Đất đai là một loại hàng hóa, chiếm tỷ trọng giá trị cao trong nền kinh tế. Nhưng do những quy định pháp luật về đất đai bất cập nên đang làm méo mó cung cầu, méo mó thị trường bất động sản. Đất đai không thuộc sở hữu tư nhân, người dân chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất thay vì mua bán đất như một loại hàng hóa.
Quy định pháp luật như vậy làm méo mó quan hệ giao dịch dân sự, bản chất thì vẫn là đất nhưng tên gọi lại khác đi. Từ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước nắm quyền quản lý dẫn đến người dân không được tự lựa chọn cách sử dụng hàng hóa.
Việc xin phép chuyển mục đích sử dụng đất do cơ quan nhà nước quyết định, với những rào cản bất cập đã phản ánh méo mó nhu cầu sử dụng đất của người dân, cung cấp thông tin sai lạc về nhu cầu sử dụng đất cho thị trường. Pháp luật hành chính theo đó gián tiếp can thiệp làm méo mó quan hệ cung cầu.
Thị trường bất động sản là một phần của nền kinh tế thị trường, những bất cập méo mó của thị trường BĐS là một phần gián tiếp làm cho nền kinh tế VN kém tính thị trường. Trong khi các ban ngành nhà nước lâu nay luôn muốn quốc tế công nhận VN có nền kinh tế thị trường để được hưởng các cơ chế bình đẳng như các nền kinh tế thị trường về xuất khẩu hàng hóa, tiếp cận nguồn vốn và vay vốn.
Thay vì bị các rào cản về xuất nhập khẩu hàng hóa, lãi suất vay vốn và hạn chế cho vay mà quốc tế họ áp dụng với những nền kinh tế phi thị trường theo kiểu nhà nước bảo trợ cho hàng hóa doanh nghiệp xuất khẩu khiến bất bình đẳng trong cạnh tranh giao thương quốc tế.
Do vậy, để nền kinh tế VN tiệm cận với nền kinh tế thị trường thì thị trường bất động sản phải giảm đi những can thiệp hành chính vào lưu thông hàng hóa bất động sản. Nhiều quy định pháp luật đất đai phải thay đổi.
Trong đó cần thay đổi quy định để người dân được tự chủ trong lựa chọn mục đích sử dụng đất, nếu người ta muốn xây nhà thì họ phải được xây, chỉ cần không ảnh hưởng đến xung quanh, môi trường và lợi ích chung. Như thế sẽ phản ánh đúng nhu cầu và cung cầu của thị trường. Chứ không thể vì một mối lo xa vời xa xôi nào đó, hoặc các bản quy hoạch vớ vẩn kém khoa học chất lượng do các ban ngành vẽ vời ra, để cấm cản người dân xây nhà ở.
Việc xây dựng nếu được tháo gỡ rất có thể sẽ làm bùng nổ nhu cầu xây dựng, giúp khơi dậy nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, giúp lưu thông các mặt hàng sắt thép, cát sỏi, gạch đá, nhân công. Sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế.