Vụ án Đồng Tâm mới đây đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên y án tử hình đối với hai bị cáo. Nhân vụ việc được dư luận quan tâm này tôi muốn đặt lại những tranh luận về việc nên giữ hay bỏ hình phạt tử hình.
Hình phạt nghiệt ngã
Bộ luật hình sự hiện nay quy định án tù có thời hạn cao nhất là 30 năm tù và trong thời gian thi hành án nếu cải tạo tốt sẽ được giảm án.
Đối với án tù chung thân nếu chấp hành tốt cũng sẽ được giảm án xuống còn thời hạn, nhưng phải đảm bảo thời gian chấp hành hình phạt tù trên thực tế tối thiểu là 20 năm (nếu phạm một tội) và tối thiểu 25 năm (nếu phạm nhiều tội).
Trong khi đó ở nhiều nước họ quy định mức án tù có thể lên đến cả trăm năm hoặc án tù chung thân không ân xá, tức là thực tế sẽ giam giữ suốt đời.
Như vậy đối với án tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì hình phạt ở Việt Nam có vẻ như nhân đạo nhẹ nhàng hơn so các nước, trong khi đó đối với án tử hình thì lại là hình phạt khắc nghiệt vì rất nhiều nước đã bỏ án tử hình rồi.
Tại sao hiện nay pháp luật lại quy định vừa có phần lỏng lẻo đối với án tù có thời hạn và tù chung thân nhưng lại nghiệt ngã đối với án tử hình như vậy?
Tôi cho rằng một phần lý do của cách quy định hình phạt này là do bởi điều kiện kinh tế xã hội trước nay được cho là không thể đáp ứng được việc giam giữ kéo dài.
Cho nên trên thực tế các án tù có thời hạn hay tù chung thân thường được xét giảm án tha tù trước thời hạn và ngoài ra là thi hành án tử hình.
Nay để có thêm lý do cân nhắc có nên thay thế án tử hình bằng án chung thân không giảm án, tôi tạm tính chi phí nuôi sống một phạm nhân trong khoảng thời gian 50 năm hết bao nhiêu, để xem việc giam giữ kéo dài có thể chấp nhận được trong bối cảnh điều kiện kinh tế hiện nay.
Những con số
Tạm tính theo thời giá hiện nay mỗi bữa ăn 30 nghìn, ngày 3 bữa là 90 nghìn, tiền ở 10 nghìn/ ngày. Tổng là 100 nghìn/ngày. Một tháng là 3 triệu, một năm 36 triệu, 10 năm 360 triệu, 50 năm là 1,8 tỷ.
Tức là tốn khoảng 1,8 tỷ đồng để nuôi không một người trong 50 năm tù.
Số tiền tạm tính này có vẻ lớn đối với đời sống của người lao động hiện nay nhưng sẽ là không lớn để giữ lại một mạng người.
Thân nhân của các phạm nhân có án tử hình chắc hẳn sẽ cố gắng để bảo đảm số tiền đó nếu người thân của họ được miễn tội chết.
Thực tế số tiền 1,8 tỷ dành để nuôi phạm nhân này cũng không gây áp lực lên ngân sách bao nhiêu, bởi vì đó là khoản chi phí kéo dài không đòi hỏi phải có ngay một lần.
Một phần số tiền đó có thể được thu bằng tiền phạt của bản án đối với phạm nhân, hoặc trong quá trình giam giữ phạm nhân sẽ có lao động tạo thêm thu nhập đảm bảo đời sống cho họ.
Nhiều nước đã bỏ
Hiện nay số lượng án tử hình mỗi năm chưa rõ số liệu thống kê bao nhiêu, nhưng qua thực tế theo dõi thì chưa thấy có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi Bộ luật Tố tụng hình sự mới đã bổ sung điều luật mới về tôn trọng và bảo vệ quyền con người.
Vậy nhưng tinh thần nhân đạo này xem ra chưa tạo ra được chuyển biến rõ rệt trong án tuyên tử hình so với trước đây.
Riêng năm ngoái đã có những vụ như Đồng Tâm 02 án tử hình, vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên 06 án tử hình, vụ nguyên bí thư xã bị cáo buộc giết người đốt xác trên xe ô tô ở Đăk Nông 01 án tử hình, và nhiều vụ án khác.
Điều đó cho thấy quan điểm tư pháp và nhận thức về công lý trong thực tế chưa có sự tiến bộ thay đổi so với quy định của luật, nếu bây giờ còn chưa tiết chế thuyên giảm án tử hình thì chưa biết đến bao giờ mới đạt được đến ngưỡng bãi bỏ án này.
Trong khi nước láng giềng Campuchia đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1989 theo khuyến nghị của cộng đồng quốc tế, nước Nepal đã bỏ án tử hình từ năm 1990.
Riêng nước Philippin đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1987 nhưng từ đó cho đến nay việc thực hiện chưa được nhất quán xuyên suốt.
Đối với Việt Nam thì cộng đồng quốc tế cũng đã có những khuyến nghị và có lẽ cũng đã cam kết sẽ bãi bỏ án tử hình vào một ngày chưa xác định trong tương lai.
Trong khi lâu nay phản ứng của dư luận xã hội trước một số vụ kết án một phần lý do là vì có những nghi ngờ nhầm lẫn sai sót trong kết án, mà án tử hình thì lại không thể khắc phục được.
Từ đó tạo sự ám ảnh kéo dài gây hệ lụy tới niềm tin của dân chúng vào nền công lý.
Một ví dụ như vụ án EPCO – Minh Phụng xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1997, trong đó bị cáo Tăng Minh Phụng cùng với người đồng sự là Liên Khui Thìn cùng bị tuyên tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là một vụ án lớn thu hút sự chú ý đông đảo của dư luận xã hội khi đó và là đề tài bàn tán của giới tư pháp trong nhiều năm về sau.
Bản chất hành vi của bị cáo trong vụ án này là doanh nghiệp đem tiền đầu tư vào bất động sản, vay vốn ngân hàng để có tiền mua nhà đất và thế chấp cho khoản vay bằng chính những bất động sản đó, hy vọng giá đất tăng cao sẽ kiếm được lợi nhuận.
Sau đó do những tính toán sai nên đã mất khả năng trả nợ rồi bị xử lý.
Bi kịch của vụ án ở chỗ, tại thời điểm những năm 1990s nền kinh tế mới mở cửa, pháp luật về kinh doanh còn nhiều hạn chế lạc hậu, hoạt động của giới doanh nhân còn chưa được trân trọng đề cao.
Những hoạt động kinh doanh bất động sản chưa được phổ biến hợp pháp khi đó, trong khi công ty của bị cáo Tăng Minh Phụng vốn có hoạt động nền tảng là ngành dệt may.
Cho tới nay việc vay mua thế chấp bất động sản là hoạt động rất bình thường, nếu không trả được nợ thì các bên sẽ khởi kiện ra tòa án dân sự chứ không bị xử lý về hành vi lừa đảo.
Một bi kịch khác khiến cho cái chết của bị cáo Tăng Minh Phụng trở thành đề tài bàn tán nhiều năm về sau, đó là bị cáo bị thi hành án tử hình năm 2003 nhưng đến năm 2009 Bộ luật hình sự sửa đổi đã bãi bỏ mức án tử hình đối với tội danh về lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn người đồng sự là bị cáo Liên Khui Thìn được ân xá xuống tù chung thân, nhưng đến năm 2009 đã được trả tự do, thời gian thực tế bị giam giữ chỉ 12 năm.
Như thế là có sự chênh lệch rất lớn về giá trị hình phạt giữa án tử hình và án tù chung thân.
Và cho thấy pháp luật cũng không phải chân lý bất biến mà dần biến đổi tương thích với hoàn cảnh điều kiện mới của kinh tế xã hội.
Cho nên tới nay, để xây dựng củng cố cảm thức công lý cho dân chúng, góp phần tích cực cho quản trị quốc gia, đã đến lúc Việt Nam cần tiết giảm để có thể tiến tới bãi bỏ án tử hình.
Trước mắt nhà nước nên có chủ trương chính sách chỉ đạo tiết giảm án tử hình trong những vụ án đang xét xử và ân xá giảm án cho tử tội trong những vụ việc được dư luận xã hội quan tâm.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘VN: Pháp luật hình sự cần tiết giảm hình phạt tử hình?’