Hôm 25/4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành việc xin lỗi công khai đối với ‘tử tù’ Hàn Đức Long, người đi tù oan 11 năm và chịu 4 bản án tử hình.
Buổi xin lỗi thực hiện tại Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phúc Sơn thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nhưng buổi này đã diễn ra không thành công do phía gia đình cháu bé nạn nhân phản ứng gây hỗn loạn tại hội trường. Họ phản đối xin lỗi và đòi phải tìm ra thủ phạm.
Trong không khí hỗn loạn xô đẩy chửi bới, không có ai ngồi mà tất cả đều đứng, vị cán bộ tòa án ‘cố đấm ăn xôi’ đọc cho xong nội dung trang văn bản đã soạn sẵn, trong cái cảnh mà tôi đứng cách 3 mét không nghe được một chữ nào.
Ông Hàn Đức Long đã không thể tham dự để lắng nghe những lời xin lỗi mình, cũng không thấy đại diện nào của các ban ngành tư pháp ở Bắc Giang tham gia.
Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thì:
“Khi tổ chức xin lỗi công khai phải có sự tham gia đầy đủ của người đại diện các cơ quan tư pháp đã tham gia giải quyết vụ việc, mà trong vụ án của ông Hàn Đức Long thì phải có đại diện các ban ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang và tư pháp trung ương tham gia.”
Thông tư cũng yêu cầu việc trực tiếp xin lỗi công khai phải thực hiện nghiêm túc, trang trọng; sau khi người đại diện trình bày lời xin lỗi, người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu tiếp nhận lời xin lỗi. Phải đảm bảo thời gian cho người bị thiệt hại hoặc người đại diện của họ phát biểu.
Quy định là thế nhưng thực tế thì có thể tóm gọn là buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long đã hoàn toàn thất bại và thực hiện không đúng theo các quy định.
Đó là những gì mà người ta đã làm để thực thi công lý.
Đó là những gì mà một người bị đi tù oan 11 năm, chịu 4 bản án tử hình, với 6 năm chịu cảnh sống giam cầm cùm chân trong phòng dành cho tử tù, được nhận.
Cán bộ tòa án sau khi đọc xong văn bản đã ngay lập tức lên xe ra về trong sự dẹp lối đưa đường của nhân viên công an.
Việc thực thi công lý theo đó có tính chất bỏ chạy.
Tòa án ‘không có sức mạnh’
Những gì đã diễn ra cho thấy tòa án không hề có sức mạnh, trong khi đại diện tòa án hoàn toàn có thể làm khác.
Lẽ ra họ đã có thể đình hoãn việc xin lỗi, yêu cầu các ban ngành chính quyền làm nhiệm vụ giữ trật tự hoặc quyết định tổ chức lại vào một ngày khác.
Tại sao cán bộ tòa án lại không làm thế? Họ sợ mất công mất việc của họ và của các ban ngành khác chăng? Hay họ sợ việc tổ chức lại sẽ làm phiền người khác, gây tốn kém, các cấp không chịu?
Vậy đó có phải là vì quyền hạn chính trị và pháp lý của tòa án yếu kém? Người đại diện của Tòa án đã không thể ra một quyết định kịp thời đúng đắn vì họ kém thẩm quyền, việc họ tổ chức xin lỗi công khai phải có sự tham gia của nhiều ban ngành liên quan, mà vai trò của vị cán bộ tòa án không chi phối chỉ đạo được.
Những gì đã diễn ra tại buổi xin lỗi phản ánh sự thật về năng lực của tòa án, năng lực thực thi công lý của tòa án, cũng như phơi bày bộ mặt quan hệ xã hội giữa người dân và nền tư pháp.
Đó là những gì mà hẳn mọi người không mong muốn.
Điều mọi người mong muốn là nền tư pháp mà trong đó tòa án là thiết chế trung tâm phải đủ mạnh để có thể kiến tạo được công lý, thực thi được công lý.
Những việc làm và quyết định của tòa án phải đủ hiệu năng thẩm quyền buộc các ban ngành khác phải tuân theo, thay vì tòa án chỉ là một cơ quan đồng cấp, ngang cấp, hoặc kém cấp.
Một ví dụ khác
Vào tháng 10/2015 xảy ra vụ án thiếu niên Đỗ Đăng Dư 17 tuổi bị đánh chết khi đang bị giam giữ trong trại tạm giam số 3 của Công an Thành phố Hà Nội.
Vụ án đã nhận được sự quan tâm rất lớn của báo chí và cộng đồng xã hội ở thời điểm đó. Nhiều lãnh đạo cấp cao khi đó đã lên tiếng chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ như Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Sau đó cũng khá nhanh chóng, cơ quan điều tra đã hoàn tất việc điều tra, xác định thủ phạm và đề nghị Viện Kiểm sát tiến hành truy tố.
Nhưng sau đó là một quãng thời gian kéo dài và việc giải quyết chậm chạp.
Từ đó đến nay đã một năm rưỡi mà vụ án vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Gần một năm sau ngày xảy ra vụ án, vào tháng 9/2016 Tòa án Hà Nội mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, và tới nay là gần một năm rưỡi Tòa án Cấp cao tại Hà Nội vẫn còn đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm.
Đối với một vụ án xảy ra cũng tương đối rõ ràng, hiện trường được xác định, có nhân chứng, thủ phạm đã nhận tội, vậy tại sao tòa án lại dây dưa kéo dài mà không thể sớm xử lý dứt điểm?
Tôi cho là có cùng một nguyên nhân. Đó là vị thế quyền hạn của tòa án yếu kém, cho nên đã yếu kém trong việc thực thi công lý.
Trong vụ án Đỗ Đăng Dư, nổi lên vấn đề trách nhiệm của các cơ quan và nhân viên tư pháp liên quan, và có lẽ vì sự nể nang bênh vực giúp đỡ cho nhau nên tòa án đã không thể thẳng thừng giải quyết theo đúng pháp luật.
Nếu tòa án có thẩm quyền lớn mạnh, không phải e dè nể nang các cơ quan tư pháp liên quan, thì tòa án phải hành xử kiểu khác.
Thực tế là tòa án đã lảng tráng, không muốn hoặc không dám đối diện với thực tại, dây dưa kéo dài chậm giải quyết dứt điểm.
Sự dây dưa kéo dài không có những lý do chính đáng, không do lỗi ở tòa.
Đối với một vụ án ban đầu đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng, nếu tòa án đã tự gây ra rủi ro cho mình thì đó chỉ có thể là do tòa án yếu kém, bị áp lực để hoãn binh cứu chữa cho người khác.
Tòa án đã không đủ mạnh để có thể làm tốt hơn vài trò thực thi công lý.
Giải pháp nào cho ngành tư pháp?
Cái tình trạng thực tại của tòa án Việt Nam là một điều đáng buồn.
Và giải pháp cho ngành tòa án là cái đáng mong muốn không chỉ cho giới tòa, mà cho cả giới luật sư, cho người dân, và cho tất cả những ai mong muốn có công lý.
Cần phải nâng cao vị thế quyền hạn của tòa án, để những ý kiến, những quyết định, những văn bản của tòa án là cái có hiệu lực hiệu quả buộc phải tuân thủ đối với các cơ quan ban ngành.
Để tòa án có thể quyết định hoãn buổi xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long, yêu cầu chính quyền xã, huyện và tỉnh Bắc Giang phải hành động đảm bảo trật tự, để buổi lễ diễn ra trang trọng theo đúng quy định pháp luật đã ban được ban hành.
Để việc làm của tòa án – việc xin lỗi công khai, xứng đáng với một sự đầu tư thích đáng về thời gian, tiền của vật chất, và tinh thần trách nhiệm của các ban ngành chính quyền liên quan.
Để những quy định trong văn bản thông tư liên tịch không phải là những điều nhảm nhí.
Để pháp luật được thượng tôn và quyền lợi chính đáng của người dân có thể được bảo vệ.
Điều đó mới thể hiện cái tầm và vị thế của tòa án trong thực thi công lý.
Điều cuối cùng thì người dân thì nên nhớ rằng tòa án về bản chất là thiết chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, cho nên chăm lo cho tòa án là chăm lo bảo vệ quyền lợi cho chính mình.
Một người công dân khôn ngoan là một người đòi hỏi lớn quyền cho tòa án.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Làm sao để tòa án bảo vệ được công lý?’