Tìm hiểu lịch sử thì thấy, khi người Pháp đô hộ Việt Nam họ quy định những người Pháp phạm tội sẽ được xét xử bởi những thẩm phán người Pháp, họ không chấp nhận bị xét xử bởi người Việt Nam.
Cũng tương tự như vậy, khi người Anh đô hộ Ấn Độ và Nam Phi họ cũng thiết lập những tòa án riêng để xét xử người Anh phạm tội ở những vùng thuộc địa đó.
Khi nước Nhật Bản ở thời kỳ bị các nước châu Âu o bế áp lực cũng bị chịu một quy định trong hiệp ước bất bình đẳng rằng người châu Âu phạm tội ở Nhật Bản sẽ không bị xét xử bởi tòa án Nhật.
Điều mà mãi về sau chính phủ Nhật Bản mới đàm phán bác bỏ đi được khi mà thế lực đất nước đã lớn mạnh lên.
Còn như ở các nước thuộc địa của Pháp và Anh thì chế độ xét riêng biệt được áp dụng mãi cho đến khi chế độ thuộc địa chấm dứt và các nước giành được độc lập.
Bản chất của việc này có hai lý do, thứ nhất là người ở những nước đô hộ tự cho mình là ở trình độ văn minh cao không muốn bị xét xử bởi những người thấp kém hơn.
Nhưng lý do thứ hai quan trọng không kém, xuất phát từ chính nhu cầu đạt được công lý, đó là người ta luôn mong muốn được xét xử bởi những người đồng đẳng với mình.
Xuất phát từ thực tế xa xưa, các quý tộc châu Âu không bao giờ mong muốn bị xét xử bởi những người không cùng thuộc hàng quý tộc với mình.
Vì hãy thử hình dung xem sẽ thế nào nếu một quý tộc bị xét xử bởi tòa án của những người nông nô?
Nguyên lý nền tảng về sự đồng đẳng đó hiện nay được thể chế hóa bằng mô hình xét xử theo bồi thẩm đoàn ở hệ thống theo thông luật Anh hoặc hội thẩm nhân dân ở hệ thống Châu Âu lục địa kiểu Pháp.
Theo đó người ta dành quyền phán xét cho những công dân bình thường giống như kẻ tội nhân, bằng cách đó sẽ đảm bảo nhận thức hiểu biết về khung khổ giá trị luân lý giữa hai bên là như nhau, có như thế kết quả mới tạo thành niềm tin công lý chung.
Bởi vì niềm tin công lý, dù sao cũng phụ thuộc vào trình độ nhận thức, nền tảng văn hóa, phạm trù đạo đức của mỗi khu vực địa lý và giai tầng.
Vậy thì điều đó có liên hệ gì với tòa án ở Việt Nam hiện nay?
Vụ việc chấn động
Mới đây dư luận xã hội đã chấn động khi ông Lương Hữu Phước sau khi bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án 3 năm tù đã tự sát ngay tại trụ sở tòa án.
Trước khi nhảy lầu chết ông Phước đã viết lại lời trăng trối trên facebook rằng nếu cái chết của ông có thể giúp thức tỉnh nền tư pháp của tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ.
Nhưng dù ông Phước chấp nhận dùng cái chết để chứng tỏ mình vô tội thì các cán bộ tòa án họp báo sau đó vẫn nói rằng họ xét xử không sai.
Đằng sau sự việc này là tồn tại sự không thấu hiểu chia sẻ niềm tin giá trị với nhau, ông Phước đã không được xét bởi những người đồng đẳng với mình.
Ông không hiểu đươc vì sao khi mình đang đi cùng bạn thì bị người khác va chạm gây tai nạn giao thông, bạn mình chết còn mình phải đi tù?
Niềm tin giá trị của ông đã không được thấu hiểu chia sẻ.
Nguyên nhân vì đâu?
Hiện nay khi xét xử phiên tòa sơ thẩm có hội đồng gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân, phiên phúc thẩm gồm có 3 thẩm phán.
Hội thẩm nhân dân là những cán bộ các ban ngành hay hội đoàn được bầu chọn bởi Hội đồng nhân dân theo một danh sách giới hạn và nhiệm kỳ 5 năm.
Về danh nghĩa hội thẩm độc lập bình đẳng với thẩm phán, nhưng do số lượng ít và tham gia công tác xét xử thường xuyên cho nên hội thẩm thành ra chịu sự ảnh hưởng chi phối bởi quan điểm của thẩm phán.
Với cách tổ chức cơ cấu nhân sự như thế thì người xét xử được xem là thuộc về phía nhà nước và ở một địa vị khác cao hơn bị cáo.
Trong khi ở Mỹ bồi thẩm đoàn xét xử gồm 12 công dân bình thường được chỉ định ngẫu nhiên tham gia xét xử, xong việc là ra về.
Còn ở Nhật Bản nước cũng áp dụng theo mô hình xét xử thẩm vấn gần gũi với Việt Nam thì Hội đồng xét xử của họ có tới 3 thẩm phán và 6 hội thẩm nhân dân, tổng cộng là 9 người.
Hội thẩm ở Nhật cũng là những công dân bình thường được chỉ định ngẫu nhiên luân phiên trong dân chúng.
Bằng cách để số đông các công dân bình thường tham gia vào công tác xét xử sẽ giúp tạo ra sự thấu hiểu giữa bị cáo và những người phán xét, đảm bảo mặt bằng chung nhận thức về lẽ công bằng cũng như sự đúng sai, giá trị luân lý tương đồng thì mới tạo lập được niềm tin công lý.
Xung động tư pháp
Trước khi xảy ra vụ ông Lương Hữu Phước dư luận xã hội Việt Nam cũng rung động với vụ án của tử tù Hồ Duy Hải.
Hai vụ việc tư pháp liên tiếp nhau gây chấn động cho thấy vấn đề tư pháp hiện đang là xung động lớn lẩn khuất dưới bề mặt đời sống xã hội.
Người có năng lực lãnh đạo lớn là người có thể nhìn ra được các quy luật vận động đời sống xã hội, nhìn ra được các xung động chính ẩn tàng dưới lớp bề mặt đang chi phối định hình đời sống xã hội, đó là các dòng chảy chủ lưu, dòng chảy chính trong sự vận động hỗn mang bề bộn các vấn đề.
Nền tư pháp hiện nay đang tồn tại những xung động xấu, dòng chảy tư pháp đang bị mắc nghẽn, những bất cập của tư pháp đang gây hệ lụy ảnh hưởng rộng khắp.
Không phải tự dưng mà nhiều sự vụ tư pháp liên tiếp trở thành tâm điểm chính của đời sống chính trị quốc gia, chiếm thời lượng lớn của các chương trình nghị sự.
Sự xuất hiện các sự vụ tư pháp lớn cho thấy mức độ phổ biến của vấn đề và bộc lộ mối quan tâm rộng lớn của người dân về công lý xã hội.
Lý do đằng sau là gì?
Nói ra thì dài nhưng mọi người có thể hình dung là ở các nước theo thể chế tam quyền phân lập thì quyền tư pháp được bố trí cân xứng với lập pháp và hành pháp, trở thành một trong ba trụ cột quốc gia.
Nền tư pháp theo đó đảm đương một phần khối lượng công việc rất lớn trong quản trị quốc gia và ảnh hưởng lớn tới khả năng mưu cầu hạnh phúc của người dân.
Nhưng ở VN lâu nay quyền tư pháp bị yếu, trong khi khối lượng công việc cần giải quyết bởi tư pháp và nhu cầu cảm thức công lý của người dân trong xã hội vẫn thế, không ít hơn ở các nước khác.
Thành ra ở VN nhiều việc vốn là của tư pháp lại không do tư pháp xử lý, hoặc do những bất cập trong tổ chức, hoặc do thiếu sự đầu tư hay trao quyền, khiến cho tư pháp không đủ năng lực đảm đương kiến tạo công lý, mà rồi lâu dần theo thời gian ùn ứ lại một mối nợ rất lớn về thiếu vắng cảm thức công lý.
Sự hiển lộ của công lý sẽ giúp ổn cố trật tự lương tâm xã hội, khi người dân không cảm thụ được công lý thì sẽ nhiều hệ lụy, rõ nhất là thiếu sự an toàn và đời sống xã hội sẽ kém an lành hạnh phúc thịnh vượng.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Thấy gì qua vụ ông Lương Hữu Phước tự sát ở tòa án’