CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–o0o——–
Nam Định, ngày 8 tháng 7 năm 2013
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(Về cải cách tư pháp: Sửa đổi luật rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng)
Kính gửi: |
– BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TRUNG ƯƠNG – BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG – CÁC CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG BÁO CHÍ – CÁC LUẬT SƯ VIỆT NAM |
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tôi là: Ngô Ngọc Trai
Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: Điều 53. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 93 quy định: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Điều tra, truy tố và xét xử là các giai đoạn trong tố tụng hình sự được quy định rõ thời hạn để hết thời gian đó thì phải chấm dứt, nhằm mục đích không cho việc xử lý tội phạm biến tướng thành công cụ đàn áp tinh thần, xâm phạm quyền lợi nhân dân. Nhưng thực tế lâu nay nhiều vụ án thời gian giải quyết kéo dài gây lãng phí thời gian công sức của nhiều cơ quan tổ chức cá nhân, gây khốn khổ cho bị can bị cáo và làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc điều tra xử lý tội phạm.
Dưới đây là vài ví dụ:
Vụ án Hoa hậu nam Mê kong bị bắt quả tang và khởi tố về hành vi môi giới mại dâm từ tháng 6/2012 nhưng một năm sau đến tháng 6/2013 mới xét xử sơ thẩm, trong khi đó án phạt là 30 tháng tù thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo luật định thời hạn điều tra chỉ 02 tháng.
Vụ án Đoàn Văn Vươn khởi tố tháng 1/2012 nhưng tháng 4/2013 mới xét xử sơ thẩm trong khi sự việc xảy ra cơ bản khá rõ ràng. Vụ án kéo dài chẳng đem lại ích lợi gì chỉ khiến người bị giam hãm chịu khổ sở thay vì nhanh chóng được ra ngoài lao động cải tạo.
Vụ án Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên tử hình về tội giết người và hiếp dâm trẻ em kéo dài từ năm 2005 đến 2012, hiện bị cáo đang chờ tiêm thuốc độc. Đây là vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng mà thời gian kéo dài đã đọa đày cuộc sống của rất nhiều gia đình. Trong vụ án này hoạt động điều tra kéo dài nhưng chất lượng điều tra lại thấp, mức độ tin cậy của bằng chứng thu thập thêm có thể nói là con số không.
Thương binh Quản Đắc Họp ở Hoài Đức, Hà Nội bị khởi tố từ năm 2003 về hành vi cố ý gây thương tích, chứng cứ kết tội yếu nhưng tòa án không chịu tuyên vô tội nên đến nay hơn 10 năm điều tra truy tố mãi mà vẫn không xét xử, gây khốn khổ cho bị cáo.
Có thể dẫn ra rất nhiều vụ án mà thời gian tiến hành tố tụng kéo dài, nguyên nhân có thể do án lớn khó và phức tạp nhưng chủ yếu nhất là do lề thói thiếu chuyên tâm trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng và do quy định không hợp lý của luật.
Những hệ quả dẫn đến
Nếu coi việc xử lý tội phạm như công việc của bác sỹ chữa lành vết thương cho xã hội thì việc kéo dài thời gian tố tụng sẽ kéo dài nỗi đau cho nạn nhân. Việc xử lý tội phạm mất đi ý nghĩa hàn gắn vết thương, xoa dịu nỗi đau cho xã hội.
Nếu coi việc xử lý tội phạm là giữ gìn sự bình yên cho nhân dân thì việc kéo dài nó lại gây hại cho sự bình yên của nhân dân, bởi vì kéo dài thời gian xử lý tội phạm là kéo dài môi trường dung dưỡng cho bạo lực. Khi tội phạm xảy ra, tâm lý của bị hại đòi hỏi sự trừng phạt, tâm lý của công luận đòi hỏi thực thi công lý. Khi thời gian chờ đợi kéo dài, những tiếng kêu gào công lý sẽ biến thành tiếng kêu than trả thù tạo nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Kéo dài thời gian tố tụng bất luận vì lý do gì đều cho thấy sự yếu kém của cơ quan tiến hành tố tụng và gây ra nhiều tổn hại cho xã hội. Đầu tiên đó là sự lãng phí về thời gian công vụ của chính những cán bộ tư pháp và của những người liên quan. Sau đó là gây mất niềm tin vào sự đứng đắn nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy nên đặt ra vấn đề cần rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng.
Nguyên tắc suy đoán vô tội
Một thực tế lâu nay khi tòa án thụ lý vụ án mà chứng cứ kết tội yếu, thay vì mở phiên tòa để tuyên vô tội, tòa lại trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung củng cố chứng cứ kết tội. Như thế đồng nghĩa với việc mở phiên tòa chỉ là làm nốt phần việc kết tội, diễn biến phiên tòa chỉ còn hình thức vì phán quyết đã được định trước. Điều này đi ngược lại nguyên lý suy diễn vô tội trong xét xử của luật pháp văn minh.
Sau một thời gian điều tra, nếu những người có chuyên môn áp dụng mọi biện pháp kỹ thuật mà vẫn không tìm ra được chứng cứ thuyết phục chứng minh một người phạm tội thì rất có thể và cần nhận định là người đó không phạm tội. Khi đó việc điều tra phải chấm dứt khôi phục lại mọi quyền tự do cho người bị bắt. Thật là sai lầm khi cho rằng cần điều tra cho tới khi nào tìm ra được bằng chứng phạm tội thì thôi, như thế là luật pháp coi trọng việc trả thù tội phạm mà không coi trọng bảo vệ các quyền công dân.
Việc tòa trả hồ sơ yêu cầu củng cố chứng cứ kết tội cũng không phù hợp với tinh thần xét xử theo tranh tụng, hai bên buộc tội gỡ tội tranh luận với nhau còn tòa án đứng giữa phán quyết. Tranh tụng làm sao được khi chính tòa đã đứng về phía buộc tội giúp họ hoàn thiện làm kín kẽ hồ sơ kết tội? Cho phép tòa trả hồ sơ chính là nguyên nhân kéo dài thời gian giải quyết án và dung dưỡng cho thói cẩu thả thiếu trách nhiệm trong hoạt động điều tra truy tố.
Luật sư bào chữa luôn muốn vụ án kết thúc sớm để thân chủ cảm nhận được tính hiệu quả trong hoạt động của luật sư cũng như tránh lãng phí thời gian công sức, và khi luật sư bào chữa chỉ ra rằng hồ sơ không đủ căn cứ để kết tội thì tòa phải tuyên vô tội chứ không thể trả hồ sơ hay hủy án yêu cầu điều tra lại (như thế là kết tội cho bằng được chứ không hề suy đoán vô tội).
IV/ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương bổ sung nội dung hoạt động, rà soát các quy định về thời hạn tố tụng và khai triển nguyên tắc suy đoán vô tội vào hoạt động xét xử. Từ đó đề xuất với Quốc hội sửa luật rút ngắn thời gian tiến hành tố tụng xuống còn một nửa so với hiện nay, bãi bỏ quy định cho phép tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hay hủy án điều tra lại.
2. Được biết thẩm quyền của Ban nội chính trung ương là: Nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm viện kiểm sát, tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội). Do vậy đề nghị Ban nội chính Trung ương quan tâm đến vấn đề thời gian trong hoạt động tố tụng cả hình sự và dân sự, được như thế sẽ tạo chuyển biến lớn cho nền tư pháp nước nhà.
3. Đề nghị các cơ quan báo chí theo dõi phản ánh những vụ án kéo dài, đây là vấn đề tiêu cực cần đấu tranh phản ánh để thúc đẩy các cơ quan tư pháp nâng cao trách nhiệm sửa đổi, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam trở lên công minh tiến bộ.
4. Đề nghị các luật sư quan tâm tới chương trình cải cách tư pháp của Đảng và nhà nước, bàn luận và góp ý trên tinh thần xây dựng đối với các vấn đề luật pháp còn chưa hoàn thiện, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam trở lên công minh tiến bộ.
Trên đây là mấy nội dung kiến nghị, rất mong được quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn!
Thông tin xin liên hệ: Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, địa chỉ: 106/1 Lương Thế Vinh, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định.
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Website: www.ngongoctrai.com
Người kiến nghị
Đã ký
Luật sư Ngô Ngọc Trai