Hôm 16/1 báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Viện công tố Hàn Quốc đề nghị Tòa án ra lệnh bắt giữ Phó chủ tịch tập đoàn Samsung liên quan đến các cáo buộc phạm tội. Đến hôm 19/1 Tòa án trung tâm Seoul đã ra thông báo bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố.
Samsung là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, có mặt từ năm 1996 đến nay đã hơn hai mươi năm, Samsung đã đầu tư hàng chục tỷ USD và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm. Với hai nhà máy lớn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, giá trị hàng xuất khẩu của Samsung đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Sự việc được báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi và phần nhiều được quan tâm do những ảnh hưởng kinh tế, nhưng nhìn theo góc độ tư pháp sự việc sẽ cho thấy nhiều điều.
Bắt giữ do Tòa án
Đầu tiên có thể thấy là Viện công tố Hàn Quốc tuy nắm quyền điều tra nhưng lại không được ra lệnh bắt giữ mà phải đề nghị tòa án ra lệnh bắt, và nếu tòa án bác bỏ thì việc bắt giữ không thành. Khác với Việt Nam, pháp luật cho phép cả Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều được quyền ra lệnh bắt mà không phải xin phép Tòa án.
Việc Tòa án Seoul từ chối bắt giữ đã giúp Samsung tránh được một cuộc khủng hoảng gây hại cho doanh nghiệp. Tòa án từ chối bắt giữ không phải vì lo lắng cho lợi ích kinh tế của Samsung mà đó là sự cân nhắc dựa trên các căn cứ cơ sở pháp lý.
Nhưng Viện công tố hẳn cũng đã có những cơ sở thích đáng cho đề nghị bắt giữ, và nếu quyền nằm trong tay họ thì họ đã bắt rồi.
Là một luật sư có hơn mười năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hình sự, điểm tôi thấy thấy rõ nhất trong trường hợp này là nền tư pháp Hàn Quốc đã vận hành theo hướng có lợi cho doanh nhân và doanh nghiệp.
Nếu trường hợp này không phải là cá biệt, nếu Tòa án không hề ưu ái và đó chỉ là sự thực thi dựa trên cơ sở các quy định pháp luật và bản chất vụ việc, thì có thể nhận định là với cơ chế tư pháp như vậy các doanh nghiệp sẽ được bảo vệ tốt.
Một trường hợp khác là hồi tháng 5/2015 Tòa án quận trung tâm Seoul cũng bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố đối với một Phó chủ tịch tập đoàn POSCO, hay như hồi tháng 9/2016 cũng tòa án này đã bác bỏ đề nghị bắt giữ của Viện công tố đối với Chủ tịch tập đoàn Lotte.
Đó là ba trường hợp Tòa án đã không bắt trong khi Viện công tố muốn bắt, và đó chỉ là ba vụ việc lớn được báo chí Việt Nam đưa tin trong tổng số hàng nghìn hàng vạn vụ việc xảy ra mỗi năm ở Hàn Quốc có liên quan đến doanh nhân và doanh nghiệp.
Như vậy hãy hình dung là nếu Viện công tố được quyền bắt thì họ đã bắt và với hàng nghìn trường hợp tương tự thì khả năng tỉ lệ bị bắt giữ là rất cao.
Khi đó môi trường tư pháp thực sự là một thảm họa đen tối cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân.
Việt Nam thì sao?
Dường như môi trường đen tối mà cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Hàn Quốc tránh được lại là cái đang tồn tại ở Việt Nam. Pháp luật Việt Nam hiện tại cho phép cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều được ra lệnh bắt mà không phải xin lệnh tòa án.
Từ lâu nay biết bao giám đốc doanh nghiệp đã bị bắt giữ bởi cơ quan điều tra và viện kiểm sát mà chẳng ai phản đối về vấn đề thẩm quyền. Liệu sẽ có bao nhiêu người đáng ra đã không bị bắt nếu thẩm quyền chỉ nằm trong tay tòa án? Chẳng ai biết được là nếu pháp luật quy định khác đi thì số phận của biết bao doanh nghiệp và doanh nhân hẳn cũng đã khác đi rồi.
Các doanh nghiệp và doanh nhân ở Việt Nam đã không được Tòa án bảo hộ như pháp luật Hàn Quốc, và điều này có mối liên hệ gì với tình trạng còi cọc yếu kém của tầng lớp doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam? Tôi cho rằng nền tư pháp đã không kiến tạo ra được môi trường pháp lý an toàn thân thiện cho hoạt động của doanh nhân và doanh nghiệp.
Việc quy định cho phép ba thay vì chỉ một cơ quan được quyền ra lệnh bắt giữ đã làm tăng nguy cơ xấu cho các quyền công dân, trong khi theo Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện tại thì chỉ có Tòa án mới có chức năng bảo vệ Công lý, còn cơ quan điều tra và viện kiểm sát thì không.
Số phận pháp lý của doanh nhân và doanh nghiệp sẽ tốt đẹp hơn nếu họ được định đoạt bởi Tòa án là cơ quan có thẩm quyền thực thi công lý thay vì nằm trong tay những cơ quan không có thẩm quyền.
Kém bảo vệ
Cơ chế tư pháp về việc bắt giữ như hiện tại gây hại cho các quyền công dân nói chung và đặc biệt gây hại cho tầng lớp doanh nhân.
Vì tầng lớp doanh nhân được xem là thành phần có tiền sẽ không thoát khỏi con mắt soi mói của đủ các thành phần, doanh nhân lại không chịu được lối sống khổ như các tội phạm về trật tự xã hội khác.
Cho nên muốn không bị bắt hoặc môi trường sống giam giữ thế nào tùy thuộc vào sự ‘biết điều’ của nghi phạm.
Tức là quy định bất cập của pháp luật cộng với tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp tạo ra tình thế rất bất lợi cho tầng lớp doanh nhân.
Có thể nói không ngoa rằng cả nền tư pháp chống lại giới doanh nhân. Người doanh nhân bị bủa vây bởi mạng lưới của lạm quyền và tham nhũng, họ sẽ bị làm cho kiệt quệ.
Nay đứng trước bài toán tìm cách thúc đẩy phát triển nền kinh tế, Chính phủ và các ban ngành cần nhìn ra vấn đề và giải pháp.
Nếu muốn nền kinh tế phát triển, muốn doanh nghiệp và tầng lớp doanh nhân lớn mạnh được như Hàn Quốc thì cần xây dựng thiết lập một cơ chế tư pháp giống họ để vừa có thể xử lý được tội phạm, mà vẫn bảo vệ được doanh nghiệp và doanh nhân
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại Đây: Google Search ‘Tư pháp Việt Nam kém bảo vệ doanh nhân’