Hồi tháng Hai 2022, báo chí Việt Nam đưa tin rằng nhật báo tài chính Business Times của Singapore có bài viết về Việt Nam với tiêu đề ‘Tiếng gầm của một con hổ Châu Á mới’.
Bài báo đưa ra nhận định, từng nằm trong số các quốc gia nghèo nhất thế giới nhưng hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Ngân hàng Thế giới mô tả đây là một trong những quốc gia mới nổi và năng động bậc nhất trên toàn khu vực Đông Á.
Thế nước đang lên
Theo tờ báo tiếng Anh này Việt Nam ghi nhận mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2,6% vào năm 2021 và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ tăng tốc trong năm nay.
Business Times cũng dẫn dự báo của công ty nghiên cứu tài chính DBS (Singapore) cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8% vào năm 2022.
Bên cạnh đó, báo cáo về sở hữu tài sản mới nhất của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) ước tính, có khoảng 19.500 triệu phú USD ở Việt Nam tính đến năm 2020. Đến năm 2025 con số này dự kiến sẽ tăng gần 25% lên 25 nghìn người.
Đó là những đánh giá về phát triển kinh tế từ một tờ nhật báo tài chính nước ngoài.
Không chỉ vậy, sự phát triển của đất nước còn được người dân cảm nhận thấy qua những thành tựu đáng vui mừng của ngành thể thao.
Mới đây Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ đại hội thể thao các nước Đông Nam Á Seagames 31 với hai huy chương vàng cho môn bóng đá nữ và nam.
Hồi đầu năm nay, người hâm mộ thể thao cũng vui mừng khi đội tuyển bóng đá nam đã thắng Trung Quốc ngay ngày Mùng 1 Tết Nguyên Đán tại vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, trong khi đội tuyển bóng đá nữ thắng Thái Lan và Đài Loan để lần đầu tiên tham dự vòng chung kết bóng đá nữ FIFA World Cup vào năm 2023.
Có thể nói những thành tích thể thao đó là kết quả của quá trình phát triển của đất nước, những thành tựu trong phát triển kinh tế và sự tiến bộ về văn hóa đã đưa đến những thành tích cho thể thao, ai cũng tự hào với những ngôi sao như Chương Thị Kiều, Huỳnh Như của đội nữ hay Quang Hải, Tiến Linh của đội nam.
Ở các lĩnh vực khác của đời sống cũng đều có những bước phát triển mới với những thành tựu và tài năng.
Vậy thì trong lĩnh vực chính trị pháp lý thì sao?
Rõ ràng là quá trình đất nước hội nhập phát triển mấy chục năm qua, với sự phát triển về internet truyền thông báo chí xuất bản và giáo dục đại học, đã nâng tri kiến hiểu biết của người dân nói chung lên một tầm cao mới.
Người dân có ý thức hơn về các quyền chính trị dân sự của mình, doanh nghiệp ý thức hơn về một hệ thống pháp quyền chuẩn mực bảo hộ cho sở hữu.
Thực tế nhà nước nhiều năm qua cũng đã phải điều chỉnh rất nhiều để thích ứng với sự phát triển đòi hỏi ngày càng cao của dân chúng về chất lượng của dịch vụ công hay hiệu quả của bộ máy.
Và trong sự phát triển về tri kiến hiểu biết về các quyền tự do dân chủ của công dân đó cũng sẽ có một số người nào đấy vượt trội lên và xuất sắc hơn cả, hiểu biết nắm rõ hơn và muốn thực thi các quyền của mình.
Và đó là những Chương Thị Kiều, Huỳnh Như trong lĩnh vực pháp lý chính trị dân quyền.
Hiểu được như thế tôi cho rằng nhà nước và xã hội cần nhìn ra và ý thức được để trân trọng đón nhận những tài năng đó như mọi cá nhân ưu tú tài năng khác trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Nên điều chỉnh
Vậy nhưng thực tế cho thấy những nhận thức quan điểm về chính trị hạn hẹp rất chậm được cải thiện tiến bộ từ phía ngành quản lý nhà nước.
Ngày 24.5 vừa qua là tròn 13 năm doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, giám đốc một công ty tin học từng mở văn phòng tại Mỹ và Singapore bị bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Suốt từ đó cho đến nay gia đình đã không ngừng đấu tranh kêu cầu tự do cho ông.
Năm 2018 gia đình đã liên hệ nhờ Công ty Luật TNHH Công Chính tư vấn trong việc kêu gọi tự do cho ông Thức.
Ngay trước chuyến công tác đi Mỹ của đoàn chính phủ vừa rồi, cục cảnh sát quản lý giam giữ có văn bản trả lời Công ty luật TNHH Công Chính rằng không đủ cơ sở điều kiện để trả tự do cho ông Thức.
Điều đó là hết sức đáng tiếc, bởi nếu ông Thức được trả tự do đó sẽ là hành động chứng tỏ thiện chí lớn của chính phủ trong quan hệ bang giao hội nhập, tìm kiếm các cơ hội hợp tác theo chiều sâu để nâng cao chất lượng phát triển, nhưng đã không được thực hiện.
Từ sự việc đó tôi thấy đánh giá nhìn nhận của cơ quan quản lý trại giam trong vụ ông Thức phản ánh nhận thức chung về những quan điểm về bảo vệ an ninh quốc gia nói chung là không có gì thay đổi.
Trong khi ngày nay trình độ tri kiến hiểu biết của người dân đã được nâng lên cùng những bước phát triển về kinh tế văn hóa xã hội thể thao.
Với sự lưu chuyển thông tin trong nước và quốc tế qua báo chí mạng xã hội công chúng sẽ thấy được đâu là các chân lý giá trị đúng sai, nên những quan điểm đường lối trấn áp đối với những việc làm bày tỏ quan điểm chính trị là không phù hợp.
Từ lâu nay cũng chưa thấy có ai đặt câu hỏi về tính hợp lý đúng đắn của các chính sách về bảo vệ an ninh chính trị, trong khi nhiều người là cán bộ phụ trách các ngành đã bị xử lý trong các vụ án tham nhũng tiêu cực.
Ví như ông Trương Minh Tuấn từng là phụ trách thông tin tuyên giáo tư tưởng hay nhiều vị tướng an ninh nắm giữ nhiều thẩm quyền, nhưng không thấy ai đặt ra là cần rà soát, đánh giá lại các chính sách bảo vệ an ninh quốc gia được ban hành.
Bởi vậy nhà nước nên thực hiện một chính sách kiểm tra rà soát lại, đưa vào đó những khuôn khổ nhận thức giá trị mới phù hợp với bối cảnh hội nhập, bởi lẽ bảo vệ an ninh quốc gia không phải là nhắm đến những người chỉ đơn thuần là biểu đạt quan điểm chính trị.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;