CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 12 năm 2012
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(Chấn chỉnh lại hoạt động điều tra, nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình)
Kính gửi:
|
– CHỦ TỊCH NƯỚC TRƯƠNG TẤN SANG
– QUỐC HỘI VIỆT NAM – BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TRẦN ĐẠI QUANG – THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN ĐIỀU TRA CÁC CẤP – CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ – CÁC LUẬT SƯ VIỆT NAM |
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tôi là: Ngô Ngọc Trai
Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nam Định
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định: Điều 53. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Điều 93 quy định: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Công an điều tra có trọng trách vinh quang bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, là lực lượng vũ trang chống tội phạm đem lại sự bình yên cho nhân dân. Song trên thực tế, một số trường hợp cán bộ điều tra hành xử bạo lực, xâm phạm trật tự xã hội, ảnh hưởng tới sự bình yên của nhân dân.
Năm 2010, một lần tôi làm việc tại Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an, số 7 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Cán bộ an ninh nói rằng: vụ việc đã được công an tỉnh giải quyết chúng tôi không giải quyết nữa, nay tôi báo cho anh biết và tiến hành lập biên bản làm việc để từ nay các anh khỏi gửi công văn thúc giục. Tôi nói: người dân đang kêu oan, tỉnh không giải quyết nữa nên người ta mới cầu cứu tới Bộ, nếu anh trả lời như thế thì tôi không đồng ý và không ký biên bản. Cán bộ nói: làm việc thì phải có biên bản, đã làm việc rồi thì anh phải ký biên bản, nếu không ký thì không được về. Tôi nói: nếu nội dung anh trả lời là đúng thì anh cứ việc trả lời bằng công văn để tôi thực hiện quyền khiếu nại, anh không có quyền bắt tôi phải ký biên bản. Khi tôi ra sân dắt xe máy thì anh cán bộ giằng chìa khóa xe yêu cầu quay lại phòng làm việc. Trước thái độ cưỡng bức áp chế của cán bộ an ninh, tôi nói sẽ kiến nghị tới Bộ công an và điện thoại báo cho các luật sư khác đến. Nhùng nhằng một lúc người cán bộ mới trả chìa khóa lại cho tôi.
Đến luật sư còn bị truy bức như vậy, đối với người dân không am hiểu pháp luật thì còn bị cơ quan an ninh truy bức như thế nào?
Một đồng nghiệp trao đổi cho biết vụ việc cô gái Nguyễn Thị Bích Trang nhân viên của công ty Tân Tạo bị bắt tới nay vẫn chưa có luật sư bào chữa, mặc dù phía công ty sẵn sàng hỗ trợ gia đình chi phí thù lao thuê luật sư. Hỏi ra thì ông bố cô gái cho biết một cán bộ an ninh nói với ông rằng đừng có thuê luật sư, ông mà thuê luật sư thì tình trạng của con gái ông sẽ nghiêm trọng hơn đấy. Luật sư hỏi không thuê luật sư nhỡ con ông bị bức cung nhục hình thì sao? Ông bố không nói ra sao nhưng vẫn không mời luật sư cho con gái. Không biết người kia dọa dẫm điều gì khiến ông bố lo sợ đến vậy?
Bị cáo Hàn Đức Long bị tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình vì tội hiếp và giết một bé gái, hiện bị cáo đang chờ thi hành án. Tại phiên tòa bị cáo khai rằng đã bị công an đánh đập suốt ngày đêm, ép phải khai nhận hành vi phạm tội mà bản thân không thực hiện. Đây là một vụ án điển hình cho hiện tượng truy bức nhục hình, gây oan khuất nghiêm trọng.
Hiện tượng truy bức nhục hình có nguyên nhân từ chính các quy định bất hợp lý của văn bản pháp luật.
Hai quy định không hợp lý của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định lời khai của bị can bị cáo cũng là chứng cứ có giá trị chứng minh như các tài liệu khác. Quy định như vậy đã xóa nhòa gianh giới khác biệt giữa chứng cứ và lời cung, chứng cứ là những tài liệu khách quan còn lời khai của bị can bị cáo thì không khách quan (người ta có thể khai có lợi hoặc bất lợi cho chính họ thì cũng đều không khách quan). Quy định đánh đồng tang chứng, vật chứng và lời cung như vậy nên trong quá trình điều tra có khi xảy ra tình trạng cơ quan điều tra thay vì nhọc công đi tìm các tài liệu bằng chứng xác thực khác, họ chỉ xoáy sâu vào việc bắt giam sau đó truy bức nhục hình cho người này khai nhận hành vi phạm tội, từ đó cho ra kết luận điều tra.
Khi bị truy bức nhục hình người khai báo có thể nói ra sự thật nhưng cũng có thể nói sai sự thật, mục đích là nhằm thoát khỏi tình trạng bị truy bức nhục hình, còn việc lời khai gây hại cho chính họ hoặc người khác thì không sao tránh được.
Cũng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, nếu điều tra viên vi phạm và bị khiếu nại thì người giải quyết chính là thủ trưởng cơ quan điều tra, người đã phân công và chỉ đạo chuyên môn điều tra viên. Quy định như vậy là không hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng bao che. Trước tình trạng truy bức nhục hình trong hoạt động điều tra hiện nay, nên sửa lại quy định theo hướng sai phạm của điều tra viên sẽ do lực lượng Thanh tra công an xử lý giống như sai phạm của cán bộ chiến sĩ công an nói chung.
Hiện trượng truy bức nhục hình thường xảy ra ở những vụ án mà luật sư bị cản trở tham gia.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định thông tư của bộ cũng là văn bản quy phạm pháp luật. Đây là quy định bất hợp lý cần bãi bỏ, bởi lẽ cơ sở chính đáng nào để một bộ được ban hành ra các quy tắc xử sự chung, ràng buộc toàn dân phải hành xử theo?
Trong mối tương quan giữa nhân dân, luật pháp và chính quyền thì chính quyền không làm ra luật pháp mà thực chất chính quyền là kết quả thực thi luật pháp. Nếu coi chính quyền làm ra luật pháp thì sẽ dẫn đến chính quyền là cơ quan cai trị và luật pháp là công cụ để cai trị nhân dân.
Ở Việt Nam hiện nay có suy nghĩ nhầm lẫn rằng nhà nước có vai trò quản lý nên làm ra luật pháp để quản lý xã hội, do vậy việc một bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý cũng là hợp lý.
Cần phân biệt rạch ròi giữa văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính. Cơ quan nhà nước chỉ được ban hành văn bản hành chính phục vụ cho việc triển khai văn bản quy phạm pháp luật, mà không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu cơ quan quản lý nhà nước được ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng xâm phạm các quyền của công dân.
Thông tư 70/2011/TT-BCA của Bộ công an quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam muốn thuê luật sư thì phải tự viết thư mời luật sư từ nơi giam giữ nhờ cán bộ điều tra gửi ra bên ngoài. Quy định như vậy đồng nghĩa với việc cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, đồng nghiệp sẽ không được chủ động đứng ra mời luật sư bảo vệ cho người thân. Đây là quy định vô lý, ngáng trở thực thi quyền được bào chữa, cản trở hoạt động tác nghiệp của luật sư. Khi luật sư bị cản trở tham gia vào hoạt động điều tra, rất dễ xảy ra tình trạng truy bức, nhục hình.
Hiện tượng truy bức nhục hình xảy ra cho thấy luật pháp còn có chỗ khiếm khuyết. Để tránh tình trạng truy bức nhục hình trong hoạt động điều tra thì cần sửa đổi các quy định pháp luật cho hợp lý khoa học. Đặc biệt hoạt động điều tra cần phải được thanh tra kiểm tra hoạt động, xử lý sai phạm của cán bộ điều tra. Cơ quan thanh tra công an cần được trao thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ này.
IV/ KIẾN NGHỊ
– Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, kính mong chủ tịch lưu tâm tới những người là nạn nhân của luật pháp, họ bị đày đọa bởi luật pháp khiếm khuyết và những lạm dụng trong thực thi pháp luật. Kính mong chủ tịch lắng nghe.
– Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi lại một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đặc biệt cần phân biệt rạch ròi, phân loại nhân chứng, vật chứng và lời khai của bị can, bị cáo. Bổ sung thêm quy định trao quyền cho cơ quan Thanh tra công an được quyền thanh tra kiểm tra hoạt động điều tra hình sự.
– Đề nghị Bộ trưởng Bộ công an cho thanh tra kiểm tra toàn diện hoạt động điều tra tội phạm, xử lý các trường hợp để xảy ra hiện tượng truy bức, nhục hình.
Xin kính chúc sức khỏe và trân trọng cảm ơn!
Người kiến nghị
Đã ký
Luật sư Ngô Ngọc Trai