Bộ công an vừa cho triển khai thi hành Thông tư 46/2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 2-12-2019) về đảm bảo quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can (gọi tắt là người bị bắt, bị can).
Thông tư quy định ba loại thủ tục về người bào chữa (NBC) gồm quy định về xử lý đơn yêu cầu nhờ NBC của người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, bị can (Điều 4), quy định về NBC chỉ định (Điều 5) và thủ tục đăng ký bào chữa của luật sư (Điều 6).
Cùng là thủ tục đảm bảo quyền bào chữa cho người bị bắt, bị can nhưng đây là ba loại thủ tục khác nhau, cần được làm rõ để tránh nhầm lẫn. Đáng lưu ý nhất là phân biệt sự khác nhau giữa thủ tục người thân của bị can có đơn yêu cầu nhờ NBC và thủ tục luật sư đăng ký bào chữa.
Sự khác nhau giữa các thủ tục
Thủ tục người thân của bị can có đơn yêu cầu nhờ NBC (Điều 4) là sự cụ thể hóa quy định tại Điều 75 về lựa chọn NBC của BLTTHS.
Trong đó có một loại tài liệu là “đơn yêu cầu nhờ NBC” của người thân của bị can. Tài liệu này khác với “giấy yêu cầu luật sư” được quy định tại Điều 78 BLTTHS về thủ tục luật sư đăng ký bào chữa. Đây là hai loại tài liệu khác nhau về tên gọi.
Một điểm khác nữa, “đơn yêu cầu nhờ NBC” do người thân của người bị bắt, bị can trực tiếp gửi đến CQĐT, nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam. Còn “giấy yêu cầu luật sư” là một tài liệu trong bộ thủ tục do luật sư trực tiếp gửi đăng ký bào chữa tại CQĐT.
Một đằng thì chưa có sự hiện diện của luật sư, có thể lựa chọn NBC là luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện của người bị buộc tội. Còn một đằng xác định cụ thể NBC là luật sư và cũng chính là người gửi thủ tục đăng ký bào chữa.
Việc người thân của người bị bắt, bị can gửi “đơn yêu cầu nhờ NBC” không đưa đến kết quả là CQĐT ra thông báo chấp nhận hay từ chối luật sư bào chữa. Sau khi nhận đơn, CQĐT, nhà tạm giữ, trại tạm giam sẽ thông báo ngay cho người bị bắt, bị can để họ có ý kiến về việc nhờ NBC.
Nếu người bị bắt, bị can từ chối NBC thì CQĐT sẽ lập biên bản và trong thời hạn 12 giờ sẽ phải thông báo cho NBC mà người thân của người bị bắt, bị can đã nhờ.
Sau đó điều tra viên có trách nhiệm thống nhất về thời gian với NBC để trực tiếp gặp người bị bắt, bị can xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.
Điều tra viên và luật sư cần lưu ý
Đối với luật sư thì thủ tục đăng ký bào chữa thực hiện đúng theo quy định tại Điều 78 BLTTHS. Luật sư sẽ xuất trình thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và “giấy yêu cầu luật sư” của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, CQĐT phải kiểm tra, nếu thấy không thuộc trường hợp từ chối thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo NBC. Nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Điều đáng phải chú ý là đối với thủ tục luật sư đăng ký bào chữa, luật chỉ quy định CQĐT kiểm tra giấy tờ mà không quy định thủ tục hỏi ý kiến người đang bị giam. Việc hỏi ý kiến chỉ xảy ra với trường hợp người thân của người đang bị giam có đơn yêu cầu nhờ NBC gửi cho CQĐT hoặc trại giam chứ không áp dụng cho luật sư khi đăng ký thủ tục bào chữa.
Điều này là hợp lý vì BLTTHS quy định CQĐT trong thời hạn 24 giờ phải trả lời, nếu vào trại giam hỏi ý kiến bị can thì sẽ khó đảm bảo thời hạn này.
Việc kiểm tra giấy tờ cũng là phù hợp bởi luật sư là những người có danh vị tư pháp, được Nhà nước tín nhiệm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.
Bài đã đăng trên Báo Pháp luật TP HCM tại đây: https://plo.vn/phap-luat/3-loai-thu-tuc-ve-nguoi-bao-chua-877086.html