Ban chấp hành Trung ương vừa họp thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Theo sự phân công nhiệm vụ hiện nay thì Chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm cương vị Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Do vậy nhiều vấn đề bất cập của nền tư pháp sẽ đặt ra trách nhiệm cho tân Chủ tịch nước.
Nhưng là một giáo sư chuyên ngành về xây dựng Đảng, liệu nhãn quan nhìn nhận về nền tư pháp của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thế nào?
Tôi xin đưa ra vài gợi ý cần tiếp tục cải cách đối với nền tư pháp.
Lỗi hẹn cải cách
Năm 2005 Bộ Chính trị Đảng cộng sản ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tính đến nay đã 13 năm thực hiện và chỉ còn hai năm nữa là cán mốc cuối cùng, nhưng thực tế nhiều mục tiêu đã không được thực hiện.
Một trong các mục tiêu lỗi hẹn là việc chuyển giao công tác thi hành án sang cho Bộ tư pháp. Trong Nghị quyết 49 đã xác định nhiệm vụ “Chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”.
Nghị quyết 49 cũng đã nêu rõ mốc giới hạn đến năm 2010 là chuẩn bị các điều kiện để thực hiện việc chuyển giao.
Trên thực tế không biết công cuộc chuẩn bị thế nào mà đến nay đã là năm 2018 việc chuyển giao vẫn không được thực hiện. Các trại giam giữ vẫn do Bộ Công an nắm giữ.
Đó là một điểm lỗi hẹn trong chính sách mục tiêu về cải cách tư pháp.
Một mục tiêu khác cũng bị lỗi hẹn là về vấn đề “Hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam”.
Thực tế chẳng có tiến bộ nào trong việc thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc bắt tạm giam.
Quy định về bắt tạm giam của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về cơ bản được giữ nguyên từ Bộ luật tố tụng hình năm 2003, đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc bắt tạm giam không có gì thay đổi, tuy rằng câu chữ có một vài điểm khác.
Theo đó những người có thẩm quyền bắt tạm giam hiện nay bao gồm:
- a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;
- b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
- c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
Sự rộng mở các đối tượng có thẩm quyền bắt giam giữ tạo ra nguy cơ rủi ro cao cho các quyền công dân, và khiến cho nền tư pháp hình sự trở thành môi trường không gian kém dân chủ.
Từ năm 2005 Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu “thu hẹp đối tượng người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp tạm giam” là một nội dung rất tiến bộ.
Nhưng vấn đề là nếu cơ quan lãnh đạo cao nhất đã nhìn ra sự bất ổn của việc trao quyền rộng rãi trong việc bắt giữ thì điều gì đã khiến nó không được thực hiện?
Phải chăng quyền bắt giam giữ là một thứ quyền lực quá lớn khiến người nắm quyền không chịu buông?
Trong tương lai vấn đề này sẽ đặt ra với Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tinh thần Nghị quyết 49 sẽ vẫn cần được tiếp tục thực hiện và tôi cho rằng cần cắt bỏ thẩm quyền bắt giam giữ của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.
Khi đó thẩm quyền bắt giam giữa chỉ thuộc về duy nhất chủ thể Tòa án, phù hợp với thông lệ chung của nền tư pháp các nước trên thế giới.
Cụ thể như Nhật Bản và Hàn Quốc đều quy định trong mọi trường hợp việc bắt giam giữ, khám xét và thu giữ đồ vật đều phải có lệnh của Tòa án.
Thực thi yếu kém và cản trở luật sư
Nhiều nội dung mục tiêu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 đã bị lỗi hẹn so với cột mốc đến năm 2020.
Nhưng sự yếu kém không chỉ xảy ra trong việc thực thi một Nghị quyết của Bộ chính trị mà nó còn xảy ra với chính những quy định pháp luật đã được ban hành có hiệu lực.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có một số quy định tiến bộ trong việc đảm bảo quyền con người như Quyền im lặng, Ghi âm ghi hình khi hỏi cung, vai trò lớn hơn của Luật sư bào chữa.
Nhưng thực tế thì thấy các quy định này được thực thi yếu kém. Các bị can vẫn phải khai báo mà chẳng được im lặng, cán bộ tư pháp chẳng chịu giải thích cặn kẽ dễ hiểu cho bị can về quyền trình bày lời khai và cách thức thực hiện.
Người có động lực nhất trong việc bênh vực quyền lợi cho những người bị bắt giữ là Luật sư thì lại cũng chưa tự giúp được mình khi đang phải chịu những rào cản chướng ngại bởi chính các cơ quan tư pháp.
Mang danh là hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự mới, Các cơ quan gồm Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã cùng nhau ban hành một thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT quy định về phối hợp giữa cơ sở giam giữ và cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo những câu chữ lắt léo trong văn bản này thì tóm lại luật sư lại bị cản trở trong việc gặp người đang bị giam giữ.
Thực tế là như vậy, và Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thấu hiểu cho nỗi niềm hành nghề nhiều o ép của giới luật sư?
Nhưng vẫn hy vọng
Tựu chung lại sự lạm quyền và thuộc tính chuyên chế vẫn còn nặng nề trong lối làm việc của ngành tư pháp.
Tính chất nhân đạo và tinh thần khoan dung tuy rằng đã được nhấn nhá trong luật nhưng lại bị loại bỏ trong khâu thi hành.
Với những vấn đề đã được cải cách và cả những vấn đề đã được đặt ra nhưng chưa cải cách, tựu chung lại cũng chỉ nhằm san sẻ căn chỉnh lại việc nắm giữ thực thi các quyền tư pháp sao cho hợp lý, khoa học và nhân bản hơn mà thôi.
Nhưng lợi ích của nhà nước và xã hội đã không vượt qua được những vị kỷ lợi quyền hẹp hòi của một số bộ ngành đầy quyền lực.
Tới nay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu làm Chủ tịch nước và đảm nhiệm cương vị Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Những quan điểm của ông về chống tham nhũng và sắp xếp tổ chức lại ngành công an tạo ra hy vọng cho những tiến bộ về cải cách tư pháp sẽ được thực hiện.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google Search ‘Tân Chủ tịch nước có thấu hiểu nỗi lòng luật sư?’