Tòa án Việt Nam kém lắng nghe

Lâu nay đã có nhiều dẫn chứng cho thấy ngành tòa án kém lắng nghe. Ví như tình trạng người dân bị cản trở không được vào tham dự phiên tòa xét xử công khai. Đó là việc bảo vệ cổng tòa án lấy lý do đảm bảo an ninh trật tự không cho người dân vào tham dự phiên tòa.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, lại thường xảy ra ở những cơ quan tư pháp lớn như Tòa án phúc thẩm tối cao và Tòa án thành phố Hà Nội, nơi xét xử nhiều vụ án lớn được dư luận quần chúng quan tâm.

cong_ly

Tình trạng này đã được báo chí phản ánh nhiều lần và bản thân tôi mấy năm trước cũng đã gửi đơn kiến nghị chấn chỉnh sửa đổi. Nhưng tới nay thực trạng vẫn không thay đổi. Tại phiên tòa xét xử ông Vũ Quang Thuận hôm qua không một người dân thường nào được vào tham dự.

Điều này có thể khẳng định ngành tòa án đã yếu kém năng lực lắng nghe, coi thường quyền của người dân và pháp luật.

Tình trạng kém lắng nghe của ngành tòa án còn thể hiện ở việc, tại phiên tòa luật sư hay bị ngắt lời khi trình bày các lập luận. Thẩm phán chủ tọa thường lấy quyền điều khiển phiên tòa của mình để cản trở luật sư làm rõ các tình tiết của vụ án. Lý do là bởi thẩm phán chủ tọa không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, vì diễn tiến của việc hỏi và lập luận sẽ làm rõ và dẫn vụ án theo chiều hướng khác trái với hướng dự định của án bỏ túi.

Tất cả những điều đó về bản chất đều thể hiện khả năng lắng nghe kém của ngành tòa án, mà rồi từ việc lắng nghe kém sẽ khiến công lý không được thực thi.

Nữ thần công lý

Một hình tượng của các tòa án trên thế giới là hình tượng Nữ thần công lý, có một dải băng che mắt, một tay cầm kiếm và một tay cầm cán cân công lý.

Lý giải tại sao Nữ thần lại bịt mắt người ta đã cho cách hiểu rằng đó là để nữ thần được công tâm. Nữ thần không nhìn để không biết anh ăn mặc ra sao, kẻ giàu có hay nghèo hèn, kẻ quan chức hay người bình dân, người quen thân hay kẻ xa lạ.

Nữ thần bịt mắt để không thiên vị và nữ thần sẽ chỉ lắng nghe. Nữ thần công lý làm việc bằng cách lắng nghe và sau khi lắng nghe các ý kiến Nữ thần sẽ thực thi công lý.

Nữ thần công lý bịt mắt và làm việc bằng đôi tai. Theo đó sự lắng nghe là điểm quan trọng nhất để thực thi công lý.

Vậy nhưng lắng nghe lại là điểm yếu nhất của hệ thống tòa án Việt Nam. Và hệ thống tòa án là một bộ phận của một bộ máy nhà nước kém lắng nghe. Người ta chỉ muốn nghe những điều muốn nghe, và không muốn nghe những ý kiến khác trái chiều.

Tại phiên tòa những lời nói khác sẽ bị ngắt, bị cản trở. Ngoài xã hội tiếng nói phản biện trái chiều người nói có thể bị quy chụp xử lý về tội chống đối nhà nước.

Ở những nước có nền tư pháp văn minh tiến bộ, họ thiết lập hệ thống tòa án mà hoạt động của tòa hầu như không làm gì khác ngoài việc lắng nghe.

Bồi thẩm đoàn ở các phiên xét xử chỉ ngồi nghe, họ nghe bên công tố, nghe luật sư các bên đặt câu hỏi và trình bày lập luận. Ngoài việc lắng nghe bồi thẩm đoàn không làm gì khác, sau khi lắng nghe bồi thẩm đoàn sẽ biểu quyết về vụ án. Việc lắng nghe theo đó được coi trọng đúng như ý nghĩa hình tượng của Nữ thần công lý.

Thực trạng về năng lực lắng nghe của ngành tòa án Việt Nam là như vậy và tương ứng với nó là khả năng thực thi công lý yếu kém.