Luật quy định luật sư bào chữa được quyền gặp bị can đang bị tạm giam. Đây tưởng chừng như là điều đương nhiên tối thiểu của hoạt động bào chữa.
Ở các nước có nền tư pháp tiến bộ như Canada thì luật sư bào chữa thường là người đầu tiên gặp bị can sau khi bị bắt. Và để bị can hiểu được biết cách thực hiện quyền im lặng thì luật sư dành nhiều thời gian để giải thích và hướng dẫn cách thực hiện quyền im lặng.
Vậy nhưng ở VN mặc dù luật quy định thế nhưng khi thực hiện cơ quan điều tra tìm đủ mọi cách ngăn cản luật sư gặp bị can (chứ đừng hòng được gặp đầu tiên), bằng các hành vi như chậm cấp giấy chứng nhận bào chữa, hoặc đưa ra quy định chỉ được gặp bị can khi có sự tham gia cùng của điều tra viên.
Lý do là cơ quan điều tra muốn khai thác bị can trước, mà hầu hết là bằng cách bức cung, sau đó mới cho luật sư được gặp, vì sợ luật sư gặp trước sẽ tư vấn khiến bị can không chịu khai báo.
Luật cũng quy định việc làm ngay sau khi bắt bị can là phải lấy lời khai ngay. Cái quy định kiểu ‘mỳ ăn liền nóng sốt’ như vậy chính là nguyên nhân dẫn đến bức cung nhục hình.
Để ý thì thấy hầu như lần gặp đầu tiên nào của luật sư và bị can cũng đều là buổi lấy lời khai của điều tra viên, khi đó sự xuất hiện lần đầu của luật sư bên cạnh điều tra viên sẽ làm giảm đi mức độ tin cậy ở nơi người bị giam giữ.
Giới luật sư cần đấu tranh đòi hỏi quyền được gặp riêng bị can để luật sư thực hiện vai trò nghĩa vụ của mình trước thân chủ. Tuy vậy điều này là khó vì não trạng của giới điều tra viên lâu nay đã quen thói điều tra bằng lấy cung rồi.
Thói quen nghiệp vụ này đã hằn sâu khiến bọn họ không dễ dàng chấp nhận cho bị can thực hiện quyền im lặng và cho luật sư gặp riêng bị can ngay từ đầu.
Từng luật sư, Đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư đều có trách nhiệm trong việc đấu tranh thúc đẩy kiến tạo môi trường tư pháp thân thiện thuận lợi cho luật sư hành nghề, tránh tình trạng dễ dãi chấp nhận những ngang trái tiêu cực, hành nghề bằng những phạm vi ngoài chuyên môn.