CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2019
THƯ KIẾN NGHỊ
(Bổ sung quyền cho phạm nhân được quyền mời luật sư)
Kính gửi: |
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CẢ NƯỚC |
I/ NGƯỜI KIẾN NGHỊ
Chúng tôi, những người có tên trong danh sách dưới đây, ý thức về quyền hạn và trách nhiệm của mình trước nền tư pháp, có mong muốn gỡ bỏ những bất cập của nền tư pháp, dẹp bỏ những chướng ngại trong môi trường hành nghề luật sư, góp phần thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở nên công minh tiến bộ.
II/ CĂN CỨ PHÁP LÝ THỰC HIỆN VIỆC KIẾN NGHỊ
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại Điều 28 quy định: 1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
III/ NỘI DUNG VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ NHƯ SAU
Dự thảo Luật thi hành án hình sự đang được Quốc hội rà soát sửa đổi, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 Khóa 14 đang diễn ra. Tại Điều 27 trong dự thảo luật quy định về Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, mặc dù dự luật trao một số quyền cho phạm nhân nhưng lại không có quyền được mời luật sư pháp lý. Đây là một thiếu sót lớn cần được bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho phạm nhân vì các lẽ sau:
Phạm nhân rõ ràng là những người đang gặp phải vấn đề rắc rối với pháp luật và do vậy họ có nhu cầu nhận được sự trợ giúp về pháp lý. Mặc dù là những người đã bị kết án và bản án đã có hiệu lực nhưng không phải các vấn đề pháp lý của họ đã chấm dứt.
Thực tế là cùng một con người, nhưng khi là bị can bị cáo thì được mời luật sư, còn sau khi đã trở thành phạm nhân rồi thì không được quyền có luật sư, khiến họ mất luôn mối liên hệ với luật sư bào chữa trước đó. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến số phận pháp lý của rất nhiều phạm nhân.
Ví như rất nhiều tử tù bị kết án kêu oan mà gia đình mời luật sư kêu oan giúp thì cũng chỉ làm “chay” bên ngoài, vì luật sư ko được vào gặp làm việc với tử tù. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả của việc kêu oan cũng như số phận sống chết của tử tù.
Người thi hành án phạt tù cũng không phải là đã dứt bỏ khỏi cuộc sống bên ngoài, vì họ vẫn còn rất nhiều mối quan hệ pháp lý ràng buộc cần giải quyết, ví như ly hôn, để thừa kế, ủy quyền quản lý công ty và rất nhiều sự vụ pháp lý khác, và do vậy họ cần được quyền mời luật sư giúp giải quyết các vấn đề pháp lý.
Hoặc rất nhiều những trường hợp phạm nhân không đồng tình với bản án đã kết tội, họ muốn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm để xét lại bản án nhưng lại không được tiếp cận luật sư.
Rõ ràng phạm nhân là tầng lớp người đang có vấn đề với pháp luật và có nhu cầu về dịch vụ pháp lý cao hơn những người dân bình thường, vậy nhưng trong khi người dân bình thường không bị hạn chế tiếp cận với dịch vụ pháp lý của luật sư thì phạm nhân lại bị cản trở. Đây là một sự bất cập rất vô lý cần được tháo gỡ thay đổi.
Theo thông lệ nhiều nước trên thế giới, họ không ngăn cản người đang phải thi hành án được tiếp cận với luật sư pháp lý. Trong khi đó Luật thi hành án hình sự năm 2010 đang có hiệu lực không có quy định nào cho phép phạm nhân đang thi hành án được quyền mời luật sư. Thay vào đó luật chỉ quy định một nội dung chung chung trao quyền tùy nghi cho Giám thị trại giam là.
‘Trường hợp đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác (ngoài người thân) có đề nghị được gặp phạm nhân thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, giải quyết’.
Đó là quy định duy nhất luật sư có thể vận dụng cho việc thăm gặp nhưng thực tế các luật sư chúng tôi hầu như rất khó khăn trong việc thăm gặp phạm nhân đang thi hành án. Điều đáng tiếc là trong Dự thảo Luật thi hành án hình sự sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua cũng không có quy định nào cho phép phạm nhân được quyền có luật sư pháp lý.
Thay vào đó dự thảo quy định một nội dung là: ‘Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ’.
Đây cũng là một quy định có tính chất không rõ ràng mặc dù mang tinh thần là mở rộng thêm quyền cho phạm nhân. Với tình trạng lạm quyền và không gian áp dụng điều luật thiếu sự giám sát kiểm soát, những quy định như vậy là không đủ đảm bảo cho phạm nhân được quyền có luật sư. Trong khi quyền có luật sư là một thứ quyền căn cơ quan trọng, cái quyền sẽ giúp bảo hộ cho các quyền còn lại, cái quyền sẽ giúp tháo gỡ cứu chữa cho số phận pháp lý của họ, thì lại không có.
IV/ TỪ NHỮNG NỘI DUNG TRÊN CHÚNG TÔI KIẾN NGHỊ
Đề nghị Quốc hội bổ sung nội dung tại Điều 27 Dự thảo Luật thi hành án hình sự sửa đổi, bổ sung thêm quyền cho phạm nhân được quyền mời luật sư giúp thực hiện các yêu cầu pháp lý.
Kính mong được Quốc hôi quan tâm xem xét và chấp thuận.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn!
Danh sách những người đồng ý với thư kiến nghị:
- Luật sư Ngô Ngọc Trai, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Phùng Thanh Sơn, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Đoàn Công Thiện, Đoàn luật sư tỉnh Kiên Giang
- Luật sư Lý Trung Dung, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Nguyễn Phương Trinh, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Bùi Khắc Hanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Nguyễn Giang Nam, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Trần Bá Học, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Nguyễn Hào Hiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Lê Văn Luân, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Đỗ Anh Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Lê Đình Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Lư Quang Vinh, Đoàn luật sư Tp HCM
- Luật sư Trần Anh Tùng, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Nguyễn Văn Từ, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh
- Luật sư Hà Minh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư Tp Hà Nội
- Luật sư Đỗ Văn Vinh, Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai
- Luật sư Phạm Quốc Anh, Đoàn luật sư tỉnh Hà Giang
- Luật sư Đỗ Thị Hương Giang, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Huỳnh Thanh Thi, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Nguyễn Ngọc Hải, đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Trần Thị Thúy, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An
- Luật sư Đồng Mạnh Hùng, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Lê Thị Kim Soa , Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An
- Luật sư Nguyễn Hữu Tiếng, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn luật sư TP Hà Nội
- Luật sư Võ Phước Hoàng, Đoàn luật sư TP HCM
- Luật sư Trần Trung Thuận, Đoàn luật sư TP HCM