Một người dân ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, mới đây nhờ luật sư tư vấn giúp rằng bà con ở địa phương không muốn đi bầu cử Quốc hội vào ngày 22/5 liệu có vi phạm pháp luật không?
Lý do là một số bà con ở thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai từ vài năm nay đang khiếu nại việc thực hiện dồn điền đổi thửa ở địa phương. Bà con không đồng tình với việc chính quyền địa phương lấy bớt đất của các hộ dân để làm giao thông thủy lợi nội đồng.
Trong khi chờ đợi việc giải quyết đáp ứng nguyện vọng khoảng 80 hộ dân đã bảo nhau tiến hành canh tác tập thể trên phần diện tích cánh đồng vốn dự định chia ruộng cho các hộ.
Nay bà con hỏi xuất phát từ việc khiếu nại và bất bình với chính quyền như thế, nay không muốn đi bầu cử thì có gì sai trái vi phạm pháp luật không?
Bầu cử là Quyền
Thắc mắc của người dân nơi đây hẳn cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người. Có người vì bất bình với các cấp chính quyền vì việc này việc nọ nên bất hợp tác không muốn đi bầu, hoặc cũng có người tuy không có khúc mắc mâu thuẫn gì nhưng cũng không rõ nếu không đi bầu thì có gì vi phạm không?
Nay tôi trả lời như sau để mọi người cùng tham khảo: Việc bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ, cho nên thực hiện hay không tùy thuộc vào ý chí tự quyết của mọi người.
Hiến pháp năm 2013 quy định công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử. Còn Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 trong toàn nội dung văn bản cũng đều chỉ quy định công dân có quyền bầu cử chứ không có nghĩa vụ.
Khi kiểm tra tìm kiếm từ khóa ‘nghĩa vụ’ thì thấy trong toàn văn Luật bầu cử không có một chữ ‘nghĩa vụ’ nào. Điều này phần nào giúp củng cố thêm rằng xung quanh việc bầu cử người dân chỉ có quyền chứ không có nghĩa vụ.
Vì là quyền, không phải là nghĩa vụ, cho nên công dân không bị buộc phải thực hiện. Do vậy người dân được toàn quyền tự quyết định xem có đi bầu hay không.
Rà soát các văn bản pháp luật hiện tại tôi không thấy bất cứ một quy định chế tài nào đối với người không đi bầu.
Tất nhiên trên thực tế người không đi bầu có thể bị cơ quan đơn vị nơi học tập hoặc làm việc hạch sách theo hình thức này nọ, ví như nhà trường trừ điểm của sinh viên, song nên nhớ những việc làm này là bất hợp pháp.
Khai thông nhận thức
Lâu nay khi tuyên truyền cho bầu cử các cơ quan ban ngành thường hay nói gộp bầu cử là quyền và nghĩa vụ công dân. Các băng rôn khẩu hiệu chăng nhiều ở những không gian công cộng thể hiện cho thấy điều đó.
Điều đó cho thấy có vấn đề về nhận thức, các cơ quan đã lầm lẫn không phân biệt được bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ công dân.
Xưa nay cũng chưa thấy ai phát biểu chỉ ra cho cộng đồng hiểu bầu cử là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Song có thể có người biết nhưng lại cố ý duy trì sự lập lờ lầm lẫn nhằm đạt được mục đích nào đó.
Để thấy rõ hơn về sự cố ý gây nhầm lẫn nhằm đạt động cơ mục đích hãy nhìn sang lĩnh vực tư pháp.
Trong lĩnh vực tư pháp có một quyền là quyền trình bày lời khai. Pháp luật quy định người bị bắt, bị can được quyền trình bày lời khai, nhưng lâu nay không thấy bất cứ cán bộ tư pháp nào giải thích cho người bị bắt, bị can biết vì đó là quyền cho nên anh không có nghĩa vụ phải thực hiện.
Do không được khai thông nhận thức cho nên lâu nay người bị bắt, bị can vẫn phải khai báo như một nghĩa vụ đương nhiên. Điều này giúp ích nhiều cho việc điều tra giải quyết án, cho nên sự lầm lẫn vẫn được duy trì bất chấp tệ trạng song trùng với nó là vấn đề bức cung nhục hình xảy ra rộng khắp.
Một quyền khác của người bị bắt, bị can mà lâu nay cũng bị cố ý làm cho lập lờ không rõ ràng nhằm đạt động cơ mục đích đó là quyền đưa ra tài liệu đồ vật yêu cầu.
Luật quy định người bị bắt, bị can có quyền đưa ra tài liệu đồ vật, vậy lâu nay việc thực hiện hoạt động này cho thấy đó là quyền hay nghĩa vụ?
Nhìn vào cách ép buộc phải giao nộp tài liệu chứng cứ, nhìn vào thái độ cam chịu bất lực chấp nhận do không mong muốn sẽ thấy được việc thực hiện là nghĩa vụ chứ chẳng phải quyền.
Vì nếu là quyền thì việc thực hiện phải được tự nguyện dựa trên sự lựa chọn. Còn lâu nay người bị bắt và bị can đã bị buộc phải giao nộp tài liệu chứng cứ để từ đó người ta sử dụng để kết tội chính mình.
Từ đó có thể thấy trong việc thực thi các quyền dân sự và chính trị lâu nay đã xảy ra tình trạng cố ý gây nhầm lẫn để đạt động cơ chủ đích.
Trong tư pháp người ta coi trọng việc trấn áp xử lý tội phạm hơn là bảo vệ quyền công dân, còn trong chính trị thì người ta muốn lèo lái dắt mũi đám đông mà không từ một biện pháp thủ đoạn nào.
Đi bầu hay không?
Cần xác quyết một lần cho rõ ràng, việc đi bầu là quyền chứ không phải nghĩa vụ, vì là quyền nên người dân được toàn quyền tự quyết định việc thực hiện, theo đó có thể không đi bầu mà không bị xử lý trách nhiệm vì đó không phải là nghĩa vụ.
Trong bối cảnh thực trạng chính trị xã hội Việt Nam hiện nay cũng cần nhận thấy việc không đi bầu cũng là thông điệp giá trị có tác dụng tốt.
Đầu tiên, việc không đi bầu là một cách biểu thị bày tỏ dân nguyện cho thấy Quốc hội đã không tạo được niềm tin là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của dân chúng. Nhiều người cho rằng đi bầu hay không cũng vậy thôi vì kết quả được định trước hết rồi, tức là việc tổ chức bầu cử không tạo được sự tin tưởng về tính thực chất ở kết quả phụ thuộc vào lựa chọn của cử tri.
Ngoài ra việc không đi bầu sẽ là một phản ứng thông điệp gửi tới, để Quốc hội phải nhìn lại vai trò năng lực của mình, từ đó thúc đẩy nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội, giúp cho việc làm luật và giám sát được tốt hơn.
Cho nên đi bầu hay không đi bầu đều mang thông điệp chính trị tích cực, và sẽ là tốt nhất nếu người dân được cung cấp thông tin kiến thức đầy đủ và tự quyết định dựa trên nhận thức hiểu biết về các quyền công dân của mình.
Bài đã đăng trên BBCVietnamese tại Đây