Luật sư Việt Nam đang đứng trước mối nguy xâm phạm nghề nghiệp khi dự thảo Bộ luật hình sự sửa đổi quy định, luật sư bào chữa phải có trách nhiệm tố giác thân chủ khi biết thân chủ phạm vào một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Nhiều người cho rằng quy định này là một bước thụt lùi của cải cách tư pháp, cho thấy đâu đó có những nhận thức ác cảm thiếu thân thiện với giới luật sư khi xâm phạm vào nguyên tắc nghề nghiệp căn bản nhất của nghề này.
Việc làm này vô tình hay cố ý đều làm suy yếu danh diện, sự tín nhiệm của giới luật sư trong con mắt cộng đồng xã hội, qua đó gián tiếp làm xói mòn những giá trị căn bản của tư pháp độc lập.
Vậy hành vi xâm hại tới giới luật sư qua đó gián tiếp làm kém thêm vị thế quyền hạn của nền tư pháp trong hệ thống nhà nước và xã hội, thì đó liệu có phải là một việc làm cố ý có mục đích? Không loại trừ khả năng này và để thấy rõ hơn thì có thể nhìn từ trường hợp các nước.
Kìm hãm tư pháp
Hai năm trước tôi tình cờ đọc hai cuốn sách liền nhau và có cùng một nội dung đáng chú ý về tư pháp, của hai nước láng giềng gần gũi với Việt Nam là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là cuốn sách ‘Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc’ và cuốn ‘Nhật hoàng Hirohito và công cuộc kiến thiết nước Nhật hiện đại’.
Hai cuốn sách này đều có chung một nội dung đáng chú ý là khi đất nước ở vào những giai đoạn độc tài quân phiệt thì họ đều làm suy yếu đi thiết chế tư pháp. Bởi lẽ bản chất của độc tài là hành xử tùy tiện không theo pháp luật và kẻ độc tài muốn làm sai mà không bị xử lý. Muốn thế thì phải thao túng hoặc làm suy yếu đi thiết chế tư pháp vốn có chức năng xử lý sai phạm của giới lãnh đạo.
Các cuốn sách cũng cho thấy một trong những công việc được thực hiện sớm nhất khi đất nước thoát khỏi ách độc tài và chuyển sang dân chủ là người ta cho khôi phục lại quyền lực tư pháp.
Trường hợp Hàn Quốc, trong giai đoạn độc tài của nhà lãnh đạo Park Chung Hee thì ông này đã bị nhiều phản đối của các phe phái đối lập và thành phần xã hội dân sự, trong đó đặc biệt là các cuộc biểu tình phản đối các chính sách của Tổng thống của giới học sinh sinh viên.
Khi chính quyền của Tổng thống Park đàn áp họ muốn bắt giữ các thủ lĩnh sinh viên nhưng cần phải có lệnh bắt giữ của các thẩm phán tòa án. Khi các thẩm phán từ chối ra lệnh bắt thì lực lượng vũ trang với súng cầm tay đã xông vào tòa án buộc thẩm phán phải đưa ra lệnh bắt.
Đây là đoạn mô tả nói lên sự xâm phạm thô bạo của quyền lực độc tài đối với nguyên tắc độc lập của tòa án. Đọc đến đấy tôi lại hình dung liên hệ đến Việt Nam, vì tôi đặt câu hỏi rằng việc bắt giữ sao phải cần lệnh của tòa án, tại sao cảnh sát không bắt luôn cần gì phải lệnh?
Bởi vì ở Việt Nam lâu nay pháp luật cho phép cơ quan điều tra và viện kiểm sát được tự ra lệnh bắt mà không cần xin phép tòa án.
Như thế tôi thấy rằng mặc dù chính quyền độc tài của Tổng thống Park Chung Hee bị lên án vì xâm phạm thô bạo nền tư pháp, nhưng dù sao nền tư pháp Hàn Quốc cũng đã được lập trình xây dựng theo các nguyên tắc của tòa án dân chủ.
Nhờ điều này cho nên mặc dù đôi lúc đã bị tấn công bởi bạo quyền nhưng các nguyên tắc căn bản của nền tư pháp dân chủ vẫn được duy trì, nhờ đó nền tư pháp Hàn Quốc đã không bị tha hóa, sau này lại trở thành trụ cột vững trãi giúp cho quá trình chuyển hóa sang dân chủ của Hàn Quốc được yên bình.
Trường hợp Nhật Bản thì cuốn sách cho thấy, trong suốt quãng thời gian trước và trong giai đoạn thế chiến thứ hai chế độ quân phiệt đã tự tung tự tác đưa ra các quyết định chiến tranh vượt thẩm quyền của quốc hội và làm suy yếu đi vai trò của tòa án để tránh bị xử lý vi phạm luật.
Cho đến khi Tướng Mỹ là Douglas MacArthur tiếp quản nước Nhật lên kế hoạch xây dựng lại hiến pháp cho Nhật Bản thì ông đã khôi phục lại quyền lực cho Tòa án vốn đã bị làm cho suy yếu dưới chế độ quân phiệt.
Các chế độ độc tài đều có điểm chung là can thiệp vào tư pháp theo đủ các kiểu, ví như bổ nhiệm những thẩm phán cao cấp có quan điểm khuynh hướng chính trị ủng hộ nhà độc tài. Khi đó tòa án trở thành công cụ để nhà độc tài trấn áp các phe phái và thành phần đối lập cũng như bảo vệ mình khỏi bị xét xử về các sai phạm.
Nhìn lại Việt Nam
Không còn gì nghi ngờ nữa, quyền tư pháp ở Việt Nam bị thiết kế sắp đặt vào vị thế rất kém và Tòa án phụ thuộc trực diện rõ ràng vào đảng chính trị lãnh đạo toàn diện đất nước.
Chế độ chính trị ở Việt Nam bị nhiều nước cho là độc tài toàn trị, cho nên hệ thống tư pháp được tổ chức phân bổ quyền hạn không giống như các nước, không theo các nguyên tắc của một tư pháp dân chủ.
Điều này dẫn đến nhiều quy định pháp lý khác với các nước, ví như quyền bắt giữ thay vì thuộc về tòa án thì cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều được tự bắt giữ. Nếu có khiếu nại thì thay vì được xét xử bởi một tòa án độc lập thì lại được giải quyết bởi chính cơ quan đã bắt giữ.
Hoặc như việc Tòa án khi xét xử khi không đủ cơ sở để kết tội thì thay vì tuyên bị cáo vô tội thì tòa lại giao trả hồ sơ cho cơ quan công tố để củng cố cơ sở kết tội. Dẫn đến trong việc xét xử ở Việt Nam hầu như không có bản án được tuyên vô tội tại phiên tòa.
Quyền bào chữa của bị can cũng được thiết lập rất kém, gián tiếp thông qua việc ấn định những việc có thể làm rất hạn chế của luật sư bào chữa. Quá trình điều tra luật sư không được gặp riêng thân chủ để trao đổi tư vấn, mà chỉ được gặp khi điều tra viên lấy cung và cũng chỉ được ngồi nghe, muốn hỏi phải được điều tra viên đồng ý cho phép.
Quyền im lặng của bị can cũng không được thực hiện, luật không quy định nên khi luật sư tư vấn cho thân chủ anh có quyền từ chối trả lời câu hỏi thì rất có thể bị lập biên bản và xử lý luật sư vì đã có hành vi gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Thực tế nhiều trường hợp phản ánh đã bị đánh đập bức cung nhưng luật sư cũng khó thể làm gì, vì những hành vi xâm phạm nhân phẩm con người đó lại xảy ra trong tình trạng cách ly khép kín và không bị giám sát.
Nhận thấy nhiều vấn đề tư pháp bất cập, Đảng cộng sản và Nhà nước lâu nay cũng đang có những nỗ lực thúc đẩy cải cách tư pháp, nhằm giải quyết những bất cập tác hại và tối đa hóa việc bảo vệ các chuẩn mực tư pháp, nhưng hiệu quả còn rất ít ỏi, tiến bộ mới chỉ trên giấy song luật lại cũng bị hoãn thi hành.
Nay nhiều người lại muốn ràng buộc trách nhiệm luật sư phải tố giác thân chủ trong một số trường hợp nếu không sẽ bị xử lý hình sự. Đây thực sự là một bước thụt lùi của cải cách tư pháp khi xâm hại vào nguyên tắc căn bản của nghề luật sư là bảo vệ thân chủ và giữ bí mật khách hàng.
Làm suy yếu giới luật sư cũng là làm suy yếu đi nền tư pháp đi ngược với chính sách cải cách tư pháp, đây có lẽ là một nỗ lực ngược dòng của một bộ phận giới chức trong hệ thống, nhằm duy trì những lợi quyền bất chính mà sự lạm quyền vốn đã đem lại cho họ.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Luật sư và nền tư pháp cùng chung số phận hẩm hiu’