Ngoài việc đưa tin có tính thời sự, bài báo cung cấp một thông tin pháp lý đáng chú ý, đó là ở Hàn Quốc tòa án có quyền bác đề nghị bắt giữ của cơ quan công tố.
Theo bài báo thì tòa án bác bỏ việc bắt là Tòa án quận trung tâm Seoul, quyết định được đưa ra với lý do việc bắt giữ để phục vụ điều tra là không cần thiết.
Một tin khác cũng từ Hàn Quốc liên quan đến việc bắt giữ cựu Phó Chủ tịch hãng hàng không Korean Air, con gái của ông chủ tập đoàn hàng không Korean, bị cáo buộc vi phạm an toàn hàng không khi cô này mắng nhiếc một nữ tiếp viên trên máy bay.
Theo bài ‘Hàn Quốc phát lệnh bắt giữ cựu Phó Chủ tịch Korean Air’ trên báo điện tử Hà Nội mới thì lệnh bắt giữ cũng do tòa án ban hành.
Đây là những sự kiện diễn ra trong đời sống thực, cho thấy tòa án Hàn Quốc nắm giữ đầy đủ thẩm quyền định đoạt việc bắt hay không bắt. Tìm hiểu thêm thì thấy đây là kết quả thực thi quy định từ Hiến pháp nước này.
Liên quan đến việc bắt giữ Hiến pháp Hàn Quốc quy định: Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và trên cơ sở phải có yêu cầu của một công tố viên, trừ trường hợp một nghi phạm hình sự bị bắt quả tang.
Theo quy định này thì không chỉ việc bắt mà cả việc khám xét hay tịch thu tài sản đều phải có quyết định của tòa án, ngoài ra không cơ quan nào khác có quyền.
Nhật Bản thì sao?
Tương tự như Hàn Quốc, chỉ khác nhau về cách hành văn, Hiến pháp nước Nhật quy định: ‘Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang’.
Và ‘Nếu không có sự cho phép của toà án trình bày lí do, thông báo về chỗ khám xét, đồ vật bị tịch thu thì mọi thư từ, đồ vật, nhà ở đều được pháp luật bảo vệ. Mọi lệnh khám xét, tịch thu đều phải có sự cho phép của Thẩm phán’.
Hiến pháp Nhật Bản giống với Hàn Quốc đều quy định tập trung trong tay tòa án thẩm quyền quyết định các việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật. Cần lưu ý, đây đều là những hoạt động điều tra quan trọng có nguy cơ xâm hại tới quyền công dân.
Trong khi đó ở Việt Nam lại quy định khác.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Quy định như vậy cho phép ngoài tòa án thì cơ quan điều tra hay viện kiểm sát đều có quyền bắt giữ (trường hợp cơ quan điều tra bắt sau đó phải có phê chuẩn của viện kiểm sát).
Cũng theo quy định này tòa án không có quyền can thiệp hay ngăn cản quyết định của hai cơ quan kia.
Về việc khám xét hay thu giữ đồ vật, Bộ luật tố tụng hình sự quy định cả ba cơ quan đều có quyền quyết định và tòa án cũng không có quyền can thiệp hay bác bỏ.
Như thế có thể thấy tòa án ở Việt Nam hoàn toàn kém quyền so với tòa án Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Ở hai nước kia thiết chế tòa án nắm thẩm quyền lớn chi phối và trở thành trung tâm của các hoạt động tư pháp.
Bảo vệ quyền con người
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc tòa án được tập trung nhiều quyền, còn ở Việt Nam tòa án lại bị chia quyền với cơ quan khác, vậy cách quy định nào hợp lý và bảo vệ quyền con người tốt hơn?
Chúng ra hiểu rằng việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật đều là những hoạt động xâm hại tới quyền con người, trong khi quyền con người lại chính là mục đích quan trọng được bảo vệ bởi các định chế tư pháp.
Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.
Quy định là vậy nhưng trong quá trình điều tra xử lý tội phạm lại phát sinh nhu cầu đòi hỏi buộc phải hạn chế một số quyền công dân của một đối tượng nhất định nhằm đảm bảo ngăn ngừa nguy hại.
Ở các nước với tinh thần đề cao quyền con người, họ đòi hỏi việc hạn chế quyền công dân phải thật sự vì những lý do xác đáng. Họ nhận định rằng chỉ có tòa án được thiết lập và định nghĩa gắn liền với thuộc tính vô tư khách quan mới đủ tư cách để phán xét điều gì là xác đáng hay cần thiết.
Các cơ quan khác như điều tra hay công tố thì chức năng, trách nhiệm của họ là phát hiện xử lý tội phạm nên những yếu tố vô tư công tâm không đủ đầy như tòa án.
Từ nhận thức như vậy cho nên người ta mới dành cho tòa án quyền quyết định những việc như bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật, bằng cách đó nhằm đảm bảo môi trường pháp lý an toàn nhất cho các quyền con người.
Trong khi đó ở Việt Nam luật quy định nhiều cơ quan đều được ra lệnh, bản chất là mở rộng phạm vi chủ thể có khả năng tước bỏ quyền con người, điều này thể hiện nhận thức coi trọng việc trấn áp xử lý tội phạm mà xem nhẹ quyền con người.
Tiếp thu những nguyên lý
Từ lâu nay tòa án yếu kém không đáp ứng được kỳ vọng của người dân, thẩm quyền của tòa án không đủ mạnh để có thể bảo trợ các quyền con người.
Trước thực trạng như vậy nhiều người đã nhận ra nhu cầu phải cải cách, song hễ đưa ra một đề xuất nào mới thì hay gặp ý kiến bác bỏ với lý do rằng mô hình hệ thống tư pháp ở ta khác với các nước nên không quy định thế.
Nhiều người do thiếu chiều sâu nhận thức nên hay lấy lý do có sự khác biệt về mô hình hệ thống nên khước từ tiếp nhận đổi mới, tạo chướng ngại cho cải cách.
Nếu cầu thị tiến bộ và thực tâm khát vọng xây dựng một nền tư pháp vận hành đảm bảo công lý thì thay vì bác bỏ mô hình này nọ hãy học hỏi từ các nước những nguyên lý nền tảng.
Những nguyên lý nào đã giúp các nước xây dựng lên các thiết chế với những mối tương quan quyền hạn trách nhiệm như vậy?
Chúng ta có giống họ ở những nguyên lý mong muốn đó không, nếu có thì để đạt hiệu quả chúng ta cũng phải học họ cách thức thiết lập quy trình thủ tục.
Vì khi con người giống nhau ở những mong muốn, như ngăn ngừa việc làm sai hay khích lệ điều làm đúng, thì cách thức tác động điều chỉnh cũng phải như nhau.
Để rõ hơn hãy lấy ví dụ về quyền im lặng.
Xuất phát từ nguyên lý rằng tính mạng, sức khỏe, danh dự con người được bảo đảm (cái này ta và họ giống nhau), cho nên trong tố tụng hình sự phải nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.
Sau khi nghiên cứu kỹ người ta thấy rằng để đảm bảo mọi lời khai là tự nguyện, thì cách tốt nhất là cho bị can được quyền giữ im lặng. Một khi bị can đã được quyền im lặng thì có thể yên tâm nếu khai báo đó sẽ là sự tự nguyện. Để đảm bảo thêm cho điều này các nước quy định việc lấy lời khai phải có sự tham gia của luật sư, hoặc quá trình lấy lời khai phải được ghi âm ghi hình lại.
Đó là ví dụ cho thấy từ những nguyên lý nền tảng đã giúp định hình xây dựng lên các thiết chế hòng đạt được hiệu quả mục đích.
Yếu do bị chia quyền
Nếu coi tòa án là thiết chế bảo trợ cho các quyền con người thì khi xây dựng phải đảm bảo sao cho có đủ thẩm quyền khả năng để làm việc đó.
Thực tế lâu nay tòa án yếu quyền do bị chia quyền nên không là công cụ thiết chế đủ mạnh để bảo trợ cho quyền con người, không bênh vực bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Điều này biểu hiện thấy ngay trong thực tế đời sống.
Trong tranh chấp dân sự người dân chỉ nghĩ đến tòa án như là giải pháp lựa chọn cuối cùng, đã có thống kê xã hội học cho thấy nhiều người tìm nhờ xã hội đen đòi nợ thuê có hiệu quả hơn con đường tòa án.
Trong tố tụng hình sự bị can e ngại quyền hạn của cơ quan điều tra chứ không sợ phán quyết của tòa, vì họ biết rằng những gì diễn ra trong giai đoạn điều tra mới quan trọng thực chất và mang tính quyết định về hình phạt, chứ không phải ở việc làm của tòa án.
Nhiều trường hợp người dân hay doanh nghiệp gánh chịu nỗi bất công từ những chủ thể lớn quyền hơn tòa án nên họ không có hy vọng gì ở tòa án.
Thực trạng này cần phải thay đổi, nay cần thiết kế bố trí lại các quyền cho tòa án.
Cần học tập các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, thiết lập tòa án thành thiết chế trung tâm có khả năng kiểm soát các hoạt động tư pháp, tập trung nắm giữ các quyền về bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật, không để bị chia quyền với các chủ thể khác.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Tòa án Việt Nam Yếu vì bị chia quyền’