Trần Thị Thùy Dương, cô gái sinh năm 1983 tại Huế, đã lừa dối hàng triệu khán giả bạn xem chương trình “Người xây tổ ấm”, khi tự nhận mình là nhân vật “Lượm” trong câu chuyện buồn thảm mà cô tự nghĩ ra. Sự việc này đem đến cho những người quan tâm hai cảm giác trái ngược: hài hước và bực mình, điều này nằm ngoài mong muốn của Ban biên tập chương trình Người xây tổ ấm, một chương trình mà ngay cái tên đã cho thấy sự nghiêm túc và tình yêu thương.
Sự việc mất đi vẻ hài hước và trở nên nghiêm trọng khi Cơ quan an ninh văn hóa (A25) vào cuộc và đang tiến hành điều tra, sắp tới đây sẽ có kết luận điều tra, chúng ta sẽ được biết việc làm của “Lượm” có phạm tội hay không và nếu có thì phạm tội gì? Song cho dù kết quả điều tra như thế nào đi nữa, bài học cho chúng ta thấy rõ là không được đùa với pháp luật.
Là người công tác trong ngành luật, tôi xin phân tích các yếu tố pháp lý của vụ việc, chia sẻ với bạn đọc các quy định pháp luật có liên quan.
“Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời”
“Lượm” tên thật ngoài đời là Trần Thị Thùy Dương trú tại số 4, kiệt 16 đường Chế Lan Viên, phường Trường An, thành phố Huế. Chị Dương đã tìm hiểu và viết bài tham gia cuộc thi “Viết về mối tình đầu của tôi” do trang báo điện tử tintuconline phối hợp cùng NXB Dân Trí tổ chức. Sau khi báo tintuconline đăng bài “Tình đời bất hạnh của cô bé bụi đời” do chị Dương viết về nhân vật tên Lượm, chị Dương nhận được lời mời tham gia chương trình Người xây tổ ấm. Trong suốt quá trình này, chị Dương luôn nhận mình tên Lượm, chính là nhân vật trong bài viết.
Nhân vật Lượm trong câu chuyện của chị Dương có mảnh đời xấu xố đến nỗi không khỏi khiến bạn đọc phải bật lên tiếng than… Lượm khi sinh ra bị bỏ rơi, được một người đàn bà ăn xin “lượm” được, bà gọi cháu tên Lượm. Hai bà cháu lang thang ăn xin kiếm sống qua ngày. Bà cụ chết, Lượm lam lũ sống một mình với lời dặn dò của bà: sống làm một người tử tế. Trong một dịp Lượm được một người đàn ông ra tay giúp đỡ thoát khỏi một hoàn cảnh khó khăn, và rồi người này đã đẩy Lượm vào một hoàn cảnh khó khăn hơn bằng việc lừa tình Lượm rồi bỏ đi để lại Lượm với đứa con trong bụng. Để nuôi con Lượm đã phải bán thân, bán ma túy kiếm tiền. Khi chẳng có gì để bán nữa, Lượm tham dự cuộc thi “Viết về mối tình đầu của tôi” những mong kiếm tiền chữa bệnh cho con…
Sau khi chương trình Người xây tổ ấm được phát sóng về nhân vật Lượm, bà con nơi chị Dương cư trú đã phản ứng. Bà con nhận ra cô Lượm trên truyền hình chính là cô gái Trần Thị Thùy Dương gần nhà. Theo đó, chị Dương có cha mẹ đều còn sống chứ không hề mồ côi và bị bỏ rơi. Chị Dương có gia đình riêng, có chồng, con và nhà riêng chứ không phải là không nơi nương tựa. Chị Dương được học hành và có nghề nghiệp đàng hoàng, hoàn toàn không có việc chị Dương làm gái bán dâm hay bị bắt vì bán ma túy. Cuộc đời của chị Dương không hề bất hạnh như câu chuyện về Lượm.
Sau khi xem chương trình, nhiều cá nhân và tổ chức gửi tiền ủng hộ Lượm. Chị Dương đã nhận được số tiền khoảng 10 triệu và đã cố gắng hoàn trả lại cho người ủng hộ.
Quan điểm của luật sư
Việc làm của chị Dương đã vi phạm vào Điều 258 Bộ luật hình sự.
Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Lưu ý, đây không phải là tội danh trong Chương về các tội xâm phạm An ninh quốc gia, Điều 258 nằm tại Chương XX. Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.
Về quyền tự do báo chí của công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định rõ:
Hiến pháp 1992: Điều 69. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin;
Luật báo chí 1990:
Điều 2. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
Điều 3. Các loại hình báo chí (được sửa đổi năm 1999)
Báo chí nói trong Luật này là báo chí Việt Nam, bao gồm: báo in (báo, tạp chí, bản tin thời sự, bản tin thông tấn), báo nói (chương trình phát thanh), báo hình (chương trình truyền hình, chương trình nghe – nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau), báo điện tử (được thực hiện trên mạng thông tin máy tính) bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài”.
Điều 4. Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Công dân có quyền : Tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin;
Việc chị Dương có bài viết tham dự cuộc thi “viết về mối tình đầu của tôi” của báo tintuconline, sẽ không có vấn đề gì kể cả khi chị hư cấu và tự nhận mình là nhân vật Lượm. Bởi tôn chỉ mục đích của cuộc thi không cần phải viết sự thật, mà cần viết hay. Việc chị nói dối mình chính là Lượm chỉ vi phạm mặt đạo đức con người.
Chương trình “Người xây tổ ấm” có tôn chỉ mục đích rõ ràng, đó là nêu lên những gương điển hình tiêu biểu đáng khâm phục để ghi danh, hoặc nêu các cảnh đời éo le cần sự giúp đỡ. Theo đó các thông tin chị Dương cung cấp phải là sự thật, không được hư cấu và đặc biệt không được giả dối.
Chương trình Người xây tổ ấm là kết quả của việc thực hiện quyền tự do báo chí của công dân. Chị Dương được mời tham gia chương trình cũng là kết quả của việc thực hiện quyền tự do báo chí. Việc chị Dương đồng ý hay từ chối đều là thực hiện quyền tự do báo chí của mình.
Song chị Dương đã lợi dụng quyền tự do báo chí của mình để cung cấp thông tin giả dối cho báo chí, lừa dối những người làm chương trình, lừa dối khán giả truyền hình. Mục đích của chị Dương có thể là làm vì tò mò, thích thú được lên truyền hình, nhưng rõ ràng là có sự xem thường pháp luật.
Hành vi của chị Dương đã xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Chương trình “Người xây tổ ấm” thuộc Đài truyền hình Việt Nam VTV, việc làm của chị Dương đã làm mất đi uy tín, thương hiệu của nhà đài.
Đối với tổ chức, cá nhân, sau khi trương trình được phát sóng, nhiều tổ chức, cá nhân đã đóng góp tiền ủng hộ Lượm, cho dù chị Dương có hoàn trả lại toàn bộ số tiền được ủng hộ thì những người này vẫn bị xúc phạm, tổn thương và thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt bạn xem truyền hình khi xem chương trình “Người xây tổ ấm”, những tưởng được cung cấp thông tin người thật việc thật, họ đã bị lừa dối, họ đã bị xâm phạm vào quyền được cung cấp thông tin trung thực.
Hành vi của chị Dương là đã lợi dụng quyền tự do báo chí của mình, cung cấp thông tin giả dối, xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Do vậy đã vi phạm vào Điều 258 Bộ luật hình sự như đã nêu trên.
“Người mất đi tổ ấm”
Chị Dương đã dành nhiều thời gian và tâm trí để nghĩ nhiều về một con người xấu xố giả tưởng tên Lượm, và sự thực chị Dương đang trở thành một con người xấu xố. Cuộc sống của chị Dương hiện tại chính là kết quả của những điều chị thường xuyên suy nghĩ đến – những cảnh đời bất hạnh. Thay vì nghĩ những điều tích cực, làm những việc có ích, chị lại dành tâm lực cho những điều nhảm nhí, xấu xí. Hiện tại tổ ấm gia đình của chị bị xáo trộn, bản thân chị đang sống trong hoang mang, đó chính là hệ quả từ những việc làm không đúng đắn, coi thường pháp luật của chị.
Qua vụ việc này chúng ta thấy rằng không khi nào được đùa với pháp luật.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
Bài đã đăng trên Diễn đàn dân luật tại Đây