các chính sách hợp lý để thúc đẩy tính năng hiệu quả của bộ máy.
Ví như cần đòi hỏi nâng cao trách nhiệm của viện kiểm sát, cơ quan có chức năng giám sát điều tra đảm bảo cho hoạt động điều tra thực hiện theo đúng các quy định pháp luật.
Việc này nếu làm tốt sẽ giảm tránh đi được hầu hết những vấn đề của nền tư pháp như bức cung, nhục hình, oan sai, lạm quyền, sách nhiễu.
Khi xác định mục đích của nền tư pháp là nhằm đảm bảo công lý thì cần nghiên cứu học hỏi hệ thống tư pháp các nước xem họ đã thiết lập cỗ máy tư pháp thế nào để có được công lý.
Ví như các nước Nhật Bản và Hàn Quốc, ở các nước này họ quy định chỉ Tòa án mới có quyền ra các lệnh bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật, nhờ vậy tạo ra môi trường an toàn cho các quyền công dân.
Trong khi ở Việt Nam luật cho phép cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều được thực hiện các quyền bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật. Điều này tạo ra tình trạng mất dân chủ, xâm phạm quyền công dân.
Bên cạnh việc học hỏi các chế định mới thì cần yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật đã ban hành, ví như quy định về quyền im lặng và ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can.
Ngành điều tra phải cải cách căn bản về hoạt động nghiệp vụ, nâng cao năng lực để tìm kiếm các nhân chứng và vật chứng để kết tội, thay vì tập trung vào lấy cung.
Việc ghi chép biên bản lời khai theo đó cũng cần thay đổi để hồ sơ không quá nhiều bút lục, quá nhiều chữ như hiện tại.
Điều này làm giảm đi tính rõ ràng của nền tư pháp vốn đã tồn tại nhiều góc khuất.
Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại Đây: Google search: ‘Tư pháp Việt Nam nhiều góc khuất’