Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đang diễn ra, sự kiện trọng đại đã làm khơi dậy niềm hứng khởi và những mối ưu tư về con đường phát triển của đất nước. Nhiều ý kiến bàn luận với nhiều tâm huyết trăn trở về lộ trình phát triển tương lai của dân tộc. Trong đó có ý kiến cho rằng mô hình “nhà nước kiến tạo” có thể là lựa chọn phù hợp với Việt Nam.
Xuất phát từ một số báo cáo đánh giá trước đây của chuyên gia kinh tế tại các định chế quốc tế như Ngân hàng thế giới, khi nghiên cứu về quá trình phát triển của các nước khu vực Đông Á, họ thấy được vai trò quan trọng của chính quyền nhà nước trong việc chủ động tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế.
Điều đã giúp các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore đạt được những thành tựu mau chóng trong thời gian ngắn, từ đó họ gọi chung là mô hình Đông Á, trong đó yếu tố chủ đạo của mô hình này là vai trò chủ động của nhà nước trong kiến tạo phát triển, đặt ra mục tiêu công nghiệp hóa và thúc đẩy đạt đến, điều này khác với sự vận hành của các nền kinh tế thị trường tự do truyền thống kiểu phương Tây vốn dành ít thẩm quyền cho chính phủ.
Có ý kiến hiện nay cho rằng Việt Nam nên phát triển theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng tôi cho rằng cần tính toán kỹ những hệ lụy của mô hình này, và với những yếu tố thực tiễn hiện nay thì mô hình nhà nước kiến tạo không còn phù hợp nữa.
Ngược xu hướng
Điểm đặc trưng nhất của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đó là dành quyền hạn to lớn của chính quyền nhà nước đối với nền kinh tế.
Thực tế các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đều đã từng tồn tại những giai đoạn mà quyền hạn to lớn của chính quyền nhà nước áp đặt lên đời sống kinh tế xã hội và bị cho là chế độ độc tài.
Trung Quốc hiện nay cũng theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển nên quyền hạn của chính quyền nhà nước đối với nền kinh tế cũng lớn tương tự.
Ở nước ta, kể từ thời kỳ còn làm ăn theo mô hình kinh tế tập thể cho đến sau đổi mới, chính quyền nhà nước cũng đều nắm giữ những quyền hạn to lớn đối với nền kinh tế.
Nhưng kể từ khi hội nhập kinh tế và xây dựng phát triển nền kinh tế theo hướng thị trường, chính quyền nhà nước đã thực hiện một loạt các hoạt động theo một lộ trình nhất quán tiết giảm dần vai trò của chính quyền nhà nước đối với nền kinh tế.
Ví như chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từ hàng chục năm qua nhà nước đã chuyển đổi hàng vạn doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân, đó bản chất là nhà nước tự rút bớt phạm vi quyền hạn của chính quyền đối với nền kinh tế. Nếu nhà nước muốn duy trì quyền hạn to lớn của mình đối với nền kinh tế thì chắc chắn đã không có chính sách này.
Nhà nước cũng đã xây dựng các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp tư nhân như thị trường chứng khoán. Chính phủ tiến hành cải cách thủ tục hành chính đầu tư tạo không gian thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, giảm dần độ lớn và sức ảnh hưởng của kinh tế nhà nước.
Một loạt những khung khổ hiệp định thương mại với các nước cũng có bản chất là nhà nước và chính phủ đã chấp nhận tự giới hạn mình, giảm bớt quyền hành của mình đối với nền kinh tế, chấp nhận những đòi hỏi của kinh tế thị trường. Nhà nước không còn là chủ thể toàn quyền đối với nền kinh tế nữa, thay vào đó nền kinh tế vận hành chịu sự chi phối của nhiều khung khổ thương mại đầu tư.
Với những thực tế như vậy, bây giờ quan điểm lại muốn thúc đẩy nâng cao vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế, qua mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, liệu có còn phù hợp nữa không?
Tính kỹ hệ lụy
Để thấy được hệ lụy của việc cổ xúy nâng cao vai trò quyền hạn của chính quyền nhà nước đối với nền kinh tế, lấy giả dụ như bằng cách đó nền kinh tế đã đạt được mục tiêu công nghiệp hóa đất nước rồi thì sao? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Chúng ta sẽ làm gì với khối quyền hành to lớn của nhà nước đối với nền kinh tế khi đó? Khi mà đã đạt được mục tiêu công nghiệp hóa rồi? Khối quyền hành đó được tích tụ đến khi đó sẽ không tự nhiên mất đi, vậy phải làm gì?
Điều có khả năng xảy ra tiếp theo là sẽ lại phải đặt ra những mục tiêu khác cao hơn để sử dụng cho được khối quyền hành nhà nước khi đó, một mục tiêu đại để giống như Giấc Mộng Trung Hoa mà hiện hay Trung Quốc đang thực hiện chẳng hạn. Họ làm việc đó vì phải có việc để làm cho khối quyền hành nhà nước to lớn không biết bỏ đi đâu.
Thực tế các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, quá trình công nghiệp hóa đồng thời với quá trình phát triển là một quá trình dân chủ hóa và xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Khi kinh tế phát triển họ giảm dần quyền hành của chính phủ nhà nước và củng cố thị trường.
Khi đó nền kinh tế thiếu vắng vai trò của chính phủ nhà nước thì sẽ ra sao? Có hỗn loạn suy sụp không? Thực tế cho thấy là không, nền kinh tế các nước đó vẫn đang phát triển.
Các lực lượng thị trường như các chủ doanh nghiệp, chủ tập đoàn, các hội doanh nghiệp, các ban công đoàn, các chủ xưởng tư nhân hay những nhóm nhỏ người lao động sản xuất nhỏ, họ sẽ đưa ra các quyết định, cùng với hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng, thông tin báo chí được tự do lưu chuyển, nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển.
Còn nếu muốn duy trì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển thì có thể thấy được ảnh hưởng qua vụ việc mới đây của một công ty con của Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma.
Công ty tài chính tách ra từ Alibaba dự kiến sẽ có đợt IPO với trị giá tới 35 tỷ USD, giúp tập đoàn Alibaba của Jack Ma đạt mức vốn hóa thị trường khoảng 315 tỷ USD trên hồ sơ, lớn hơn cả các ngân hàng JPMorgan Chase và Goldman Sachs.
Nhưng vì lý do quyết định nào đó từ phía chính quyền trung ương Trung Quốc mà việc phát hành cổ phiếu lần đầu không thực hiện được, khiến cổ phiếu của Alibaba Group Holding Ltd niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã sụt giảm tới 9,7% trong phiên sáng ngày 4/11/2020.
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế có thể chịu những tác động ảnh hưởng ra sao từ nhà nước kiến tạo phát triển.
Vấn đề ở tâm lý
Việc nhiều người muốn duy trì mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có nguyên nhân ở tâm lý nhận thức về vai trò quyền hạn to lớn của nhà nước và muốn tận dụng duy trì phát huy.
Việc giảm bớt quyền hành của chính quyền nhà nước đối với nền kinh tế là xu hướng đã thực hiện bấy lâu là điều hết sức bình thường, nhà nước đã thực hiện rồi, mặc dù vậy nhưng khi gọi tên, chỉ ra bản chất của điều đã là thực tế thì vẫn khiến nhiều người không cảm thấy thoải mái.
Hiện nay chính phủ không sử dụng thuật ngữ nhà nước kiến tạo mà sử dụng từ là chính phủ kiến tạo, theo đó chính quyền nhà nước sẽ hành động theo xu hướng kiến tạo khung khổ pháp lý, tạo lập sân chơi bình đẳng, tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đó mới là nhận thức hướng đi đúng.
Mặc dầu vậy mục tiêu phát triển vẫn có thể được đặt ra bởi phía chính quyền nhà nước, nhưng để đạt được mục tiêu thì lại phải dựa vào các lực lượng thị trường.
Theo đó, chỉ số tăng trưởng hay mục tiêu công nghiệp hóa đất nước sẽ được quyết định một phần bởi những tập đoàn như Samsung, Honda, Toyota, Apple xem có đầu tư mở rộng thêm nhà máy ở Việt Nam hay không, hay các tập đoàn như Vingroup, Vietjet, Sungroup, FLC có mở rộng đầu tư phạm vi hoạt động hay không.
Mức độ phát triển cũng phụ thuộc vào quyết định của những người nông dân sẽ nuôi thêm bao nhiêu lợn gà trong năm nay, một phụ nữ công nhân cần mẫn với công việc có quyết định sẽ mang bầu sinh con hay chưa, hoặc sự sáng tạo của một kỹ sư đưa ra sáng kiến mới cho một thiết bị máy móc.
Tựu chung lại, khi đất nước đã hội nhập đủ sâu, nền kinh tế đã phát triển đến một mức độ đủ phức tạp, các nguồn lực thị trường đã trở lên quan trọng, khi đó sẽ không còn mấy không gian phù hợp cho kiểu phát triển theo hoạch định của chính quyền nhà nước nữa. Và theo đó lý thuyết về “nhà nước kiến tạo” cũng mất đi tính khả thi vận dụng.
Bài đã đăng trên báo điện tử Viettimes tại đây: https://viettimes.vn/mo-hinh-nha-nuoc-kien-tao-co-con-phu-hop-voi-thuc-tien-hien-nay-post142407.html
Công ty luật TNHH Công Chính cung cấp dịch vụ pháp lý:
- Cử luật sư tham gia bào chữa cho Bị can, Bị cáo trong vụ án hình sự;
- Cử luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nguyên đơn, Bị đơn trong vụ kiện dân sự;
- Và các dịch vụ pháp lý khác;