Kiến nghị sửa đổi Thông tư 70 của Bộ công an

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 2012

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

(Sửa đổi thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ công an quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự)

 

Kính gửi:

– BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TRẦN ĐẠI QUANG

 

 Tôi tên là: Luật sư Ngô Ngọc Trai, điện thoại 0906117641. Email: lsngoctrai@gmail.com.

Ngày 10/10/2011 Bộ công an ban hành Thông tư số70/2011/TT-BCA quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

Nay căn cứ vào Điều 93 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tôi làm đơn này đề nghị tới Bộ trưởng một việc như sau:

Ngày 10/10/2011 Bộ công an ban hành Thông tư số 70 nêu trên, có hiệu lực từ ngày 25/12/2011. Theo nội dung của thông tư 70 thì đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam muốn nhờ luật sư bào chữa thì phải viết giấy yêu cầu đích danh luật sư hoặc viết giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa. Cơ quan điều tra có trách nhiệm gửi giấy đó tới luật sư được yêu cầu đích danh hoặc gửi về cho người thân người bị tạm giữ, bị can.

Trước khi có thông tư 70 trong thực tế việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa thông thường thực hiện như sau: Nếu người thân của người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam nhờ luật sư bào chữa thì người thân ký giấy yêu cầu luật sư bào chữa. Giấy đó cùng với Giấy giới thiệu, Thẻ luật sư là đủ bộ hồ sơ được cơ quan điều tra chấp nhận cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Có trường hợp cơ quan điều tra sau khi nhận hồ sơ của luật sư bào chữa đã vào trại giam hỏi lại người bị tạm giữ, bị can xem có đồng ý để luật sư bào chữa hay không, nếu đồng ý thì cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận, nếu không đồng ý thì cơ quan điều tra trả lời cho luật sư biết là người bị tạm giữ, bị can từ chối luật sư và do vậy từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa.

Trong tình huống luật sư bị từ chối với lý do là người bị tạm giữ, bị can từ chối luật sư bào chữa, khi đó luật sư rất muốn cơ quan điều tra thực hiện một việc là cho luật sư gặp mặt trực tiếp người bị tạm giữ, bị can để hỏi xem lý do vì sao từ chối luật sư bào chữa, và để xác định việc từ chối đó có thực sự là ý chí tự nguyện của họ hay không, thì đều không được cơ quan điều tra chấp thuận.

Luật sư chúng tôi đã gặp rất nhiều gian nan vất vả và bế tắc trong vấn đề này.

Liên quan tới vấn đề này không thể nào phủ nhận một tình trạng là từ xưa đến nay cơ quan điều tra vẫn nhìn nhận luật sư với con mắt thiếu thiện cảm, vẫn coi luật sư như là người cản trở gây khó khăn cho hoạt động điều tra và hoàn thiện hồ sơ vụ án. Luật sư không được đánh giá như là người cùng góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan, là người bảo vệ pháp luật – cụ thể là bảo vệ các quyền của công dân, quyền của người bị tạm giữ, bị can như pháp luật đã quy định (Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự).

Từ lâu nay, biết bao luật sư đã gặp khó khăn, tốn biết bao thời gian công sức trong việc làm thủ tục luật sư bào chữa vì quy định về thủ tục cấp giấy bào chữa chưa được hoàn thiện rõ ràng. Bản thân tôi và các luật sư đồng nghiệp đã không nản lòng và vẫn giữ tinh thần thiện chí hợp tác với mục đích tối hậu là bảo vệ quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can. Bằng chính hoạt động nghề nghiệp của mình, các luật sư sẽ không ngừng đấu tranh kiên quyết với những quan điểm, chính sách sai trái gây khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của luật sư.

Quy định như thông tư 70, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam muốn nhờ luật sư bào chữa thì viết giấy yêu cầu đích danh luật sư hoặc viết giấy nhờ người nhà nhờ luật sư bào chữa chỉ có ý nghĩa làm rõ được vấn đề người bị tạm giữ, bị can có muốn mời luật sư hay không? Chúng ta có lý do để nghi ngờ về tính tự nguyện của việc từ chối luật sư. Với điều kiện môi trường giam giữ người và cung cách làm việc của cơ quan điều tra như lâu nay đã biết thì quy định mới của thông tư 70 sẽ chỉ khiến cho việc thực hiện quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can bị hạn chế được thực hiện mà thôi. Cái mục đích tốt của quy định là xác định thực chất ý chí nhờ luật sư bào chữa của người bị tạm giữ, bị can sẽ bị xóa xổ hoàn toàn bởi những khiếm khuyết của cơ chế và con người khi triển khai thực hiện trên thực tế.

Do vậy tôi đề nghị Bộ công an sửa đổi lại thông tư 70 theo nội dung sau: Chấp nhận để người thân của người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam nhờ luật sư bào chữa cho họ. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa của luật sư (trong đó có giấy yêu cầu luật sư bào chữa của người thân của người bị tạm giữ, bị can) cán bộ điều tra sẽ cùng với luật sư vào gặp mặt người bị tạm giữ, bị can hỏi xem có đồng ý nhờ luật sư bào chữa hay không? Nếu không đồng ý thì thôi, nếu đồng ý thì cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư.

Quy định như thế là rất rõ ràng, minh bạch, thực hiện tốt nhất quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can. Để làm điều này thì cơ quan điều tra sẽ có thêm một việc là vào trại giam cùng với luật sư để làm rõ, nhưng về bản chất cơ quan điều tra là cơ quan chính quyền phục vụ nhân dân, nên yêu cầu của việc thực hiện quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can xứng đáng với một đòi hỏi tốn kém hy sinh như vậy.

Là một người đã thấu nhận những gian truân trong việc làm thủ tục luật sư bào chữa tại giai đoạn điều tra, cũng như đã chứng kiến nỗi trắc trở của nhiều đồng nghiệp, tôi đề nghị Bộ công an và cụ thể là Bộ trưởng Trần Đại Quang sửa đổi lại thông tư số 70 theo nội dung đã nêu trên.

Kính mong được chấp thuận giải quyết.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe tới Bộ trưởng.

Người đề nghị

 

Đã ký

 

Luật sư Ngô Ngọc Trai