Hôm 8/2/2018 tôi viết bài ‘VN: Quốc hội mất nhiều quyền vào tay Chính phủ’ xuất phát từ thông tin về dự án nghĩa trang nghìn tỷ đang được dự kiến xây dựng ở Hà Nội, dự án đã được chính phủ nhiệm kỳ trước cấp phép.
Bài viết đã chỉ ra rằng Chính phủ Việt Nam là Chính phủ nắm nhiều quyền hành rộng rãi nhất so với chính phủ các nước trên thế giới trong việc chi tiêu ngân sách quốc gia.
Tôi thấy rằng ở các nước khác việc quyết định chi tiêu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Ở Việt Nam Hiến pháp cũng không hề có một nội dung nào có thể diễn giải theo nghĩa cho Chính phủ được tự quyết định chi tiêu ngân sách. Nhưng thực tế lại khác, Chính phủ vẫn quyết định những dự án chi tiêu ngân sách như dự án nghĩa trang nghìn tỷ.
Bài viết cũng chỉ ra thẩm quyền của Chính phủ trong Hiến pháp và trong luật hoàn toàn khác nhau. Luật tổ chức Chính phủ đã đã trao quyền rộng rãi cho Chính phủ trong việc quản lý điều hành nền kinh tế, khiến Chính phủ vượt thoát ra khỏi vai trò chấp hành Quốc hội trong hoạt động quản lý kinh tế và chi tiêu ngân sách.
Viện dẫn Luật đầu tư tôi chỉ ra cho thấy luật cho phép Chính phủ nắm nhiều quyền hơn hẳn so với Quốc hội, trong đó Chính phủ được quyết định chi tiêu ngân sách đối với các dự án dưới 10.000 tỷ đồng.
Bài viết dựa trên các dữ kiện thực tế, dựa vào các văn bản pháp luật quy định rõ ràng, từ đó đưa ra những luận giải chặt chẽ.
Bài viết đã đưa ra một lý giải theo góc độ pháp lý về bất cập thể chế trong hiện tại và khơi gợi ra cho các ban ngành hình dung về những việc cần làm để tạo lập một khung khổ thể chế hợp lý cần có.
Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Sau đó 20 ngày, đến hôm 1/3/2018 vào dịp kết thúc tết Âm lịch vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã có một bài viết về tình hình kinh tế vĩ mô được các báo đưa tin. Tôi quan tâm đến sự kiện này, và suy nghĩ thì thấy bài viết của Thủ tướng Phúc không nhân một dịp nào cả.
Sau kỳ nghỉ tết Âm lịch tương ứng với một ngày đầu tháng ba cũng không phù hợp để đưa ra một bài về phương hướng chính sách trong năm của Chính phủ.
Đọc kỹ bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì thấy nội dung căn bản là vấn đề giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Bài viết luận giải vì sao chính phủ phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như các hoạt động đã và đang thực hiện là gì.
Xét về bản chất thì việc ‘giữ ổn định kinh tế vĩ mô’ thực chất chính là cho phép và trao quyền cho chính phủ được can thiệp vào kinh tế thị trường, quản lý kinh tế vĩ mô chính là tác động vào nền kinh tế bằng các chính sách tài chính tiền tệ, dự án đầu tư phát triển…
Tôi nhận ra bài viết của Thủ tướng Phúc mang nội dung phản biện lại ý kiến trong bài ‘VN, Quốc hội mất nhiều quyền vào tay Chính phủ’.
Lâu nay thường khi các ban ngành nhà nước không hồi đáp các ý kiến từ xã hội dân sự hoặc không muốn bị xem là yếu thế, cho nên nhiều khi người dân cứ phải suy đoán về mục đích ý nghĩa trong các việc làm của Chính phủ.
Nhưng khi đứng trước một ý kiến xác đáng có ảnh hưởng rộng thì Chính phủ đã chẳng thể lặng im. Nếu như bài viết của tôi đặt ra cho người đọc nghi hoặc về tính chính đáng trong thẩm quyền của Chính phủ đối với nền kinh tế, thì bài viết của Thủ tướng lý giải vì sao Chính phủ lại nắm nhiều quyền trong lĩnh vực kinh tế.
Bài viết hướng đến Quốc hội và cung cấp cho những ai quan tâm một sự hồi đáp giải tỏa về nhận thức. Ngay đầu bài viết Thủ tướng cho rằng ‘Trong phát triển kinh tế thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô có ý nghĩa vai trò quan trọng trên nhiều phương diện, đặc biệt là mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế.’
Trông ra thế giới, Thủ tướng cho biết ‘Nhìn lại lịch sử kinh tế thế giới trong những thập kỷ vừa qua, chúng ta thấy hầu hết các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững đều gắn liền với việc thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, như Nhật Bản từ những năm 1950, Hàn Quốc và những con hổ châu Á từ những năm 1960, Trung Quốc từ cuối những năm 1970, đầu những năm 1980.’
Đối với trong nước Thủ tướng cho biết ‘Trong suốt hơn 3 thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới và hội nhập của Đảng, ổn định kinh tế vĩ mô luôn là mục tiêu xuyên suốt, được ưu tiên hàng đầu và là một trong những yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với Nhà nước trong quản lý, điều hành nền kinh tế.’
Sau khi lý giải vì sao phải ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Phúc cũng không quên nêu ra ‘cơ sở pháp lý’ cho thẩm quyền của mình, đó là:
‘Ổn định kinh tế vĩ mô được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và ưu tiên để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết 01 của Chính phủ.’
Thủ tướng Phúc nêu ra một số vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới như thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bảo đảm kỷ luật tài chính ngân sách nhà nước, giải quyết hiệu quả bài toán phân bổ hợp lý nguồn lực trên phạm vi cả nước…
Đối với những ai nôn nóng trước tình trạng kinh tế phát triển tăng trưởng chậm, Thủ tướng cảnh báo ‘Kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành.’
Tín hiệu lắng nghe
Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy một tín hiệu lắng nghe của Chính phủ đối với các ý kiến từ xã hội dân sự. Và nó cung cấp một kinh nghiệm thú vị về một dạng thức phản hồi từ phía chính quyền.
Sự việc này là một kiểm nghiệm cho thấy không phải là chính quyền luôn im lặng trước các kiến nghị của xã hội dân sự. Mặc dù ý kiến từ phía người dân nhiều khi không đồng ý với quan điểm của Chính phủ, nhưng sự tương tác qua lại giúp cho các chính sách được sáng tỏ.
Những ý kiến xác đáng từ phía xã hội dân sự đã khiến nảy sinh tư duy trong đầu óc của các cán bộ ban ngành và đưa đến một nhu cầu giải đáp các khúc mắc tồn tại trong tâm tưởng con người ta.
Điều đó khiến việc phản hồi không chỉ đáp ứng cái mong muốn hồi đáp từ phía người đưa ra ý kiến, mà nó còn có tác dụng giải tỏa nhận thức và ổn cố tâm lý cho chính người trong bộ máy.
Bài báo ‘Quốc hội mất nhiều quyền vào tay Chính phủ’
Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Đây