Quyền miễn trừ của đại biểu quốc hội

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 đang trong quá trình rà soát sửa đổi. Quốc hội Việt Nam chưa cho thấy tầm mức hoạt động thực sự được như là cơ quan quyền lực cao nhất nước. Sự việc liên quan đến đại biểu quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến gợi ra nhiều ưu tư và có thể được xem như là một đợt học tập sâu rộng.

Trong khung cảnh đó người viết xin chia sẻ một số ý kiến quan điểm về tổ chức hoạt động của Quốc hội và Đại biểu quốc hội. Từ vụ việc cụ thể của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến đối chiếu sang vị thế của Quốc hội hiện nay và nêu lên những nội dung cần quan tâm trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này.

Vấn đề nêu ra chắc chắn cần thêm trao đổi, thời gian để đi đến thống nhất thực hiện, tuy nhiên chiều hướng phát triển không thể nào khác được và chúng ta hãy cùng hy vọng những thay đổi tích cực về sau.

Đại biểu quốc hội không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân

Đứng ở phương diện chính quyền và xét một cách tổng quát thì thấy rằng: Trong điều kiện nguồn lực quốc gia là hữu hạn thì tại mọi thời điểm sẽ luôn phải lựa chọn để giải quyết trước những vấn đề được đánh giá là đáng quan tâm hơn các vấn đề khác.

Khi nguồn lực quốc gia được tập trung dành giải quyết cho vấn đề được đánh giá là quan trọng hơn, khi đó sẽ có nhóm người hưởng lợi từ vấn đề được giải quyết. Đồng thời với đó, các vấn đề khác bị cho là ít quan trọng hơn sẽ bị bỏ lại và có nhóm bị thiệt thòi.

Do vậy mà ở mọi thời điểm, trong xã hội luôn luôn tồn tại những nhóm người có quyền lợi không đồng nhất hoặc đối lập nhau.

Khi quyền lợi của toàn dân là không đồng nhất thì không thể nào có việc một cá nhân hoặc tổ chức đứng ra đại diện cho quyền lợi của toàn dân. Bởi lẽ đó đại biểu quốc hội chỉ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri bầu ra mình, mà không thể đại diện cho quyền lợi của toàn thể nhân dân.

Hiến pháp Việt Nam năm 1992 tại Điều 97 quy định như sau: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.

Ý chí, nguyện vọng của nhân dân phản ánh mối quyền lợi mà nhân dân đeo đuổi, khi quyền lợi của từng nhóm nhân dân là khác nhau thì một đại biểu không thể đại diện cho tất cả. Một người không thể đại diện bảo vệ quyền lợi cho hai người có quyền lợi đối lập nhau. Điều 9 Luật luật sư quy định nghiêm cấm luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau. Suy rộng ra thì đại biểu quốc hội cũng như thế.

Hiến pháp đang sửa đổi, cần bỏ đi nội dung đại biểu quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Có như thế thì mới phản ánh rõ bản chất thực sự, vai trò thực sự của người đại biểu là đại diện bảo vệ cho quyền lợi cho nhóm cử tri, những người có chung quyền lợi. Quy định như hiện tại xem qua có vẻ vô hại nhưng thực ra đã làm xóa nhòa đi tầm mức trách nhiệm của đại biểu, xóa nhòa đi tương quan trách nhiệm giữa đại biểu được bầu với những người đã bầu đại biểu. Quy định như hiện tại sẽ khiến cho đại biểu phân tâm, không tập trung bảo vệ cho quyền lợi cử tri bầu ra mình. Quy định như hiện tại sẽ là cơ sở cho những bao biện khi đại biểu không làm tốt công việc bảo vệ quyền lợi cho cử tri.

Được như vậy thì đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến chỉ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tỉnh Long An nơi bà được trúng cử, bà Yến không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi khác. Ngược lại đại biểu của nơi khác chỉ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi họ trúng cử, mà không đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tỉnh Long An.

Ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi này có thể không đồng nhất với ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi khác – mặc dù tất cả đều chính đáng như nhau. Do vậy ta không được đem ý chí, nguyện vọng của cử tri nơi này để áp đặt, ép buộc, phủ quyết, thay thế cho ý chí, nguyện vọng cử tri nơi kia.

Từ đó thấy rằng sẽ là không hợp lý khi các đại biểu quốc hội nơi khác phủ quyết quyền chọn người đại diện của cử tri tỉnh Long An. Nếu điều đó xảy ra thì đồng nghĩa với việc ý chí, nguyện vọng của cử tri tỉnh Long An bị xâm phạm.

 Quyền miễn trừ của đại biểu quốc hội

Xét tổng quát toàn xã hội thì thấy rằng: Các tổ chức hiệp hội luôn luôn được lập ra bởi những người có chung mục tiêu quyền lợi và định hướng thành lập tổ chức luôn luôn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho chính các thành viên.

Quốc hội là tổ chức đặc biệt, Quốc hội là tổ chức duy nhất được thành lập bởi những thành viên không có quyền lợi thống nhất chung. Quốc hội là tổ chức duy nhất là nơi tập hợp của nhiều quyền lợi khác biệt. Cách thức làm việc của Quốc hội là biểu quyết theo đa số, do chính bởi nhận thức rằng sẽ không có được sự thống nhất trong toàn bộ các đại biểu về tất cả các vấn đề.

Đại biểu quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri bầu ra mình, do vậy toàn bộ hoạt động của đại biểu quốc hội là nhằm bảo vệ quyền lợi của cử tri. Và khi quyền lợi của cử tri là không đồng nhất thì có nghĩa rằng hoạt động của đại biểu quốc hội thực chất là hoạt động đấu tranh giành quyền lợi. Môi trường đấu tranh là hoạt động thảo luận các văn bản chính sách, phương tiện đấu tranh là biểu quyết thông qua các văn bản chính sách.

Để bảo vệ đại biểu của mình khỏi sự xâm hại trước quy kết của các quyền lợi đối lập, và để tạo động cơ thúc đẩy đại biểu yên tâm làm tốt hoạt động của mình, các cử tri quyết định rằng cần có chế định về quyền miễn trừ trách nhiệm.

Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức quốc hội Việt Nam không sử dụng thuật ngữ “quyền miễn trừ”, không gọi tên “quyền miễn trừ”, nhưng tại Điều 99 Hiến pháp năm 1992 và Điều 58 Luật tổ chức quốc hội, có quy định nội dung mang ý nghĩa miễn trừ trách nhiệm cho đại biểu trong một số trường hợp đặc biệt. Lần sửa đổi Hiến pháp tới đây nên đưa vào gọi tên “quyền miễn trừ” và mở rộng phạm vi nội dung quyền miễn trừ cho đại biểu quốc hội.

Nội dung căn bản của quyền miễn trừ là đại biểu sẽ không bị xử lý phán xét đối với các sai phạm khi đang đương nhiệm. Thông thường khi đứng trước tầm mức quan trọng của vấn đề cần giải quyết, đối diện với nhiều mũi tiến công, viễn cảnh trách nhiệm nặng nề trước cử tri, đại biểu e ngại rủi do, nếu có thể được thì họ sẽ lựa chọn là không làm gì cả. Quyền miễn trừ áp dụng cho tất cả hành vi trước và trong thời gian đương nhiệm, sẽ giúp đại biểu yên tâm làm việc.

Chúng ta có cơ sở để yên tâm rằng đại biểu sẽ không lợi dụng quyền miễn trừ để làm điều vi phạm. Hàng triệu con người có thể nào sai lầm trong việc chọn ra người đại diện tốt nhất cho mình? Bản chất con người là không toàn thiện và việc phán xét đúng sai đối với một người luôn luôn bị ảnh hưởng bởi thiên kiến và quyền lợi của người khác. Nếu không được bảo vệ khỏi những cáo buộc thì nguyên việc dành thời gian để giải quyết vấn đề đó, đại biểu đã chẳng còn thời gian để làm những việc khác.

Hàng triệu con người đã lựa chọn một người tốt, dù cho người đó có khiếm khuyết trong con mắt của một vài người khác, nhân dân chẳng cần quan tâm.

Tại sao một đại biểu được hàng triệu cử tri tín nhiệm bầu ra lại bị vài trăm con người, khác biệt hoàn toàn về thiên kiến và quyền lợi bãi nhiệm? Như thế thì vai trò quyết định của các cử tri bầu ra đại biểu đó bị bỏ đi đâu? Ý chí, nguyện vọng của họ bị bỏ đi đâu? Luận đề về quyền lực thuộc về nhân dân là ở chỗ nào?

Lần sửa đổi Hiến pháp tới đây cần quy định quyền miễn trừ đối với đại biểu quốc hội trong tất cả mọi vấn đề. Nếu có sai phạm thì để sau khi đại biểu hết nhiệm kỳ mới xử lý, như thế sẽ tạo điều kiện để đại biểu yên tâm làm việc. Chỉ trong trường hợp phạm tội quả tang, có chứng cứ rõ ràng, sau khi được Chủ tịch quốc hội đồng ý mới được thực hiện các bước xử lý đại biểu theo luật định.

Có như thế mới tăng vị thế và quyền lực cho các đại biểu quốc hội và giúp cho quốc hội hoạt động thực chất hiệu quả hơn. Quốc hội cần trở thành đúng là một cơ quan quyền lực cao nhất nước, đó là vấn đề trọng yếu mà tương lai tất phải hoàn thành.

Đại biểu chuyên trách

Đối với mỗi nhóm dân chúng thì các vấn đề của họ luôn luôn là cấp thiết, quan trọng và cần phải giải quyết ngay. Ví dụ: Yêu cầu về cải thiện tình trạng quá tải ở bệnh viện. Yêu cầu về xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị học tập cho học sinh vùng núi. Yêu cầu về cải thiện hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Yêu cầu về mua sắm trang thiết bị cho ngư dân đánh bắt cá ngoài biển để giữ gìn chủ quyền biển đảo. Yêu cầu về giữ đất nông nghiệp trồng cấy cho nông dân. Yêu cầu tăng lương cho công chức. Yêu cầu sửa đổi những quy định bó hẹp cản trở, mở rộng phạm vi quyền hạn hoạt động cho giới Luật sư…

Tất cả các yêu cầu đều chính đáng và dân chúng muốn đại biểu dành hết tâm sức vào để đấu tranh cho vấn đề của họ. Các đại biểu có trách nhiệm nêu lên tính chất cấp thiết quan trọng của vấn đề, khiến cho chính quyền dành mối quan tâm đầu tiên giải quyết cho vấn đề của họ. Khi đại biểu lại là người giữ cương vị chính quyền thì thời gian và tâm sức bị phân tán. Tâm tư nguyện vọng của cử tri sẽ không được lắng nghe, phản ánh và bị bỏ mặc.

Thêm nữa, người giữ cương vị chính quyền phải hoạt động không vụ lợi. Người giữ cương vị chính quyền hoạt động công vụ phải tuân theo chính sách và luật pháp, không được để cho các mối quyền lợi thúc đẩy. Người giữ cương vị chính quyền chỉ có một động cơ thúc đẩy duy nhất đó là mục tiêu hoàn thành công vụ. Trong khi đó toàn bộ hoạt động của đại biểu quốc hội là hoạt động đấu tranh giành quyền lợi cho cử tri.

Như thế sẽ là mâu thuẫn nội tại khi một đại biểu quốc hội giữ cương vị chính quyền.

Mặt khác đại biểu quốc hội còn có chức năng giám sát việc thực thi chính sách pháp luật, trường hợp đại biểu giữ thêm cương vị chính quyền (tức là người thực thi chính sách pháp luật) thì sẽ là mình giám sát mình. Tệ tham nhũng đang là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay.

Do vậy trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này cần quan tâm cốt yếu tới vấn đề đại biểu chuyên trách, đại biểu kiêm nhiệm. Chiều hướng xây dựng tổ chức quốc hội, vấn đề trọng yếu nhất là xây dựng đội ngũ đại biểu chuyên trách. Nếu không phải là tất cả thì phải là đa số các đại biểu phải chuyên trách. Có như thế ý chí, nguyện vọng của cử tri mới được coi trọng, khi đó mới thực chất nâng tầm đại biểu quốc hội, thúc đẩy xây dựng Quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất nước.

Quay trở lại vụ việc của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến

Bà Đặng Thị Hoàng Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học Tân Tạo, Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ, Thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh Ủy ban Kinh tế Xã hội khu vực châu Á – Thái bình dương (ESCAP), thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), thành viên của Chương trình nghị sự toàn cầu Khu vực Đông Nam Á của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến nằm trong số ít các đại biểu không kiêm nhiệm cương vị chính quyền, bà lại là đại biểu nữ, cả hai đều là nhân tố cần trân trọng.

Các thành công của bà là bằng chứng không thể phủ nhận cho năng lực, trí tuệ và sự khôn ngoan của bà. Các cương vị mà bà đang nắm giữ sẽ giúp bà thấu hiểu, phản ánh tốt nhất các vấn đề cần giải quyết của giới doanh nghiệp Việt Nam. Cử tri thấy rõ điều đó và họ không thể trông đợi một người khác tốt hơn giữ vai trò là người đại diện cho mình.

Các quy kết trách nhiệm về thông tin nhân thân của bà Đặng Thị Hoàng Yến là nhỏ nhặt và không tương xứng với tầm mức thành công mà bà đã đạt, không tương xứng với tầm mức quan trọng của các vấn đề mà bà sẽ góp sức giải quyết cho cử tri. Hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm quyền miễn trừ của đại biểu quốc hội được đem ra áp dụng và luận đề về quyền lực thuộc về nhân dân được đem ra kiểm chứng.

Quốc hội chuẩn bị sắp họp, Hiến pháp đang được rà soát sửa đổi, người viết thành tâm mong mỏi vụ việc của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến cuối cùng sẽ mang dấu ấn tích cực, sẽ là dấu mốc cho sự phát triển vị thế của Quốc hội Việt Nam.

 

Luật sư Ngô Ngọc Trai

 

Bài đã đăng trên Diễn đàn dân luật tại Đây