Kiến nghị mở rộng diện được chỉ định luật sư bào chữa

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2015 

ĐƠN KIẾN NGHỊ

(Mở rộng diện được chỉ định luật sư bào chữa)

 

Kính gửi:

 

–         VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

–          LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

 

I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Tôi là: Luật sư Ngô Ngọc Trai
Thành viên của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, hiện là Giám đốc Công ty luật TNHH công chính.
Là người mà nghề nghiệp bị chịu ảnh hưởng bởi các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nay Bộ luật này đang được sửa đổi, tôi muốn đóng góp ý kiến xây dựng để tạo nên các chế định pháp lý chuẩn mực, từ đó góp phần thúc đẩy cho một nền tư pháp Việt Nam được trở lên công minh tiến bộ.


II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013 tại Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 tại các điều 33, 35 quy định về Nhiệm vụ của cơ quan chủ trì việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật khi văn bản đang được dự thảo là: Lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp từ văn bản; Có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý.
Cũng tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Điều 93 quy định khi văn bản đã được ban hành: Cơ quan, tổ chức và công dân có quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.


III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ
Bộ luật tố tụng hình sự được ban hành năm 2003 quy định: Đối với trường hợp người phạm tội chưa thành niên hoặc người phạm tội ở khung hình phạt chung thân tử hình, nếu không mời luật sư thì được chỉ định luật sư bào chữa.
Khi đó người được chỉ định luật sư bào chữa không phải trả thù lao cho luật sư mà thay vào đó ngân sách sẽ chi trả cho luật sư với một mức thù lao tượng trưng vừa phải. 
Nay xét theo tình hình kinh tế xã hội và tình trạng án hình sự oan sai hiện tại, tôi cho rằng cần mở rộng diện đối tượng được chỉ định luật sư bào chữa. Theo tôi đối với những người phạm tội rất nghiêm trọng có mức hình phạt từ 7 năm tù trở lên thì cần thuộc diện được có luật sư chỉ định. Việc này sẽ giúp tăng tỷ lệ án hình sự có luật sư tham gia bào chữa, giảm tránh tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự và cũng thể hiện tinh thần nhân đạo nhân văn trong pháp luật hình sự của nước ta.
Về khả năng đáp ứng của luật sư cho quy định mới này thì chúng tôi thấy: Hồi năm 2003 số lượng luật sư cả nước mới chỉ trên hai nghìn người mà đã có khả năng đảm đương bào chữa chỉ định cho người chưa thành niên phạm tội hoặc người có mức án chung thân tử hình.
Nay số lượng cả nước xấp xỉ một vạn người tức tăng lên gần 5 lần thì thêm một diện người được chỉ định luật sư bào chữa nữa thì khả năng giới luật sư đáp ứng được. Việc này cũng giúp tạo thêm cơ hội nghề nghiệp cho rất nhiều luật sư hiện nay còn đang vất vả kiếm sống bằng nghề nghiệp của mình.
Sau khi suy xét kỹ tôi không thấy có bất cứ vướng mắc cản trở nào cho đề xuất trên, vậy rất mong được tiếp thu. 


IV/ KIẾN NGHỊ
1. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, lưu tâm xem xét ý kiến này và nếu thấy không có vướng mắc gì thì cho áp dụng triển khai.
2. Đề nghị Liên đoàn luật sư Việt Nam nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý kiến về vấn đề này góp phần thúc đẩy giúp cho đề xuất được chấp thuận, nhằm tạo cơ hội việc làm cho luật sư thành viên.
Xin trân trọng cảm ơn!


Người kiến nghị

Đã ký

Luật sư Ngô Ngọc Trai