Mới đây Chính phủ thông qua, ban hành Nghị định số 67 quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm ghi hình bí mật.
Theo văn bản này, cơ sở kinh doanh chỉ được bán thiết bị ngụy trang ghi âm ghi hình bí mật cho những đối tượng được pháp luật cho phép được sử dụng các thiết bị đó, bao gồm cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cơ quan có trách nhiệm thi hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật theo điều kiện, thẩm quyền, trong tố tụng hình sự đặc biệt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.
Vấn đề này trước đây khi Bộ Công an trình văn bản dự thảo đã bị dư luận phản đối gay gắt khi quy định chỉ một số cơ quan nhà nước nhất định mới được sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình bí mật.
Lý do dư luận phản đối là người dân cần được sử dụng các thiết bị này để phòng vệ chống chọi lại đủ mọi loại hành vi lạm quyền, tiêu cực, bạo hành xảy ra trong đời sống xã hội hiện nay. Mà những hành vi này về cơ bản thuộc về các cán bộ nhân viên công quyền.
Bộ Tư pháp khi thẩm tra văn bản dự thảo cũng đã có ý kiến rằng văn bản được ban hành là vì Luật Đầu tư đã được Quốc hội sửa đổi đưa hoạt động kinh doanh thiết bị ngụy trang ghi âm ghi hình bí mật vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bộ Tư pháp cho rằng văn bản về phạm vi chỉ điều chỉnh hoạt động điều kiện kinh doanh, xem những tổ chức cá nhân nào đáp ứng những điều kiện gì thì được kinh doanh và không điều chỉnh thành phần sử dụng thiết bị.
Bộ Tư pháp cũng cho biết Nghị định sẽ không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị này.
Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng luật. Thế nên trong dự thảo Nghị định này không thể cấm anh A, anh B sử dụng thiết bị A, thiết bị B được.
Nhưng tới nay, bất chấp các ý kiến phản biện, bất chấp sự hợp lý và đúng luật, Chính phủ vẫn ban hành Nghị định với nội dung tuy thay đổi về vị trí câu chữ nhưng vẫn giữ nguyên bản chất, cấm cản người dân được sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình bí mật.
Luật sư tố giác thân chủ?
Một quy định khác cũng đang gây tranh cãi trên nghị trường Quốc hội, đó là quy định buộc luật sư phải tố giác thân chủ khi phát hiện thân chủ phạm vào một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Đây thực chất cũng chỉ là một trong số đầy rẫy các quy định pháp lý lầm lạc gây ra bởi các nhà làm luật mà thôi.
Nó cũng sai trái như quy định về người dân thường không được mua và sử dụng thiết bị ghi âm ghi hình bí mật, vấn đề tưởng như đã bị hủy bỏ nhưng rốt cuộc nó vẫn thay hình đổi dạng tồn tại trong Nghị định đã được Chính phủ thông qua.
Kẻ phạm tội thì phải tin tưởng vào luật sư, tin luật sư là người bảo vệ cho mình thay vì là người kết tội mình, có thế thì kẻ phạm tội mới dám chia sẻ trao đổi về vụ án, để từ đó làm tăng tác dụng hiệu quả của việc bào chữa.
Trong khi trước nay vai trò của người bào chữa vốn đã rất yếu kém, quyền của bị can bị cáo cũng thường xuyên bị xâm phạm coi thường, còn ngược lại quyền hạn của bên buộc tội rất lớn, thậm chí nhân viên tư pháp còn làm vượt luật, trái luật để phục vụ cho việc kết tội.
Bất cân xứng là thế, nay nhiều vị đại biểu Quốc hội lại muốn làm suy yếu thêm mối quan hệ giữa luật sư và thân chủ, làm kém thêm cái vế gỡ tội so với cái vế buộc tội, như vậy có công bằng hợp lý không?
Khi ban hành, cơ quan soạn luật đã có thống kê thực tế nào về vấn đề luật sư không tố giác thân chủ sẽ dẫn đến hệ quả thực tế thế nào chưa?
Tôi chắc là chưa.
Thực tế không như hình dung dọa dẫm, việc luật sư không tố giác thân chủ chẳng hề gây ra ảnh hưởng xấu bao nhiêu so với những cái xấu vốn đã tồn tại hoặc bị gây ra bởi những nguyên nhân khác.
Những vấn đề tội phạm phổ biến tràn lan là do các chính sách phát triển kinh tế xã hội sai trái lầm lạc, chứ cái hệ quả xấu gây ra bởi việc luật sư không tố giác thân chủ là không đáng kể.
Do vậy, cái quy định sai trái này thực chất chỉ phản ánh cái não trạng hẹp hòi, ngu dốt của một số giới mà thôi, và nó có tính thủ đoạn áp chế tinh thần là chính còn thì những người làm ra nó cũng chẳng kỳ vọng gì vào hiệu quả thực tế.
Các vấn đề quan trọng nhức nhối thì đầy rẫy, chạy chức chạy quyền, trộm cắp tài sản công, đất nước chậm tiến lạc hậu, nhân dân nhọc nhằn thì không lo. Lại dùng cái quy định chẳng mấy ích lợi gây tranh cãi làm che mờ đi những vấn đề nhức nhối thực chất hơn.
Kém chất lượng
Những vấn đề trên cùng nhiều vấn đề khác cho thấy việc làm luật ở Việt Nam còn kém chất lượng.
Ví như Bộ luật Hình sự mới làm ra rồi bị hoãn thi hành, trước đó đã có một thời gian dài chuẩn bị thông qua mà đến giờ vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi. Hay như dự luật biểu tình, dự luật về hội đã thai nghén cả chục năm mà tới nay vẫn bị hoãn ban hành.
Những cân nhắc và tranh cãi khi làm luật thực chất sẽ tốt nếu quy định ban hành có chiều hướng dân chủ tiến bộ, mở rộng dân quyền, tạo hành lang pháp lý tiệm cận dần với chuẩn mực công pháp quốc tế.
Không như thế, việc ban hành hay không nhiều quy định luật và văn bản luật lại cài gắn lợi ích thiển cận hẹp hòi của một số giới ban ngành, bất chấp tính hợp lý và tính hiệu quả của văn bản quy định.
Việc ban hành hay không cũng thể hiện quan điểm ý chí chính trị, thể hiện quyền lực và những điều sai trái mà nhà làm luật có thể làm.
Chứ việc ban hành hay không nhiều văn bản quy định pháp luật, nó không cho thấy sự cân nhắc đến những giá trị căn bản về chủ nghĩa duy lý – những điều đúng đắn hợp lý với sự vật hiện tượng, mà những văn bản hay quy định pháp luật đúng ra phải phụ thuộc vào.
Bài đã đăng trên BBC Tiếng Việt tại đây: Google search: ‘Làm luật ở Việt Nam kém chất lượng?’