Cựu Tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun Hye mới bị Tòa án ra lệnh bắt giam để phục vụ điều tra. Báo chí Việt Nam đưa tin rộng rãi về sự kiện này.
Là một luật sư hình sự hành nghề tại Việt Nam khi theo dõi thông tin về sự việc, tôi thấy được nhiều vấn đề pháp lý quan trọng.
Theo nội dung các bài báo trên các báo như Tuổi Trẻ, Người Lao động, VnExpress, VietnamNet… đều có thông tin bà Park được gặp người thân mỗi ngày một lần và được gặp luật sư không giới hạn thời gian làm việc.
Bản thân tôi rất cảm kích trước quy định pháp lý tiến bộ, tôn trọng quyền của người bị giam giữ như vậy, cho thấy pháp luật của Hàn Quốc rất nhân văn và đề cao bảo vệ nhân quyền.
Sự việc này cung cấp một thông tin tham chiếu rất tốt về một vấn đề vốn gây bức xúc trong nền tư pháp hình sự lâu nay, đó là vấn đề người bị giam giữ gặp người thân và luật sư.
Chúng ta biết rằng việc bắt giam giữ để phục vụ điều tra luôn khiến người ta bị khủng hoảng tinh thần thể xác. Ngoài những nỗi lo sợ vì bị giam giữ và viễn cảnh tù tội, người bị giam giữ đặc biệt bị khủng hoảng do hụt hẫng thay đổi môi trường sống và các mối quan hệ thân thuộc.
Người bị giam giữ theo đó luôn có mong mỏi được gặp mặt người thân và luật sư, đó là một điều tất yếu đương nhiên xét về góc độ tình cảm lý trí con người. Và mọi hệ thống pháp luật nếu không quá tàn bạo thì đều phải có quy định đáp ứng nguyện vọng chính đáng đó.
Luật pháp Hàn Quốc thông qua vụ việc bà Park Geun Hye đã cho thế giới thấy quy định pháp luật có tính văn minh nhân bản.
Còn ở Việt Nam từ lâu nay người bị giam giữ có quyền nhưng luôn bị gặp khó khăn trong việc gặp gỡ người thân và luật sư.
Văn bản năm 1998
Văn bản pháp luật đang có hiệu lực điều chỉnh vấn đề này là Nghị định 89/1998/NĐ-CP của chính phủ ban hành quy chế về tạm giữ tạm giam. Theo văn bản này thì người bị giam giữ có thể được gặp thân nhân, luật sư do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Giám thị Trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp.
Đây là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất tính đến thời điểm này quy định về việc thăm gặp. Tuy vậy việc gặp chỉ là ‘có thể’ do cơ quan thụ lý vụ án quyết định mà không được ấn định rõ ràng.
Vì sự mơ hồ ‘có thể’ cho nên trên thực tế người bị giam giữ rất khó được gặp người thân như cha mẹ, vợ chồng, con cái. Thực tế trong hầu hết các vụ án ở giai đoạn điều tra thường kéo dài nhiều tháng có khi tới cả năm, thì người bị giam không được gặp người thân.
Đối với những vụ án xâm phạm an ninh quốc gia như trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài hay Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt giam thì có khi cả năm trời cũng không được gặp người thân.
Còn sau khi kết thúc điều tra thì việc thăm gặp tùy thuộc vào sự cho phép của bên điều tra và trại giam, sự cho phép không tránh khỏi tùy tiện vì pháp luật không ấn định rõ ràng.
Về việc gặp luật sư thì đỡ tệ hơn nhưng vẫn đầy nhiêu khê. Bằng nhiều văn bản khác nhau không do Quốc hội ban hành, thì trong giai đoạn điều tra luật sư chỉ được gặp bị can khi có sự tham gia cùng của nhân viên điều tra, mà không được gặp riêng.
Còn khi đã kết thúc điều tra rồi thì luật sư được gặp, nhưng theo quy định tại Nghị định 89 nêu trên thì thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ đồng hồ.
Đây là quy định bất cập gây nhiều khó khăn cho luật sư bào chữa lâu nay. Vì nhiều vụ án lớn phức tạp luật sư cần nhiều thời gian để trao đổi làm việc, hoặc luật sư phải mất công đi rất xa mới đến được nơi gặp, khi đó quy định thời gian gặp không quá một giờ mỗi lần rõ ràng là một cản trở cho hoạt động bào chữa.
Đó là chưa kể đến tình trạng luật sư bị từ chối cho gặp với đủ mọi lý do. Ví như mới trước đây khi tôi tham gia bào chữa cho tử tù Hàn Đức Long, người bị đi tù oan 11 năm và chịu 4 án tử hình, mới được trả tự do hồi tháng 12/2016. Khi ông Long bị giam giữ tại trại giam T16 của Bộ công an tôi vào thăm gặp, nhưng đã bị từ chối với lý do vụ án phức tạp được chỉ đạo không cho gặp.
Nhân viên trại giam đã xua đuổi tôi về, và đó đối với vụ án kêu oan suốt 11 năm với tính chất đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận quan tâm, mà còn bị đối xử như thế.
Luật giam giữ 2015
Năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật thi hành tạm giữ tạm giam thay thế cho nghị định của chính phủ trước kia. Văn bản này đã cải thiện quyền được thăm gặp của người bị giam giữ nhưng vẫn còn kém xa quy định của Hàn Quốc.
Theo đó người bị giam được gặp người thân mỗi tháng một lần, quy định này đã ấn định rõ ràng hơn so với nghị định 89 khi không quy định rõ ràng việc gặp người thân.
Nhưng so với pháp luật của Hàn Quốc bà Park được gặp người thân mỗi ngày thì rõ ràng dân quyền ở Việt Nam còn kém xa. Người Việt Nam chỉ được gặp người thân bị giam giữ mỗi tháng một lần, trong khi người Hàn Quốc được gặp hàng ngày.
Còn về việc gặp luật sư bào chữa thì Luật mới không còn nội dung giới hạn thời gian gặp mỗi lần không quá một giờ đồng hồ. Vấn đề thời gian gặp được để ngỏ nhưng rất có thể sẽ lại quy định cụ thể ở các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư mà rồi quyền gặp của luật sư cũng có nguy cơ bị bó hẹp hạn chế.
Tới nay Luật thi hành tạm giữ tạm giam đang bị hoãn thi hành do Bộ luật hình sự năm 2015 bị phát hiện có nhiều lỗi sai phạm cho nên hoãn thi hành kéo theo nhiều văn bản pháp luật về hình sự cũng bị hoãn.
Điều đó khiến cho những bất cập trong việc giam giữ vẫn tồn tại cho đến nay mà chưa được giải quyết.
50 luật sư kiến nghị
Nắm được quy định pháp lý tiến bộ của Hàn Quốc qua các bài báo về vụ bà Park Geun Hye, tôi nảy sinh ý tưởng viết một văn bản kiến nghị đòi hỏi quyền cho người bị giam giữ được gặp luật sư không bị hạn chế thời gian.
Vấn đề này liên quan trực tiếp đến môi trường hành nghề của bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp cho nên đã có 50 luật sư đồng ý tham gia kiến nghị.
Theo đó chúng tôi đề nghị các ban ngành tư pháp ở Việt Nam đưa ra văn bản hướng dẫn chỉ đạo, quy định cho phép luật sư bào chữa được gặp người bị giam giữ không giới hạn về thời gian làm việc trong ngày.
Chúng tôi hy vọng qua một sự kiện pháp lý bên Hàn Quốc được đông đảo mọi người quan tâm, chúng tôi xới xáo vấn đề lên để mọi người cùng thấy được quy định bất cập của pháp luật Việt Nam. Từ đó hối thúc sửa đổi, kiến tạo môi trường pháp lý an toàn, bảo vệ các quyền hợp pháp chính đáng của người dân.
Qua đó giúp hệ thống pháp luật Việt Nam tiến bộ tiệm cận với chuẩn mực tư pháp các nước trên thế giới, tránh tình trạng quy định bất cập vô lý, coi thường quyền của người bị giam giữ, coi thường quyền của luật sư như lâu nay.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘So sánh dân quyền Việt Nam và Hàn Quốc’