CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——o0o——
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2019
ĐƠN KIẾN NGHỊ
(V/v Khắc phục những phân biệt đối xử trong các vụ án an ninh chính trị)
Kính gửi: |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga |
Tên tôi là: Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật TNHH Công Chính
Địa chỉ tại: Số 210 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội
Tôi làm đơn này kiến nghị tới Quý Ông/Bà đề nghị chỉ đạo khắc phục những tồn tại phân biệt đối xử, thành kiến hẹp hòi trong việc xử lý các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia như sau:
Luật sư bào chữa là thiết chế tư pháp thuộc về bên gỡ tội, có vai trò bình đẳng với các thiết chế buộc tội khác như Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, có như thế việc xử án mới đảm bảo công bằng.
Vậy nhưng lâu nay luật sư thường xuyên bị từ chối không cho tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Điều này có hai nguyên nhân, một nguyên nhân từ sự không đúng đắn của bản thân quy định pháp luật và một nguyên nhân khác là do nhận thức trong quá trình thực thi. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 phản ánh ý chí của nhà nước đều quy định: Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Mặc dù đây không phải là quy định có tính chất ấn định cứng mà trao quyền tùy nghi cho cơ quan Viện kiểm sát áp dụng trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra. Song thực tế quy định này lại bị các Cơ quan điều tra vận dụng triệt để, biến nó thành một lối làm việc cứng nhắc, không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia.
Đây là sự phân biệt đối xử thành kiến hẹp hòi đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều cán bộ ban ngành, từ đó khiến bất công đã hiện diện ngay trong luật và quá trình thực thi.
Thực tế trong nhiều vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, hành vi của các bị can đều được thực hiện một cách công khai, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn viện lý do cần giữ bí mật để khước từ luật sư bào chữa.
Mới đây tôi có nhận lời mời bào chữa cho bị can Đoàn Thị Hồng trong vụ án “Phá rối an ninh” hiện đang do Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố điều tra giải quyết. Sau khi gửi thủ tục hồ sơ đăng ký bào chữa theo luật định thì Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh trả lời rằng căn cứ vào quyết định của Viện kiểm sát thành phố thì sẽ giải quyết việc luật sư tham gia bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra.
Nội dung trả lời như vậy là rất bất hợp lý, đáng phê phán. Bởi trong vụ án này những hành vi bị cáo buộc của bị can không có gì là bí mật cả.
Theo lời người chị gái là Đoàn Thị Khánh thì:
“Em gái tôi là Đoàn Thị Hồng, sinh năm 1983.
Ngày 10/06/2018, Hồng đã tham gia biểu tình ôn hòa tại Sài Gòn. Chia sẻ với anh chị em trong gia đình tôi, Hồng có nói lý do là vì em và cũng như bao người khác, không muốn các lãnh đạo ký kết, cho tàu cộng thuê đất 99 năm. Và để phản đối luật An Ninh Mạng sẽ được ban hành ngăn chặn những tiếng nói tự do nên em đã xuống đường để bày tỏ nỗi lòng của mình, với hy vọng những người có lương tri sẽ xem xét lại mọi việc đang diễn biến trên đất nước này.
Việc em gái tôi – Đoàn Thị Hồng làm chỉ đơn giản có vậy thôi.
Ngày 02/09/2018, Hồng bị một nhóm mặc đồ thường phục bắt cóc tại quận 12, trong lúc em đang đi chơi lễ quốc khánh cùng với một người bạn gái. Sau khi Hồng bị bắt, tôi cùng với con gái của em đã đi tìm kiếm người thân của mình khắp mọi nơi. Chúng tôi đến hỏi thăm tất cả các trụ sở công an phường trong quận 12, nhưng không có nơi nào nhận là đã bắt và giam giữ em tôi cả.
Cho đến ngày 21/09/2018 vào một buổi chiều cùng ngày, tôi đã tìm được nơi giam giữ em gái tôi. Hồng bị giam giữ tại số 4 Phan Đăng Lưu phường 14 quận Bình Thạnh. Kể từ ngày đó cho đến nay, tôi chỉ được gửi tiền và thực phẩm vào cho em tôi, không có một dòng tin tức gì từ em. Ở thời điểm Hồng bị bắt cháu gái tôi là Đoàn Ngọc Hạ Vy chưa được 3 tuổi.
Kính thưa Quý Ông/Bà!
Những người bị xử lý về các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng đều là công dân trong một nước, họ cần được đối xử bình đẳng như các bị can trong các vụ án khác, có như thế thì mới đảm bảo được sự nghiêm chính của pháp luật và ý nghĩa của công lý.
Trong khi pháp luật hiện nay quy định danh một mục rất rộng các hành vi bị coi là xâm phạm an ninh quốc gia, nhiều hành vi thực chất chỉ là bày tỏ quan điểm chính kiến không có bạo lực cũng bị cho là xâm phạm an ninh quốc gia. Nhiều người chỉ vì thực hiện các quyền của công dân theo Hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình nhưng cũng bị quy buộc là tội phạm. Những điều đó cộng hưởng với nhau tạo ra một số lượng rất lớn các vụ án, các bị can bị đối xử bất công không được luật sư bào chữa trong quá trình điều tra.
Về phía cơ quan An ninh thì họ cho rằng họ đang làm công việc bổn phận giữ gìn an ninh trật tự trước Đảng và Nhà nước, nhưng thực tế họ đang đặt lên cao nhất mục tiêu trấn áp tội phạm mà xem nhẹ những tiêu chí giá trị công bằng của luật pháp.
Điều này cần phải thay đổi.
Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế đất nước, trong đó đã có nội dung về giải pháp chủ yếu đối với nguồn nhân lực là giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế.
Theo đó Bộ Chính trị đã nhận ra cần giáo dục nhận thức dân chủ cho đội ngũ cán bộ hiện nay và như vậy là bao gồm cả những người làm công tác điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Họ cần phải được nhắc nhở rằng họ đang làm việc với các người chủ công dân, đang thi hành pháp luật và do vậy phải có những chuẩn mực tiêu chí giá trị phải đảm bảo và tuân theo.
Việc giữ vững an ninh trật tự theo đó cần được thực hiện theo một phương cách không đi ngược lại với lẽ công bằng và công lý.
Từ những lẽ trên, kính đề nghị Quý Ông/Bà có ý kiến chỉ đạo ngành An ninh cần khắc phục những sự phân biệt đối xử bất công, dẹp bỏ những thành kiến hẹp hòi trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia. Chấm dứt tình trạng lợi dụng quy định pháp luật để ngăn cản không cho luật sư tham gia bào chữa trong quá trình điều tra.
Trước mắt cần thay đổi ngay lề lối làm việc trong những vụ án mà hành vi của các bị can đều được thực hiện một cách công khai và không có gì bí mật.
Kính mong nhận được sự quan tâm giải quyết.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Người làm đơn