Năm 1963 ở nước Mỹ, một người đàn ông tên Ernesto Miranda bị bắt giữ vì tội bắt cóc và cưỡng dâm. Quá trình điều tra ông đã khai nhận tội nhưng không được thông báo về quyền im lặng cũng như quyền có luật sư có mặt trong phòng khi cảnh sát thẩm vấn.
Tòa án tối cao nhận thấy Miranda nhận tội do bị đe dọa cho nên bác bỏ các chứng cứ kết tội và không kết án ông.
Tuy nhiên sau đó Miranda bị kết án trong vụ xét xử mới, lần này bên công tố dựa vào nhân chứng và chứng cớ khác, với kết quả Miranda bị 11 năm trong tù.
Từ vụ án của Miranda Tòa án Mỹ đưa ra một quy định ràng buộc cứng, đó là trước khi thẩm vấn lấy lời khai cảnh sát phải thông báo cho nghi phạm hình sự như sau, được gọi là lời cảnh báo Miranda lấy tên từ một vụ án đã thiết lập nên quy định này:
“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư”.
Quay trở lại Việt Nam, lâu nay có nhiều vụ án ban đầu bị can nhận tội tại giai đoạn điều tra, nhưng sau khi kết thúc điều tra đến khi ra tòa hay khi được cho tại ngoại thì bị can thay đổi lời khai, chối tội và cho rằng mình bị đánh đập bức cung.
Nhưng Tòa án thường vẫn sử dụng các lời khai nhận tội trước kia và cho rằng nó phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ cho nên đủ cơ sở để kết tội, tức là vẫn sử dụng những lời khai bị cáo buộc là bức cung. Cách kết tội như vậy đã tạo ra môi trường dung túng cho các hành vi bạo lực.
Tôi cho rằng thực tế này phải thay đổi, cần đặt ra những tiêu chí cao hơn, tiêu chuẩn khắt khe hơn cho việc kết tội. Những lời khai bị cho là bức cung nhục hình, nếu cơ quan điều tra ko chứng minh được việc lấy lời khai là tự nguyện thì sẽ không được sử dụng trong vụ án và phải bị hủy bỏ.
Vì bây giờ luật đã quy định về quyền im lặng và ghi âm ghi hình khi hỏi cung rồi, do vậy cơ quan điều tra hoàn toàn có cơ sở điều kiện để chứng minh cho hoạt động điều tra của họ là đúng luật.
Trước mắt bằng thực tiễn hành nghề, tôi sẽ yêu cầu đề nghị hủy bỏ và không sử dụng những biên bản ghi chép lời khai mà bị can khai báo rằng mình đã bị đánh đập bức cung buộc phải khai báo.