Án oan do dễ dãi trong việc kết tội

dsc_0163

Hôm 13/12 Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can cho anh Trần Văn Uống và Ong Văn Sệt cùng ngụ tại Sóc Trăng trong vụ án ‘Đi tè bị quy tội cướp’.

Vụ án xảy ra năm 2012, một đôi nam nữ đèo nhau đi xe máy trên đường tối, khi thấy mấy người đứng ven đường tưởng cướp liền quay đầu chạy và đi trình báo. Công an xã và dân phòng đi đến đã bắt mấy thanh niên vì nghi là cướp.

Mặc cho bị cáo kêu oan cho rằng hôm đó họ chỉ đứng tè ven đường, tòa án huyện Bình Chánh xét xử sơ thẩm đã tuyên các bị cáo có tội với mức án 1 năm 7 tháng 9 ngày tù, bằng đúng thời hạn tạm giam.

Bản án sau đó được tòa phúc thẩm hủy bỏ yêu cầu điều tra lại và tới nay cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đình chỉ vụ án.

Vụ án được báo chí trong nước gán cho tên gọi ‘Đi tè bị quy tội cướp’ cho thấy tính chất đơn giản dễ dãi trong việc kết tội.

Nhưng sự dễ dãi kết tội không chỉ do lối làm việc cẩu thả của cán bộ tư pháp mà còn do những nguyên tắc xét xử lỏng lẻo thiếu chặt chẽ của Bộ luật tố tụng hình sự.

Lấy theo đa số?

Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại quy định Hội đồng xét xử khi nghị án thì biểu quyết theo đa số về từng vấn đề, người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại chỉ lấy ý kiến đa số mà không đòi hỏi tất cả các thành viên hội đồng xét xử gồm Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân đều phải nhất trí 100% về từng vấn đề có tội hay không.

Đây chính là sự lỏng lẻo thiếu chặt chẽ trong việc kết tội, là nguyên nhân dẫn đến án oan.

Vì hãy thử hỏi, sau khi đã bàn luận tại sao cái người thiểu số lại không đồng ý kết tội như đồng sự? Chắc chắn là phải có điều gì đó khiến người ta nghi ngờ bị cáo bị oan, và đấy chính là mấu chốt của vấn đề.

Khi một vụ án đã được chuyển sang giai đoạn tòa án thì về cơ bản là người ta đã có những cơ sở để kết tội và được trưng ra dễ nhận thấy. Nhưng cái điểm nghi là vô tội thì lại ẩn dấu kín đáo trong hồ sơ, mà phải có sự sắc bén về chuyên môn hoặc nhãn quan thông thoáng không bị những thành kiến nghề nghiệp che lấp mới nhận ra được.

Cho nên cái ý kiến của thiểu số mới lại là cái đáng quan tâm chú ý. Và do vậy phải đòi hỏi làm rõ được nghi vấn của người thiểu số, phải giải đáp hết những điểm mù mờ chưa rõ ràng trong vụ án, và chỉ cho phép kết luận có tội khi 100% thành viên Hội đồng xét xử cùng nhất trí bị cáo có tội.

Đó là cách xét xử đặt ra những đòi hỏi khắt khe cho việc kết tội, bằng cách đó giảm tránh đi oan sai.

Và đó chính là lối xét xử theo mô hình Bồi thẩm đoàn của hệ thống Tòa án Mỹ. Với 12 thành viên của Bồi thẩm đoàn được chọn từ những người dân thường, khi biểu quyết phải đủ 12 thành viên đồng ý có tội thì Thẩm phán mới tuyên bị cáo có tội. Chỉ một người không đồng ý kết tội thì sẽ không được tuyên bị cáo có tội.

Ở Việt Nam lâu nay việc kết tội lấy theo ý kiến đa số cho nên để ngỏ những vấn đề chưa được làm rõ. Trên thực tế Hội đồng xét xử thường có quan điểm rằng mặc dù còn tồn tại vấn đề này kia nhưng căn cứ vào các tài liệu khác có trong hồ sơ thì vẫn đủ cơ sở để kết tội.

Những tình tiết chưa được làm rõ trở thành căn cứ kêu oan, và với sự hợp lý của nó dẫn đến các bản án hay bị hủy bỏ yêu cầu điều tra lại gây ra những vụ án kéo dài.

Vai trò Hội thẩm

Việc kết tội lấy theo ý kiến đa số thay vì phải đòi hỏi 100% thành viên Hội đồng xét xử nhất trí, cho thấy quy trình kết tội lỏng lẻo dễ dãi của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay.

Không chỉ vậy, sự dễ dãi trong điều kiện kết tội còn thể hiện ở quy định số lượng ít các thành viên Hội đồng xét xử, mà qua đó giảm bớt đi những ý kiến tranh luận bàn cãi nếu có, cái mà nó sẽ có ở số đông và có ích trong việc làm sáng tỏ các vấn đề vụ án.

Theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại thì Hội đồng xét xử gồm 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân, vụ việc phức tạp thì 2 thẩm phán và 3 hội thẩm nhân dân.

Trong khi ở Nhật Bản, nước áp dụng mô hình xét xử thẩm vấn gần gũi với Việt Nam thì Hội đồng xét xử của họ có tới 3 thẩm phán và 6 hội thẩm nhân dân, tổng cộng là 9 người.

Số lượng đông của Hội đồng xét xử là một rào cản cho hành vi hối lộ mua chuộc. Và để giữ được tính độc lập của người hội thẩm, các nước họ lựa chọn người bất kỳ trong dân chúng có tính chất luân phiên.

Trong khi ở Việt Nam các Hội thẩm được Hội đồng nhân dân bầu ra với nhiệm kỳ bằng với nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân. Và những người được bầu ra với số lượng giới hạn sẽ tham gia thường xuyên vào các vụ án cho tới hết nhiệm kỳ. Điều này khiến cho các hội thẩm mất đi sự độc lập mà hay bị phụ thuộc chi phối.

Trong khi bản chất của hoạt động xét xử là phán đoán, mà người ta đã tính toán rằng một người thì có thể phán đoán sai, nhưng nếu cộng kết quả phán đoán của nhiều người thì sẽ cho ra kết quả gần đúng.

Do vậy cái quan trọng là phải giữ được sự độc lập trong ý chí nhận thức của những người phán đoán. Như hiện nay, yếu tố phụ thuộc làm mất đi vai trò tác dụng của Hội thẩm.

Dễ dãi kết tội

Quy trình thủ tục tư pháp lâu nay được xác lập theo lối thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, trong khi để giảm tránh án oan thì nó đòi hỏi quy trình thủ tục tư pháp phức tạp hơn.

Quy trình thủ tục tư pháp hiện nay vốn được thoát thai từ nền tư pháp của nhà nước bị xem là độc tài toàn trị, cho nên tập tính chuyên quyền vẫn còn nặng. Cho tới nay mới dần cải cách thích ứng với lối hành xử dân chủ của nền kinh tế thị trường và xã hội hội nhập.

Tuy vậy tốc độ cải cách tư pháp còn chậm, nhiều nguyên lý xét xử còn bất cập lạc hậu. Và như tất yếu tương ứng với một quy trình thủ tục tư pháp như vậy, án oan là không thể tránh khỏi.

Nay để tránh án oan, cần chỉ ra nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Về tổ chức thì cần tăng thêm số lượng Hội thẩm trong Hội đồng xét xử và lựa chọn rộng rãi trong dân chúng.

Về nguyên tắc xét xử thì khi nghị án, thay vì lấy ý kiến theo đa số thì phải đòi hỏi 100% ý kiến nhất trí thì mới được kết tội. Bằng những cải cách sửa đổi như vậy sẽ giúp giảm tránh những vụ kết án dễ dãi như ‘Đi tè bị quy tội cướp’. Google search: ‘Án oan do dễ dãi trong việc kết tội’