Thông tấn xã Việt Nam hồi tháng 2 năm 2021 trích dẫn một nghiên cứu báo cáo cho biết, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G.
Tính đến tháng 12/2020 dân số Việt Nam đạt hơn 97,3 triệu người, trong đó có 72 triệu người sử dụng mạng xã hội tương đương 73% dân số.
Năm 2020 trung bình mỗi ngày người Việt sử dụng smartphone lên tới 5,1 giờ do tác động của COVID-19 và khoảng thời gian giãn cách xã hội.
Dẫu vậy nhìn từ góc cá nhân tôi thấy cùng là người chơi face nhưng những gì mà mỗi người thấy sẽ không giống nhau.
Nhiều ồn ào
Gần đây trên diễn đàn mạng xã hội nổi lên trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, một doanh nhân giàu có lớn tiếng phê phán đòi hỏi công khai sao kê tài khoản ngân hàng của các nghệ sĩ làm từ thiện như MC Trấn Thành hoặc ca sĩ Thủy Tiên trong đợt quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lũ năm 2020.
Bà Hằng có tính cách được xem là mạnh mẽ, quan điểm về nhận thức đúng sai được xem là khá rõ ràng, cách chia sẻ quan điểm có phần bộc trực thẳng thắn.
Rất nhiều người theo dõi những buổi livestream yêu thích những câu nói của bà Hằng kiểu như ‘đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về’ hay ‘im lặng là vàng còn nói ra mới là kim cương’.
Phần đông dân chúng lao động vốn ít được dịp tiếp xúc với những nhân vật thuộc hàng đại gia cho nên bị hấp dẫn bởi cách tiếp chuyện của một người thuộc về giới đó như bà Hằng.
Song mặt khác cũng có những ý kiến như luật gia Trần Đình Thu thì cho rằng tại sao lại vô pháp vô thiên mạt sát thóa mạ hết người này người khác trên truyền thông như thời gian qua.
Còn doanh nhân Lâm Minh Chánh không khẳng định bên nào đúng hay sai, cho rằng phía các nghệ sĩ hoặc bà Phương Hằng nếu có chứng cứ thì xin mời làm đơn gửi cơ quan pháp luật và cần trả lại sự bình an cho xã hội.
Tôi thấy rằng nếu như có nền chính trị ứng cử tự do như ở Philippin thì rất có thể một người như bà Phương Hằng sẽ tham gia một đảng chính trị rồi ứng cử trở thành Tổng thống giống như Tổng thống Rodrigo Duterte hiện nay.
Điều này là hoàn toàn có thể với đúng các nguyên tắc về bầu cử công bằng dân chủ, khi mà số đông dân chúng bình dân cảm thấy yêu thích bầu cho bà Hằng và đó lại là tầng lớp người chiếm số đông trong xã hội.
Ngược lại cũng có những người trí thức dù có kiến thức hàn lâm, dù có hiểu biết về xây dựng nền pháp quyền hay hệ thống pháp luật chuẩn mực, nhưng thiếu những nguồn lực tài chính, hoặc chia sẻ những vấn đề lý thuyết hàn lâm xa cách rất dễ trở thành xa lạ thù địch trong mắt công chúng, và thất bại trong cuộc tranh cử trước bà Hằng.
Nên thận trọng
Trong cộng đồng mạng cũng có rất nhiều người không đứng về phía bà Hằng hay các Nghệ sĩ, rất nhiều người muốn giữ mình tỉnh táo muốn hướng đến những điều tốt đẹp nhưng lại khó khăn không biết mình nên ủng hộ bên nào và bày tỏ thái độ ra sao.
Thực tế rất nhiều khi công chúng đứng trước những sự buộc phải chọn lựa về vấn đề mà mình vốn ít khiến thức hiểu biết. Vậy phải làm sao?
Nền chính trị thế giới có một định chế được gọi là dân chủ đại diện, tức là khi những cử tri thông thường ủy thác việc lựa chọn thông qua người được ủy thác.
Với lẽ rằng dù không biết về vấn đề đó nhưng tôi biết một người và tin tưởng người đó đủ kiến thức để lựa chọn đúng đắn, và lựa chọn của người đó cũng là lựa chọn của tôi.
Ở Mỹ có một thiết chế là Đại Cử Tri trong bầu cử Tổng thống, đó là một hình thức dân chủ đại diện, đó là những người có danh tiếng kiến thức hiểu biết sống gần gũi với dân địa phương.
Đại cử tri sẽ đưa ra lựa chọn tổng thống thay cho các cử tri mà vốn dĩ như ngày xưa khoảng cách xa xôi cũng như thông tin hạn chế khiến người dân Mỹ khó biết được nhiều về những ứng viên Tổng thống.
Hoặc những thiết chế hiện nay như Nghị sĩ hoặc Đại biểu quốc hội cũng thuộc về dân chủ đại diện, nếu là dân chủ trực tiếp thì hàng triệu người sẽ cùng được hỏi ý kiến và đưa ra quyết định, còn dân chủ đại diện là người dân sẽ thực hiện việc quyết định các lựa chọn quốc gia thông qua người đại diện là Nghị sĩ hay Đại biểu.
Đối với sự việc tranh cãi giữa bà Phương Hằng với các Nghệ sĩ hiện nay, công chúng nếu có trách nhiệm sẽ thận trọng với những đánh giá ủng hộ của mình bởi lẽ điều đó sẽ quyết định cái môi trường xã hội tương lai nơi mà các thế hệ con cái sau này sẽ sống.
Khi ý thức được tính cách quan trọng như vậy thì công chúng nên lắng nghe nhiều hơn và tìm hiểu ý kiến của những người có thể là đại diện cho kiến thức chính trị của bản thân mình, những người mà mình tín nhiệm và theo dõi bấy lâu.
Đó là một cách vận hành đời sống chính trị được cho là hợp lý đúng đắn mà nhiều nước đã áp dụng.
Bầu không khí trách nhiệm
Cùng là người chơi facebook nhưng dòng thời gian mà mọi người chứng kiến, tức news feed, danh sách cập nhật liên tục những câu chuyện từ mọi người mà hằng ngày mỗi người lướt trên màn hình điện thoại sẽ không giống nhau.
Do thiên tư tính cách cá nhân nên tôi quan tâm và được hấp dẫn bởi những ý kiến bàn luận của các facebooker mà mình theo dõi, trong đó nhiều người là luật sư, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, hoặc chuyên gia các lĩnh vực có kiến thức chuyên sâu.
Có thể nói hàng ngày hàng giờ trên facebook được chứng kiến tiếp xúc với mặt bằng tri kiến hiểu biết cao, điều tôi nhận thấy là các ý kiến luận bàn rất sâu sắc và trách nhiệm.
Nhiều ý kiến không đồng tình với các chính sách của nhà nước nhưng không hề mong muốn những điều xấu cho quốc gia xã hội. Thực tế cũng cho thấy nhiều chính sách cũng đã được cầu thị lắng nghe thay đổi điều chỉnh sau những phản ứng của dư luận.
Mạng xã hội trở thành kênh phản biện ràng buộc chuyên chở các ý kiến thúc đẩy cho những chính sách cải cách phát triển đúng đắn. Mạng xã hội theo đó đã chứa đựng một nền nguyên khí quốc gia.
Có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì hiền tài hiện nay là giới trí thức đông đảo đã tham gia mạng xã hội và nguyên khí quốc gia chính là bầu không khí luận bàn nghị sự các vấn đề được tạo ra.
Giới trí thức có trách nhiệm thúc đẩy bầu không khí trách nhiệm quốc gia thay vì để tâm lý nhận thức của công chúng trôi dạt theo những sự vụ ồn ào.
Khi diễn đàn luận bàn đó tạo ra bầu không khí trách nhiệm đủ tính quan trọng để các cơ quan nhà nước phải điều chỉnh lại chính sách của mình thì ở mức độ rộng lớn hơn các quốc gia bên ngoài cũng sẽ nhìn vào đó để điều chỉnh hành vi ứng xử đối với đất nước Việt Nam.
Nhớ tích xưa có chuyện một ông vua định tấn công xâm chiếm một nước khác nhưng khi thấy những khí chất của người nước đó thì đã từ bỏ ý định.
Hoặc như hiện nay hẳn nhiều nước cũng nhìn vào số lượng đông đảo những công dân có kiến thức và khát khao phát triển, hai yếu tố sẽ được thể hiện qua sự luận bàn, từ đó mà tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam.
Cho nên nhìn vào diễn đàn mạng xã hội hiện nay, bên cạnh những ồn ào bởi việc chia sẻ suy nghĩ ý kiến cá nhân thì giới trí thức cũng đang tạo ra bầu không khí trách nhiệm quốc gia góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Tìm thấy nguyên khí quốc gia trên mạng xã hội?’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;