CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——–o0o——–
Nam Định, ngày 13 tháng 1 năm 2014
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(Cải cách thể chế, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội để chống tham nhũng)
Kính gửi: |
– TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG – CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG – CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG – THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG – CÁC ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ – CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI |
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tôi là: Ngô Ngọc Trai
Trưởng Văn phòng luật sư Ngô Ngọc Trai và Cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nam Định
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Hiện tại Đảng và Nhà nước đang quan tâm tới việc cải cách thể chế để chống tham nhũng và thúc đẩy đất nước phát triển, căn cứ theo quy định của Hiến pháp mới tôi làm đơn này kiến nghị tới các Quý ông nội dung vấn đề như sau:
Quốc hội có hai chức năng là làm chính sách và giám sát, tuy nhiên việc cơ cấu nhân sự đại biểu quốc hội kiêm nhiệm không hợp lý như hiện tại chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng tham nhũng và đất nước chậm phát triển.
Xem xét danh sách 500 đại biểu quốc hội khóa 13 thì thấy:
Có 27 người là thành viên Chính phủ gồm Thủ tướng, Phó thủ tướng và Bộ trưởng
Có 15 người là cán bộ ngành công an gồm Thứ trưởng, Giám đốc và Phó giám đốc công an tỉnh
Có 10 người là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh
Có 37 người là Giám đốc, Phó giám đốc hoặc cán bộ chuyên môn thuộc sở
Tính sơ bộ thì có 89 người vừa là đại biểu quốc hội vừa là cán bộ thuộc cơ quan hành pháp, đó là chưa tính đến số đại biểu đồng thời là sĩ quan quân đội. Những người này đúng ra là cần phải được giám sát chặt chẽ nhất trong việc thực thi pháp luật, làm đúng chính sách, không được tư lợi, thế mà họ lại giữ vai trò giám sát như thì làm sao mà tránh được tham nhũng?
Những người này là cán bộ thực thi pháp luật, thực thi chính sách nhưng lại được tham gia vào việc làm luật, làm chính sách khi đó họ có thể cài cắm vào luật, chính sách những vấn đề có lợi cho họ khi thực thi. Lâu nay có tình trạng luật được thông qua chỉ là cái khung cơ bản, các cơ quan soạn thảo găm giữ lại những điểm chi tiết nhưng quan trọng để rồi sau đó ban hành bằng nghị định, thông tư phản ánh ý chí quan điểm của họ.
Ví dụ 1: Nghị định 69/2009/NĐ-CP của chính phủ đã bỏ đi quy định đúng đắn là cơ quan thu hồi đất phải giao quyết định thu hồi đất cho người bị thu hồi (quy định này trước đó được thể hiện tại Nghị định 84/2007/NĐ-CP).
Ví dụ 2: Luật không quy định nhưng Thông tư 70/2011/TT-BCA của Bộ công an lại quy định người bị tạm giữ, bị can bị cáo bị tạm giam phải tự viết đơn mời luật sư bào chữa hoặc viết thư từ trại giam gửi về nhờ gia đình mời luật sư. Quy định này thực chất trao quyền cho cơ quan điều tra định đoạt việc có hay không, nhanh hay chậm sự tham gia của luật sư bào chữa.
Việc các cán bộ hành pháp kiêm đại biểu quốc hội dẫn đến tình trạng giảm sút hoạt động chất vấn mà đây là hoạt động chính của đại biểu quốc hội. Khi không chất vấn thì các vấn đề của đất nước không làm rõ được nguyên nhân và xác định trách nhiệm. Lý do giảm sút hoạt động chất vấn là bởi vì có tâm lý là bản thân mình, ngành mình còn chưa ra làm sao thì làm sao dám chất vấn người khác?
Xem xét thêm thì thấy có 26 người là chủ tịch HĐQT, TGĐ, giám đốc các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân. Quy định này lúc đầu thì tưởng là hay nhưng nay cần xem xét lại. Việc cho phép các lãnh đạo doanh nghiệp đương chức trở thành đại biểu quốc hội sẽ tạo điều kiện cho những người này dễ dàng tiếp cận móc ngoặc với lãnh đạo chính phủ lũng đoạn thao túng chính sách hay chạy dự án.
Ví dụ: Thông tư số 16/2010/TT-BXD của Bộ xây dựng quy định cách tính diện tích căn hộ chung cư không phù hợp với Luật nhà ở, theo đó bộ hướng dẫn tính cả phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư thành diện tích riêng của từng căn hộ. Bằng cách đó làm lợi cho chủ đầu tư và các doanh nghiệp xây dựng, gây thiệt thòi cho người mua căn hộ.
Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty suốt ngày lo cho các hoạt động của doanh nghiệp còn chưa xong, làm ăn còn thua lỗ thì thời gian đâu mà dành cho các hoạt động nghiên cứu xây dựng chính sách pháp luật?
Tình trạng kiêm nhiệm như thế là nguyên nhân dẫn đến chất lượng chính sách của quốc hội không cao và tình trạng luật ban hành không được chi tiết nên cứ phải cần văn bản hướng dẫn.
IV/ KIẾN NGHỊ
Đề nghị thứ nhất
Từ các vấn đề trên tôi đề nghị các Quý ông cùng cấp có thẩm quyền xem xét giảm bớt số lượng đại biểu quốc hội kiêm nhiệm. Trong kỳ bầu cử quốc hội tới đây, những người là Chủ tịch, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân, Giám đốc, Phó giám đốc các sở phải thôi không tham gia quốc hội. Các thành viên chính phủ được bầu ra từ số các đại biểu quốc hội cần thôi không có quyền biểu quyết, nhưng vẫn có quyền tham gia và trình bày ý kiến tại các kỳ họp quốc hội.
Đề nghị thứ hai
Lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân khi được bầu làm đại biểu quốc hội thì phải thôi chức ở doanh nghiệp để chuyên tâm dành thời gian cho các hoạt động của đại biểu quốc hội. Quốc hội hiện tại có 26 đại biểu kiêm nhiệm thuộc loại này, không biết ở quốc hội thì tham gia bàn luận như thế nào nhưng theo dõi qua báo chí thì hoạt động của các vị rất ít xuất hiện.
Đề nghị thứ ba
Nâng cao vị thế quyền hạn cho quốc hội là việc làm đúng đắn không thể không làm. Nhưng khi đó có ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của Đảng hay không? Có thể có, vậy thì giải pháp là Tổng bí thư và các ủy viên bộ chính trị nên kiêm luôn Chủ tịch quốc hội và người đứng đầu các Ủy ban của quốc hội. Việc kiêm nhiệm sẽ giúp tập trung thành một đầu mối cơ quan làm chính sách, và giúp thu gọn bộ máy nhân sự.
Đề nghị thứ tư
Số lượng đại biểu chuyên trách mở rộng dành cho những người ngoài đảng hay mạnh dạn hơn thì dành cho cả những người lâu nay vẫn có ý kiến khác với quan điểm của đảng về một số vấn đề. Quốc hội cũng có thể xem xét tiến hành họp nửa buổi vào ban đêm để nhân dân lao động ban ngày có điều kiện theo dõi việc họp của quốc hội.
Trên đây là mấy nội dung kiến nghị, rất mong được quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn!
Người kiến nghị
Đã ký
Luật sư Ngô Ngọc Trai