Mới đây tôi đọc được cuốn sách có tiêu đề ‘Bàn về Công lý và sự cứu chuộc’, tác giả là một luật sư người Mỹ tên là Bryan Stevenson, nội dung kể về hành trình minh oan thành công cho một tử tù và công việc luật sư đã giúp đỡ cho nhiều tử tù khác.
Đây là sự việc người thật việc thật xảy ra ở Mỹ và cuốn sách nằm trong top 10 cuốn sách bìa cứng phi hư cấu bán chạy nhất năm 2014 của The New York Times.
Bản thân tôi là một luật sư hành nghề ở Việt Nam, mấy năm trước cũng đã thành công trong việc minh oan cứu sống cho một tử tù tên là Hàn Đức Long ở tỉnh Bắc Giang, khi đọc cuốn sách này và soi chiếu với hệ thống pháp luật Việt Nam, tôi thấy được nhiều điều khác biệt.
Luật sư Bryan Stevenson cho biết, sau khi ông thành lập một văn phòng chuyên nhận giúp đỡ cho các tử tù, mỗi ngày ông đều nhận được các cuộc gọi hoảng loạn từ những người không được hỗ trợ pháp lý trong khi giờ phút thi hành án của họ mỗi lúc một cận kề.
Ông cho biết mình chưa bao giờ nghe thấy những giọng nói khẩn khoản tuyệt vọng đến như thế.
Điều đó cho thấy pháp luật nước Mỹ cho phép tử tù được liên hệ điện thoại tới các văn phòng luật sư để nhờ sự trợ giúp.
Trong khi ở Việt Nam, Luật thi hành án hình sự năm 2019 chỉ cho phép phạm nhân được điện thoại về cho người thân mà không có quy định điện thoại cho luật sư.
Số điện thoại để phạm nhân liên lạc với người thân phải đăng đăng ký trước với trại giam, ngoài ra trong các trại giam không có danh bạ thông tin về văn phòng luật sư để các phạm nhân có thể biết mà nhờ đến.
Luật sư Bryan Stevenson cho biết, một trong các cuộc gọi đến từ một người có tên là Herbert Richardson, anh này mới nhận được thông báo về ngày xử tử của mình nên đã điện thoại cho luật sư nhờ giúp đỡ.
Luật sư Bryan Stevenson ban đầu lưỡng lự vì không biết mình có thể làm gì trong quãng thời gian ngắn ngủi còn lại, nhưng sau khi nhận lại được cuộc gọi vào ngày hôm sau thì ông đã nhận lời.
Nội dung này cho thấy tử tù được gọi điện thoại cho luật sư mỗi ngày. Trong khi đó luật ở Việt Nam không cho phép tử tù gọi điện thoại cho luật sư, mà chỉ được liên lạc điện thoại với thân nhân mỗi tháng 01 lần, mỗi lần không quá 10 phút.
Tác giả cho biết thêm, Herbert Richardson là một cựu binh trong chiến tranh Việt Nam. Những trải nghiệm không khác gì ác mộng về sự tàn khốc của chiến tranh đã để lại trong Herbert những di hại ám ảnh nặng nề.
Nhập ngũ năm 1964 khi 18 tuổi và đóng quân tại một trại binh ở An Khê nằm gần Pleiku. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ trung đội của Herbert bị phục kích và anh bị thương nặng.
Khi tỉnh lại thân mình thấm đẫm máu đồng đội, anh bị mất phương hướng và không thể cử động được. Không lâu sau tinh thần của Herbert bị suy sụp hoàn toàn. Anh tự tử không thành sau những cơn đau đầu trầm trọng.
Được giải ngũ về lại quê nhà ở Brooklyn, New York, Herbert được chữa trị tại một bệnh viện và đem lòng yêu một nhân viên y tế tại đó. Nhưng cô gái sau khi nhận ra sự quan tâm thái quá ở anh thì đã xa lánh xua đuổi.
Herbert nảy ra ý tưởng giành lại người yêu, tự nhủ rằng nếu cô cảm thấy bị đe dọa sẽ tìm đến anh để được bảo vệ. Anh đã chế tạo một quả bom và đặt nó trước cửa nhà người yêu. Nhưng không may kế hoạch bị vỡ, quả bom phát nổ làm chết một bé gái và bị thương một bé khác.
Herbert bị lãnh án tử hình và người ta đã giam anh 11 năm cho tới ngày anh phải đối diện với ghế điện.
Luật sư Bryan Stevenson đã giúp đỡ Herbert bằng cách gửi đơn yêu cầu cứu xét lại bản án tử hình, và họ đã giành được một phiên xử ở tòa, tại đó luật sư cố gắng trình bày những lý lẽ gỡ tội cho Herbert.
Điều này khác với pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam luật sư có thể gửi đi rất nhiều đơn thư nhưng không có cơ chế nào để yêu cầu tòa án mở một phiên xét xử thẩm tra đánh giá lại những ý kiến của luật sư. Cơ chế pháp lý thiếu vắng gây ra rủi ro lớn cho những trường hợp kêu oan hay xin ân giảm án tử hình.
Cuối cùng bản án tử hình của Herbert được giữ nguyên và Herbert có một nguyện vọng là muốn luật sư có mặt trong quá trình thi hành án.
Đây cũng lại là điều không hề có ở Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không cho phép luật sư tham gia vào quá trình thi hành án tử hình.
Luật sư Bryan Stevenson cho biết, vào ngày thi hành án tử hình người thân của tử tù đã đến gặp Herbert lần cuối, họ cùng ngồi nói chuyện bên nhau.
Trong đó đặc biệt có người vợ mới cưới của Herbert, anh quen và thư từ qua lại với cô gái suốt nhiều năm. Họ đã quyết định kết hôn một tuần trước ngày xử tử. Herbert không có bất cứ tài sản gì để lại cho vợ ngoài một lá cờ Mỹ khi anh qua đời vì anh là một cựu quân nhân.
Tất cả những điều đó cho thấy sự thông thoáng của luật pháp nước Mỹ, ấn định quyền hạn rộng rãi cho phạm nhân, không ngăn cách cấm cản luật sư liên hệ với tử tù.
Những diễn tiến câu chuyện được mô tả hoàn toàn xa lạ và thật khó tưởng tượng với ở Việt Nam, tuy rằng đó cũng chỉ là sự đối xử của luật pháp với tử tù.
Nhiều nghiệt ngã
Mới đây tôi được gia đình của một tử tù mời làm luật sư giúp đỡ kêu cứu ân giảm mức án tử hình cho người thân của mình. Đó là tử tù Đặng Văn Hiến, một nông dân đã có hành vi bắn chết ba người trong một vụ chống chọi cướp đất xảy ra ở huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông hồi năm 2016.
Giống như những khó khăn đã gặp phải trước đây trong quá trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long, hiện nay hệ thống pháp luật không có quy định cho phép luật sư được tiếp cận với hồ sơ vụ án đã khép lại vì bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Do vậy nên khi Luật sư gửi văn bản tới tòa án đã tuyên tử hình Đặng Văn Hiến đề nghị cho sao chụp hồ sơ vụ án thì đã không nhận được phản hồi.
Luật sư cũng gửi công văn tới trại giam đề nghị cho phép gặp làm việc với tử tù nhưng cũng không nhận được phản hồi, vì pháp luật cũng không quy định rõ quyền của phạm nhân được gặp luật sư.
Điều này cho thấy tử tù ở Việt Nam chịu sự rủi ro rất lớn bởi hệ thống pháp luật thiếu vắng những cơ chế cứu giúp cho họ.
Trong cuốn sách của mình, luật sư Bryan Stevenson chia sẻ tâm sự cho biết, sự gần gũi với các tử tù đã dạy cho ông một số sự thật cơ bản và mộc mạc, đó là hành động tồi tệ nhất mà ta từng thực hiện không làm nên bản chất con người chúng ta.
Công việc ông làm với những người nghèo và người bị giam giữ đã thuyết phục ông rằng trái ngược với nghèo đói không phải là giàu có mà trái ngược với nghèo đói chính là công lý.
Luật sư Bryan Stevenson tin rằng thước đo trung thực nhất cho cam kết của chúng ta đối với công lý pháp quyền và thước đo chuẩn xác nhất cho nhân phẩm danh dự của chúng ta, nằm ở cách ta đối xử với người nghèo, người bị giam giữ và kết án.
Trong khi đó có thể nói pháp luật Việt Nam hiện tại đang còn rất nghiệt ngã.
Thực tế này cần phải thay đổi, pháp luật cần bổ sung thêm những cơ chế giúp bênh vực quyền lợi cho tử tù, hành lang pháp lý dành cho luật sư cần được mở rộng, có thế công lý mới đến được với nhiều người.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Số phận tử tù Việt Nam so với tử tù Mỹ’