Trong khi theo dõi bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều người ở Việt Nam cũng muốn được tham gia vào đời sống sinh hoạt chính trị sôi động như lễ hội ở Mỹ, đối ngược với đời sống chính trị tẻ nhạt bấy lâu nay.
Vậy có giải pháp nào đáp ứng được cho nhu cầu sinh hoạt chính trị ngày càng lớn của người dân?
Chính trị là ý kiến
Nền chính trị dân chủ của Mỹ một phần nằm ở sự vận hành của các thiết chế, với những thể lệ thủ tục bầu cử khi đến dịp, một phần khác nằm ở các tập quán và tính cách công dân.
Kiểu như họ rất tích cực bàn luận đối thoại về các vấn đề, lắng nghe lẫn nhau để tìm ra lựa chọn hợp lý, do tính dân chủ và tự do nên không ai ngần ngại khi bày tỏ ý kiến.
Theo đó, tính cách phổ quát nhất của người Mỹ là họ thường xuyên bày tỏ ý kiến, mà việc bỏ phiếu trong đợt bầu cử chỉ là một hình thức bày tỏ ý kiến khi đến dịp.
Về phía lãnh đạo chính trị thì họ cũng thường xuyên bày tỏ ý kiến quan điểm. Một người như ông Trump sẽ phải nói rất nhiều. Công việc của ông ấy là thường xuyên đi nhiều nơi, gặp nhiều người và chia sẻ bàn luận rất nhiều ý kiến.
Ông Trump làm vậy để truyền đạt tầm nhìn quan điểm của mình tới mọi người, để thảo luận tìm được sự ủng hộ của người khác về rất nhiều vấn đề của nước Mỹ.
Nào là thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài, nào là vấn đề nông sản Mỹ xuất khẩu đi các nước, nào là vấn đề người nhập cư, xây bức tường biên giới với Mexico, nào là bổ nhiệm một chức vụ trong chính phủ, nào là quan hệ với một nước Châu Phi hay là vấn đề khủng bố ở Trung Đông ..v.v.
Tựu chung lại là sự chia sẻ ý kiến, không thể nào có chuyện một nhà lãnh đạo chính trị mà lại ít nói, nếu không nói thì phải viết. Bởi nếu không thì không ai biết ông nghĩ gì, không thấy được con đường do lãnh đạo vạch ra, người ta sẽ cho rằng khả năng là nhà lãnh đạo thiếu tri kiến về các lĩnh vực đời sống, hoặc công chúng sẽ đặt câu hỏi trách nhiệm khi người dân thảo luận vấn đề thì lãnh đạo chính trị ở đâu?
Cho nên trong đời sống chính trị dân chủ như ở Mỹ, bằng chứng từ cả phía người dân lẫn lãnh đạo chính trị cho thấy, chính trị chính là ý kiến.
Bày tỏ ý kiến trên mạng
Do vậy đối với người Việt, nếu có mong muốn được tham gia vào đời sống chính trị sôi động hào hứng thì việc đầu tiên có thể bắt đầu bằng việc bày tỏ ý kiến. Viết trên facebook cũng chính là phương thức thực hiện nằm trong khả năng thích hợp.
Điều đó thực ra cũng đòi hỏi một sự lao động nghiêm túc miệt mài, khi thảo luận từ vấn đề này sang vấn đề khác, đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm và tính cách xây dựng.
Bằng cách viết, dù là trên facebook, không ai cấm được một người tham gia vào đời sống chính trị, tìm giải pháp cho các vấn đề đất nước, trong đó có các vấn đề về xây dựng thể chế chính sách pháp luật, hoạch định đường lối phát triển và quản trị quốc gia.
Ở Việt Nam lâu nay, nhiều người quy giản vấn đề chính trị chỉ là ở chỗ quyền lực chính trị, trong khi quyền lực chính trị hay việc nắm giữ chức quyền nhà nước, chỉ là một phần trong đời sống chính trị quốc gia mà thôi.
Ngoài vấn đề quyền lực chính trị, thì đời sống chính trị còn rất nhiều hoạt động khác, đó là khi bộ máy chính trị hay cỗ máy nhà nước vận hành, tạo ra những tác động vào đời sống xã hội, trong quá trình đó việc luận bàn giải pháp chính sách cho các vấn đề cũng là hoạt động chính trị.
Theo tôi, do quy giản chính trị chỉ ở chỗ quyền lực, tập trung vào vấn đề chế độ nhà nước, nhiều người đã tự hạn chế mình trước đời sống chính trị vốn rất phong phú sôi động, làm lãng phí năng lực bản thân, khiến người dân ít được nhờ cậy ở họ hơn trong khi tiềm năng họ có thể.
Có thể mỗi người có những lý do hoàn cảnh đưa đẩy đến như vậy, nhưng tôi cho rằng cần tích cực chủ động tham gia, người ta không cho thì mình cũng cứ sấn vào, người ta đẩy ra thì mình cũng cứ tiến tới, tích cực luận bàn ý kiến, trau dồi kiến thức để có thể đưa ra giải pháp vấn đề một cách thực tế.
Bằng cách đó sẽ tạo lập những tập quán và tính cách công dân của một nền chính trị dân chủ lành mạnh, những cái đó khi có rồi sẽ tác động trở lại thể chế, tạo lập lên những thể lệ thủ tục mới tiến bộ trong bầu cử ứng cử.
Đó là cách khả dĩ giúp cho nhiều người Việt có thể tham gia vào đời sống chính trị hiện nay. Ở đó cũng có sự hào hứng nhất định, thay vì chỉ nghĩ đến việc bầu cử và cầm lá phiếu đi bỏ vào ngày bầu cử như ở Mỹ.
Bỏ phiếu cho vấn đề
Có thể ở Việt Nam chưa có dịp để nhiều người được bỏ phiếu cho nhân sự mình ưa thích, và các đợt sinh hoạt chính trị bầu cử thì nhàm chán.
Dẫu vậy mọi người hoàn toàn có thể bỏ phiếu cho từng vấn đề một, tham gia vào các đợt vận động thường xuyên trên mạng xã hội, đó là quyền và khả năng nằm trong tay mỗi người.
Tức là hiện tại có nhiều văn bản chính sách pháp luật đang được bàn thảo, nhiều vấn đề pháp lý gây tranh cãi, nhiều vấn đề đời sống xã hội được phát hiện trên mạng xã hội, qua những bài viết của các chuyên gia, luật sư, nhà báo, nhà hoạt động xã hội mà chúng được nêu ra, thực tế là có nhiều vấn đề rất hay, rất thiết thực, có ảnh hưởng thực tế.
Vậy thì bằng cách bày tỏ ý kiến ủng hộ cho vấn đề, chia sẻ các bài viết, đó chính là cách một người thể hiện ý chí của mình trước vấn đề, đó chính là một cách bỏ phiếu cho mỗi vẫn đề ở VN.
Thực tế đó cũng chính là cách để một người tham gia vào đời sống chính trị, giống như những người đi bỏ phiếu hoặc những nam nữ thanh niên vẫy cờ cổ vũ và giúp đỡ người đi bỏ phiếu ở bên Mỹ vậy.
Đó thực ra cũng là một cách vận động sinh hoạt chính trị không tệ, dù là trên mạng xã hội, cũng hào hứng và tạo được hiệu quả, bởi phía các ban ngành nhà nước hiện cũng rất lắng nghe và coi trọng dư luận mạng xã hội.
Nếu sau khi vấn đề được phía nhà nước tiếp thu tháo gỡ, đó chính là một đợt sinh hoạt vận động chính trị thành công.
Cũng khi đó, trong cộng đồng mạng sẽ nổi lên một số gương mặt, bàn luận vấn đề có chiều sâu chất lượng, luận giải thuyết phục, nếu họ trụ được qua thời gian, vượt qua thử thách kiểm tra moi móc các kiểu, thì đó cũng chính những nhà lãnh đạo chính trị, nếu như ở các nước thì họ sẽ ứng cử nghị sĩ, thống đốc hoặc Tổng thống.
Mọi người có thể ủng hộ những lãnh đạo đó trên mạng, cũng giống như ở Mỹ các ứng viên được sự ủng hộ của cử tri.
Lắng nghe
Vừa rồi ở các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bão lũ nặng nề, rất nhiều người đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ đông bào bị lũ lụt.
Ngay khi ca sĩ Thủy Tiên công bố trên facebook số tiền quyên góp đã lên tới 100 tỷ đồng, bằng cảm thức của một luật sư, tôi thấy cần rà soát ngay hành lang pháp lý quy định về vấn đề này, để bảo hộ cho những việc làm của nhiều người, giống như của ca sĩ Thủy Tiên.
Thực tế tôi tin mình là người đầu tiên lên tiếng chỉ ra sự lạc hậu của nghị định 64/2008/NĐ-CP của chính phủ, quy định chỉ những tổ chức đơn vị của nhà nước mới được đứng ra thực hiện các hoạt động kêu gọi quyên góp và trao tiền giúp đỡ đồng bào bị lụt.
Ý kiến đưa ra nghiêm túc thận trọng, với tinh thần xây dựng và chiều sâu chất lượng, đã có rất nhiều người bày tỏ quan điểm thái độ ủng hộ nội dung bài viết, với hàng nghìn lượt like và gần 500 lượt share.
Sau đó các báo cũng có bài phản ánh, nhiều luật sư đồng nghiệp, các nhà hoạt động xã hội và facebooker tiếng tăm cũng luận bàn về sự việc. Kết quả cuối cùng là thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát lại văn bản và khẩn trương thay thế nghị định 64.
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy, từ sự biểu đạt ý kiến quan điểm trên mạng xã hội, đã đưa đến những thay đổi trong quy định chính sách, là bằng chứng cho thấy mạng xã hội cũng là không gian sinh hoạt chính trị hiệu quả, tuy không chính thức và đang được các cấp các ngành chịu khó lắng nghe.
Bài đã đăng trên BBC News Tiếng Việt tại đây: Google search ‘Lãnh đạo Việt Nam đang chịu khó lắng nghe mạng xã hội?’