Hôm 25/5 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với Bộ tư pháp, yêu cầu bộ này phối hợp với các bộ ban ngành và các địa phương rà soát lại hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh.
Tại một diễn biến khác hôm 21/5 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có một cuộc họp với Ngành xuất bản để bàn về chiến lược xuất bản sách của Việt Nam trong 05 năm tới.
Khi xem thấy hai sự kiện này cùng lúc tôi như được gợi nhắc về công việc của mình.
Chính trị kiểm duyệt
Hai năm trước tôi có viết một cuốn sách về Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế và Lợi ích sát sườn cho doanh nhân, trong đó chỉ ra những rào cản chướng ngại từ nền tư pháp gây ra cho hoạt động của doanh nghiệp đồng thời chỉ ra những giải pháp tháo gỡ khắc phục.
Cuốn sách tổng hợp lại các luận điểm ý kiến vốn đã được chia sẻ trong các bài báo trước đó về chủ đề tư pháp và kinh doanh.
Điểm khác là cuốn sách được tổng hợp trình bày bài bản, đưa dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề rất thích hợp cho công tác nghiên cứu xây dựng sửa đổi pháp luật.
Nhưng khi thực hiện công tác xuất bản thì bị ách lại, một cán bộ thẩm định nào đó đã nghi ngại với một vài câu chữ đoạn văn trong cuốn sách nên đã từ chối cấp giấy phép.
Là người đọc nhiều nên tôi biết cuốn sách của mình có một cách đặt vấn đề và hành văn hiếm hoi trong giới pháp lý.
Song cũng lượng định rằng một vài điểm gai góc là tương xứng với tính chất phức tạp của các vấn đề pháp lý được luận bàn những mong đạt được bước phát triển đột phá.
Và hoàn toàn thỏa đáng chấp nhận được bởi tinh thần trách nhiệm xây dựng xuyên suốt tác phẩm.
Vậy nhưng rất đáng tiếc, nhận thức chính trị lạc hậu đã làm cản trở sự ra đời của một cuốn sách pháp lý.
Đáng ra mọi việc đã có thể khác đi, công tác xuất bản đã có thể phản ánh đúng các vấn đề tồn tại trong thực tiễn đời sống.
Ngay tại cuộc họp chính phủ đầu tiên trong nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khởi xướng việc rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để tháo gỡ rào cản vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.
Đến nay cuốn sách đáng ra đã có thể là nguồn tư liệu tham khảo rất cần thiết cho chuyên viên các ban ngành khi thực hiện công việc rà soát lại hệ thống pháp luật.
Những nghi ngại
Là một luật sư từ lâu vốn thường xuyên bày tỏ quan điểm chính trị, nhiều người xung quanh đặt vấn đề nghi ngại vì sao động cơ mục đích nào đã đưa đến sự biểu đạt các ý kiến chính trị của tôi như vậy?
Nghiệm lại thì thấy điều này xuất phát từ chính công việc cuộc sống của một luật sư.
Ở Việt Nam hiện nay nếu là một luật sư thương mại thì bạn sẽ dễ làm giàu, còn nếu là một luật sư bào chữa hình sự thì bạn sẽ dễ trở thành một người mang khát vọng cải cách xã hội.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì khi tham gia vào các vụ án bạn sẽ được chứng kiến nhiều nỗi đau, đó có thể là nỗi đau giằng xé của gia đình bị cáo có người thân bị oan sai hoặc chẳng may vướng vào vòng lao lý đối diện với trọng tội.
Hoặc đó có thể là nỗi đau tột cùng của gia đình bị hại có người thân bị chết, trong nhiều trường hợp sẽ có những người vợ mất chồng, cha mẹ mất con, hoặc trẻ thơ mất đi người nuôi dưỡng.
Đứng trước những nỗi đau như vậy và chứng kiến những tréo ngoe bất cập, điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu lên tiếng và thúc giục cải thiện cái môi trường xã hội nơi đã sản sinh ra các tội phạm.
Khát vọng cải cách xã hội phát sinh từ đó và đó là khởi sự cho việc quan tâm tới các vấn đề chính trị.
Quá trình hành nghề luật sư tôi xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ nên tôi lại tham gia thúc đẩy cho những sửa đổi pháp luật như các giải pháp phòng tránh oan sai, lắp đặt thiết bị ghi âm ghi hình khi hỏi cung, quyền im lặng của bị can, vai trò lớn hơn của luật sư bào chữa.
Tôi cũng lên tiếng thúc đẩy cải thiện môi trường giam giữ, nâng cao điều kiện sống cho người bị giam, sửa đổi luật đất đai bảo hộ tốt hơn quyền sở hữu tài sản.
Nhiều vụ án chính trị tham gia bào chữa cho các bị cáo phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia tôi cũng gián tiếp thúc đẩy thay đổi quan niệm suy nghĩ của mọi người về thực hành quyền tham gia chính trị của công dân.
Từ những nỗ lực nghiên cứu học hỏi đã giúp tôi có kiến thức để lên tiếng thúc đẩy cho nhiều lĩnh vực khác nữa của quản lý nhà nước.
Và ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng của chính trị trong khả năng giúp thay đổi cải thiện đời sống xã hội.
Quá trình tiến tới chính trị là như vậy và điều đó hết sức giản dị bình thường, nhưng chỉ vì lâu nay môi trường sinh hoạt chính trị còn hạn chế khó khăn cho nên nhiều người nhìn vào với tâm lý nghi ngại.
Khiến cho mảng chính trị thu hẹp lại thành nơi tham gia của chỉ một số ít người trong hệ thống xung quanh việc nắm giữ quyền hành bộ máy nhà nước.
Chính trị không xấu
Ở Việt Nam có một thực tế là chính trị và pháp lý nhiều khi lẫn vào với nhau không có sự tách biệt, chính trị tác động đến pháp lý hoặc ngược lại việc thực thi các quy định pháp luật nhiều khi đòi hỏi sự tác động về mặt chính trị.
Cho nên để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ nhiều khi luật sư phải bày tỏ quan điểm chính trị.
Ví như để bảo vệ cho thân chủ bị thu hồi đất thì luật sư cần phản ánh những bất cập của chính sách pháp luật về đất đai, đào xới điều gì đằng sau những quy định pháp luật hiện tồn cho phép việc thu hồi đất như vậy.
Hoặc ví như mới đây tôi nhận lời tham gia bào chữa trong một vụ án giết người ở tỉnh Đăk Nông mà bản án trước đó đã tuyên mức án tử hình.
Vụ án có một người chết và với án tử hình thì sẽ có thêm một người chết nữa.
Mạng đổi mạng đó là một cách thực hành công lý rất cổ xưa.
Trong khi đó thì đất nước đã hội nhập, các quan điểm tư duy pháp lý cũng cần đổi mới tiến bộ nhân văn tương thích hòa đồng với thế giới, giống như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Tìm hiểu thì thấy rất nhiều nước đã bỏ án tử hình rồi. Năm 2011 một nghi phạm khủng bố ở Na Uy đã bắn chết 77 người, án tuyên cho bị cáo sau đó chỉ là 21 năm tù vì Na Uy không có án tử hình.
Vài năm trước ở Anh cũng có vụ án hai nghi phạm hiếp giết và đốt xác một cô gái gốc Việt trên một chiếc xe ô tô, cả hai bị án tuyên chung thân vì nước Anh cũng không có án tử hình.
Ở Việt Nam điều kiện môi trường xã hội có thể chưa cho phép bãi bỏ án tử hình nhưng thiết nghĩ một chính sách tiết giảm hạn chế đi thì cần có.
Khi đặt vấn đề như vậy thì ai cũng thấy hợp lý nhưng muốn đạt được thì cần có người khởi xướng lên tiếng chỉ ra, từ đó vận động thúc giục các ban ngành nghiên cứu cho một chính sách tiết giảm hạn chế.
Đó là một tiến trình hàm chứa trong đó những vận động chính trị để mong muốn đạt đến về một môi trường hành lang pháp lý mà xã hội nên có.
Và bởi vậy chính trị không phải là chuyện xấu mà là sự thực hành quyền công dân, là cách để thúc đẩy xây dựng cho tiến bộ xã hội.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Nghi ngại chính trị cản trở sự phát triển của người Việt?’
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;