Tại một hội nghị hôm 10/2/2025, đại diện Bộ tư pháp cho biết, có gần 8000 văn bản của Trung ương và địa phương chịu tác động khi sắp xếp tinh gọn bộ máy.
Cụ thể, theo bài trên báo Pháp luật (plo.vn) bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết, Nghị quyết 18/2017 của Trung ương xác định phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Các bộ, cơ quan ngang bộ đã rà soát 5.026 văn bản chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, gồm 160 luật, bộ luật, 8 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, hai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 833 nghị định, một nghị quyết của Chính phủ, 287 quyết định của Thủ tướng, ba Chỉ thị của Thủ tướng, 3.722 văn bản cấp bộ.
Các địa phương cũng rà soát 2.828 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở Trung ương.
Như thế tôi thấy rằng đó là số lượng rất lớn các văn bản sẽ được rà soát sửa đổi. Để thấy con số đó lớn như nào thì có thể so sánh với số liệu là, theo tra cứu từ năm 1945 đến nay tổng số lượng văn bản luật được ban hành là 530.
Lấy số 530 luật được ban hành trong suốt thời gian 80 năm so với con số gần 8000 văn bản sẽ phải điều chỉnh sửa đổi trong vài tháng, để thấy số lượng văn bản chịu tác động khi sắp xếp tinh gọn bộ máy lớn cỡ nào và áp lực cho công việc này ra sao.
Bởi vậy để cho việc chỉnh sửa đạt hiệu quả chất lượng, điều tối cần thiết quan trọng như đã nêu ra trong bài viết “Cần cơ chế đảm bảo an toàn cho người phản biện pháp luật”, đó là cần triệt để coi trọng tính kế thừa các nội dung văn bản trước đó.

Kiểm soát quyền lực
Trong dự thảo sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại Điều 5 quy định về Nguyên tắc trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại đó có một nội dung về kiểm soát quyền lực.
Cụ thể như sau: Bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phòng, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Có thể hiểu là trong việc xây dựng ban hành VBQPPL hiện nay các cơ quan phải lưu ý việc kiểm soát quyền lực, vậy điều này cần được thể chế hóa như thế nào?
Qua xem xét thì thấy, dự thảo hiện tại lại lược giảm đi cơ chế về kiểm soát quyền lực so với luật cũ, là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Để thấy được vấn đề có thể đặt mình trong tư cách công dân, công dân có thể làm gì khi thấy một quy định pháp luật ban hành trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế đời sống?
Luật cũ năm 2015 có một Chương XV về Giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó luật quy định: “Việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật.”
Cùng với đó luật cũ có các điểu khoản rõ ràng là cơ quan nào có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của cơ quan nào, ví dụ Quốc hội có thẩm quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng có thẩm quyền bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành văn bản của Bộ trưởng.
Với các quy định rõ ràng như vậy, công dân có thể kiến nghị tới cơ quan đã ban hành xem xét lại quy định trái pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế đời sống. Nếu cơ quan ban hành không xem xét lại thì công dân có thể gửi văn bản lên cấp cao hơn có quyền bãi bỏ, đình chỉ văn bản pháp luật đó.
Các quy định về bãi bỏ, đình chỉ nêu trên thực ra lâu nay có lẽ cũng ít phải thực hiện, bởi do đặc thù mô hình hệ thống nhà nước, nhưng dù rất ít khi được áp dụng nhưng không phải là không cần thiết.
Những quy định như vậy là cơ chế sức mạnh để các cơ quan bên dưới ý thức được trách nhiệm trước cấp trên, đó là sự ràng buộc kiểm soát để thúc đẩy trách nhiệm.
Vậy nhưng các quy định đó lại bị lược bỏ trong dự thảo luật mới đang sửa đổi.
Trong dự thảo sửa đổi, nội dung về văn bản pháp luật có thể bị bãi bỏ đình chỉ được quy định khái quát ngay tại Điều 8, nhưng sau đấy lại không có cơ chế cụ thể cho việc này.
Luật cũ năm 2015 có hẳn một chương XV về Giám sát, kiểm tra, xử lý VBQPPL, còn dự thảo mới chỉ có quy định tại Điều 64 về Rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, trong đó nội dung chủ yếu là cơ quan nào ban hành thì chính cơ quan đó có trách nhiệm rà soát văn bản.
Cũng nên biết rằng luật cũ có tổng cộng 173 Điều trong khi dự thảo sửa đổi rút ngắn xuống chỉ còn 72 Điều.
Bởi vậy có thể thấy dự thảo sửa đổi lần này được thiết kế không phù hợp với tinh thần về kiểm soát quyền lực như đã được đặt ra trong chính văn bản dự thảo.
Thiết nghĩ các cơ quan nên cân nhắc đưa lại một số quy định như trước đây về giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản QPPL.
Nên thận trọng khi sửa luật
Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cùng với Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, đang được Quốc hội thảo luận xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường đầu năm 2025
Chỉ trong vài ngày quan tâm nghiên cứu bản thân tôi đã thấy được và chỉ ra nhiều điểm còn bất cập trong dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Do chưa kịp xem các văn bản dự thảo luật khác nên không biết trong các dự luật đó có còn những điểm bất hợp lý nào chưa được chỉ ra hay không?
Do thiên hướng tính cách quan tâm tới các vấn đề pháp luật cho nên mấy năm trước tôi đã đứng ra tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.
Mặc dù không trúng cử nhưng sau đấy những năm qua vẫn tích cực tham gia luận bàn đóng góp cho xây dựng chính sách pháp luật và có những quan điểm chủ kiến nhất định trước các vấn đề pháp luật.
Đối với việc điều chỉnh sửa đổi số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp tinh gọn bộ máy lần này, tôi cho rằng việc này cần được thực hiện một cách thận trọng.
Các văn bản ban hành trong những năm trước đây là những sản phẩm đã được đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng, dẫu rằng đâu đó vẫn còn tồn tại những bất cập nhưng các văn bản đã tích tụ trong đó tri thức pháp lý tốt nhất ở mỗi thời kỳ.
Bởi vậy cần hết sức lưu ý và đừng để sự gấp gáp trong hiện tại làm hư hại đi những sản phẩm đã được đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng đó.
Luật sư Ngô Ngọc Trai